Ô nhiễm khiến 9 triệu người chết mỗi năm, châu Phi bị ảnh hưởng nặng nhất

Một nhóm các nhà khoa học cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ngoài trời và nhiễm độc chì ngày càng trầm trọng đã khiến số người chết trên toàn cầu do ô nhiễm môi trường ước tính lên tới 9 triệu người mỗi năm kể từ năm 2015.

Ô nhiễm không khí từ các quá trình công nghiệp cùng với đô thị hóa đã làm tăng 7% số ca tử vong do ô nhiễm từ năm 2015 đến năm 2019, theo phân tích dữ liệu của các nhà khoa học về mức độ ô nhiễm và tỷ lệ tử vong toàn cầu.

Ô nhiễm đang giết chết 9 triệu người mỗi năm. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

WHO: Gần như toàn bộ dân số toàn cầu hít thở không khí ô nhiễm

Hơn 300.000 người ở châu Âu thiệt mạng vì ô nhiễm không khí năm 2019

Tòa án tối cao Ấn Độ ra lệnh làm việc tại nhà vì ô nhiễm nghiêm trọng ở thủ đô

Ấn Độ cảnh báo tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí ở New Delhi

Ông Richard Fuller, đồng tác giả nghiên cứu và là người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Pure Earth cho biết: “Không giống như biến đổi khí hậu, sốt rét hay HIV, chúng ta không tập trung nhiều vào ô nhiễm môi trường".

Một bản báo cáo trước đó được xuất bản vào năm 2017 cũng ước tính số người chết do ô nhiễm vào khoảng 9 triệu người mỗi năm, tức cứ 6 người chết trên toàn thế giới thì có 1 người chết vì ô nhiễm, và chi phí cho nền kinh tế toàn cầu lên tới 4,6 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Điều này làm cho ô nhiễm nghiêm trọng ngang với hút thuốc về tỷ lệ tử vong trên toàn cầu. Để so sánh thì đại dịch Covid-19 dù khủng khiếp như vậy song thực ra cũng chỉ giết chết khoảng 6,7 triệu người trên toàn cầu trong 2 năm.

Ô nhiễm nước và không khí trong nhà

Tử vong do các chất ô nhiễm truyền thống đang giảm trên toàn cầu. Nhưng chúng vẫn là một vấn đề lớn ở châu Phi và một số nước đang phát triển khác. Nước và đất bị nhiễm bẩn cũng như không khí ô nhiễm trong nhà khiến Chad, Cộng hòa Trung Phi và Niger trở thành ba quốc gia có số người chết liên quan đến ô nhiễm nhiều nhất, theo dữ liệu điều tra dân số.

Các chương trình của nhà nước nhằm cắt giảm ô nhiễm không khí trong nhà và cải thiện điều kiện vệ sinh đã giúp hạn chế mức phí tử vong ở một số nơi. Ở Ethiopia và Nigeria, những nỗ lực này đã khiến số ca tử vong liên quan giảm tới 70% từ năm 2000 đến năm 2019. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ vào năm 2016 đã bắt đầu đề nghị thay thế bếp đốt củi bằng bếp gas.

Ô nhiễm hiện đại

Đồng tác giả nghiên cứu Rachael Kupka, giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm có trụ sở tại New York, cho biết số người tử vong do tiếp xúc với các chất ô nhiễm hiện đại như kim loại nặng, hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu hóa thạch đang "tăng vọt", tăng 66% kể từ năm 2000.

Các tác giả cho biết khi đề cập đến ô nhiễm không khí ngoài trời, một số thành phố thủ đô lớn đã đạt được một số thành công, bao gồm cả Bangkok, Trung Quốc và Mexico City. Nhưng ở các thành phố nhỏ hơn, mức độ ô nhiễm tiếp tục tăng cao.

Nghiên cứu đưa ra danh sách 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm như sau: 1. Chad; 2. CH Trung Phi; 3. Niger; 4. Solomon Islands; 5. Somalia; 6. Nam Phi; 7. Triều Tiên; 8. Lesotho; 9. Bulgaria; 10. Burkina Faso.

Quốc Thiên (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/o-nhiem-khien-9-trieu-nguoi-chet-moi-nam-chau-phi-bi-anh-huong-nang-nhat-post195277.html