Ô tô nhập khẩu tăng 'chóng mặt'
Lượng ô tô nhập về Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng 167,8% về lượng và tăng 157% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cục Hải quan mới đây công bố số liệu nhập khẩu ô tô 9 tháng đầu năm cho biết lượng ô tô nhập về Việt Nam tăng 167,8% về lượng và tăng 157% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 9, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại được ước tính đạt 13.000 chiếc, trị giá 260 triệu USD. So với tháng 8, con số này tăng 38,1% về lượng và tăng 24,4% về trị giá.
Theo Tổng cục Hải quan ghi nhận, lượng ô tô nhập khẩu trong 9 tháng năm 2019 được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức. Số xe nhập khẩu từ 5 thị trường này chiếm tới khoảng 97% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Trước đó, tại thời điểm hết tháng 8.2019, Tổng cục Hải quan ghi nhận cả nước đã nhập khẩu tới 95.929 chiếc ô tô các loại, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Một thực trạng đang diễn ra hiện nay là xe nhập tăng chóng mặt, xe sản xuất trong nước chững lại. Cụ thể, dự báo với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, Bộ Công Thương cho rằng lượng nhập khẩu xe, đặc biệt là các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước lại chững lại. Năm 2017, sản lượng lắp ráp là 258.733 chiếc trong khi năm 2018 giảm xuống chỉ còn 258.116 chiếc. 6 tháng năm 2019, lượng xe lắp ráp đạt 131.089 xe.
Trong tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp, tỷ lệ 258.733/103.338 tức 2,5 lần trong năm 2017, năm 2018 tăng lên 3,72 lần do Nghị định 116 tác động khiến thị trường xe nhập khẩu giảm sút. 6 tháng năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống 1,74 lần do số xe nhập khẩu tăng vọt.
"Ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu như sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN do được hưởng ưu đãi thuế quan.
Tỷ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, đặc biệt từ năm 2018 các xe nhập khẩu từ ASEAN thuế về 0%", Bộ Công Thương cho hay.
Trước thực trạng nhập khẩu ô tô về Việt Nam ồ ạt, Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi người dùng.