Ô nhiễm rác thải ven biển: Cần ý thức chung của tất cả người dân

Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền cũng như tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom rác thải, thế nhưng, hiện nay nhiều khu vực ven biển của Bình Thuận đang bị ô nhiễm môi trường bởi thói quen vứt rác bừa bãi của người dân. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cư dân ven biển, ô nhiễm môi trường từ rác thải đã và đang ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Ô nhiễm rác thải ven biển

 Rác thải trên sông Cà Ty.

Rác thải trên sông Cà Ty.

Khu vực bờ kè khu phố 3, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết có khoảng 100 hộ dân sinh sống, phần lớn làm nghề biển. Từ nhiều năm qua, cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Dọc bờ kè, rác chất thành đống, kéo dài hàng trăm mét, tồn đọng từ năm này qua năm khác nhưng không được xử lý khiến cho bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu. Từ rác thải sinh hoạt như: chăn mền, quần áo rách, bàn ghế hư hỏng, túi nilon đến ngư lưới cụ, đồ dùng để chế biến hải sản không còn sử dụng… tất cả đều bị ném xuống biển. Không chỉ vậy, nước dùng để sơ chế, chế biến hải sản cũng bị người dân đổ trực tiếp xuống sông, gây nên mùi hôi thối, tanh tưởi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe người dân. Một người dân sống ở đây cho biết: “Nhà ở ngay sát bờ kè nên ngày nào cũng phải ngửi mùi hôi thối, khó chịu. Dù có đóng kín cửa thì mùi hôi vẫn bay vào nhà, nhưng đành phải chịu vì chẳng thể làm gì khác được”.

 Rác khu vực bờ kè khu phố 3, phường Phú Hài.

Rác khu vực bờ kè khu phố 3, phường Phú Hài.

Tương tự, dọc bờ kè sông Cà Ty người dân vẫn ngang nhiên đổ rác thải xuống sông, đổ xà bần, vật dụng phế thải, vật liệu xây dựng… bừa bãi.

Rác thải không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác đánh bắt hải sản và ngành du lịch của tỉnh Bình Thuận. Với 192 km chiều dài bờ biển, tỉnh Bình Thuận có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác hải sản. Thế nhưng, lợi thế ấy đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi rác thải. Những thứ rác thải, nhất là các loại túi nilon, chai nhựa… đang khiến cho một số loài sinh vật biển như cá, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác không thể sinh trưởng phát triển bình thường, làm giảm nguồn lợi thủy sản. Rác thải ven biển cũng khiến cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh Bình Thuận bị ảnh hưởng không nhỏ. Mỗi khi tới mùa gió Nam, rác thải từ ngoài khơi tấp vào ven bờ và khiến cho nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng trở nên xấu xí; và đó là lý do khiến cho không ít du khách cảm thấy phiền lòng khi tới tham quan, du lịch, tắm biển.

Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương phải tăng cường ra quân, xử lý thu gom rác trên biển, nhất là rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân, chấp hành đúng quy định của pháp luật, không xả rác bừa bãi ra môi trường.

ĐÌNH HÒA

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/o-nhiem-rac-thai-ven-bien-can-y-thuc-chung-cua-tat-ca-nguoi-dan-129682.html