Ô tô nhập khẩu tăng mạnh: Người Việt vẫn chuộng hàng ngoại?

Sau một thời gian dài lép vế trước xe lắp ráp trong nước, thị phần ô tô nhập khẩu bất ngờ tăng mạnh trong năm 2024 ở cả mảng kinh doanh xe mới và xe cũ.

Nguồn nhập từ đâu?

Thị trường ô tô Việt Nam hiện có 3 loại xe chính, gồm xe do hãng tự phát triển và sản xuất (như VinFast), xe lắp ráp trong nước với linh kiện nhập khẩu (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).

So với cùng kỳ 2023, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đạt mức tăng trưởng hai chữ số về cả số lượng và giá trị (ảnh minh họa).

So với cùng kỳ 2023, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đạt mức tăng trưởng hai chữ số về cả số lượng và giá trị (ảnh minh họa).

Nhiều năm gần đây, thị phần xe sản xuất, lắp ráp trong nước luôn chiếm hơn 50% tổng lượng ô tô bán ra toàn thị trường. Tuy nhiên, bất ngờ là từ năm 2024, cán cân xe CKD - CBU gần như đã cân bằng.

Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), giai đoạn từ 2021 - 2023, doanh số các dòng xe lắp ráp chiếm từ 55,9 - 57,2% tổng lượng ô tô bán ra mỗi năm. Nhưng trong 9 tháng đầu năm 2024, thị phần xe CKD và CBU đã gần như cân bằng, lần lượt là 50,3% (đạt 113.641 chiếc, giảm 7,5% so với cùng kỳ) và 49,7% (đạt 111.942 chiếc, tăng 29%).

Trong top 10 mẫu ô tô ăn khách nhất thị trường 3 quý đầu 2024, gần một nửa là các dòng xe nhập khẩu, gồm Mitsubishi Xpander (3/4 phiên bản được nhập khẩu), Mitsubishi Xforce, Ford Everest và Toyota Yaris Cross.

Tính đến hết tháng 9, tổng lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam lên tới 124.983 xe, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Ba thị trường xuất khẩu ô tô vào Việt Nam nhiều nhất là Indonesia (50.890 xe, kim ngạch gần 746 triệu USD), Thái Lan (47.580 xe, gần 923 triệu USD) và Trung Quốc (21.948 xe, 653 triệu USD). Đáng chú ý, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc sau 3 quý đầu năm tăng tới hơn 183% về số lượng và hơn 120% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh thế mạnh từ các loại xe tải và xe thương mại, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt còn đến từ làn sóng các thương hiệu ô tô du lịch Trung Quốc gia nhập thị trường Việt như: MG, Wuling, Haval, Chery, BYD, Lynk & Co, GAC, BAIC, Haima, Hongqi...

Không chỉ ô tô mới, xe nhập khẩu cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng ở lĩnh vực kinh doanh ô tô đã qua sử dụng.

Tỷ lệ tin rao bán xe CBU đã qua sử dụng duy trì ổn định ở mức trung bình 37% từ năm 2019-2022, song đã tăng mạnh lên khoảng 50% trong năm 2023 và sau 3 quý đầu năm 2024.

Người Việt vẫn chuộng xe nhập khẩu

Giám đốc kinh doanh một đại lý Toyota trên địa bàn Hà Nội cho biết, hiện vẫn có không ít người chú trọng nguồn gốc xuất xứ khi chọn mua ô tô: "Khoảng 7 - 10% khách tìm mua ô tô chỉ chọn các dòng xe nhập khẩu, thường là những người trong độ tuổi từ 45 - 50, mua xe ở phân khúc giá trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 20% khách hàng ưu tiên lựa chọn xe nhập hơn, nhưng vẫn chấp nhận mua xe lắp ráp nếu không còn lựa chọn khác".

Đây cũng là yếu tố nhiều người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hàng đầu khi mua ô tô đã qua sử dụng. Thống kê từ một sàn mua/bán ô tô cũ trực tuyến cho thấy, trong quý III/2024, nguồn gốc xuất xứ là tiêu chí đứng thứ ba về số lượt tìm kiếm, chỉ xếp sau hộp số và loại nhiên liệu sử dụng.

Giá xe cũ nhập khẩu cũng có phần nhỉnh hơn xe lắp ráp. Đơn cử, mẫu Kia Morning 2011 nhập khẩu Hàn Quốc, giá rao bán trung bình 188 triệu đồng, cao hơn 35 triệu đồng so với Kia Morning 2012 lắp ráp nội địa.

Hay như Hyundai Creta 2022 nhập khẩu thậm chí còn cao hơn bản CKD sản xuất 2023 khoảng 5 triệu đồng. Tương tự là Toyota Fortuner và Ford Ranger khi cùng đời 2021, giá bán lại của xe CBU cao hơn xe CKD từ 15 - 22 triệu đồng.

Có thâm niên sử dụng nhiều dòng ô tô, ông Nguyễn Cường (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, trong quan niệm của nhiều người, đặc biệt là những đã sở hữu và dùng ô tô từ đầu thập niên 2000, xe nhập khẩu vẫn được đánh giá cao hơn xe lắp ráp. Lý do một phần bởi những người này đã quen đi ô tô nhập khẩu từ xưa và cảm thấy chất lượng, độ hoàn thiện tốt hơn, khi sử dụng lâu dài ít bị xuống cấp.

Hãng xe ưu tiên nhập mẫu mới

Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lý do cơ bản để các hãng lựa chọn phân phối ô tô nhập khẩu là vì loại xe này có thể nhanh chóng đưa vào thị trường hơn so với xe lắp ráp, vốn cần nhiều thời gian và chi phí lớn để đầu tư, hoàn thiện dây chuyền.

Thống kê từ VAMA cho thấy, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn từ 10 - 20% so với các nước trong khu vực. Đây cũng là yếu tố nhiều hãng phải cân nhắc khi giới thiệu sản phẩm mới. Một số hãng chọn phương án nhập khẩu xe khi mới ra mắt nhằm mục đích thăm dò thị trường, nếu thấy có tiềm năng sẽ chuyển sang lắp ráp.

Theo ông Quyết, chất lượng xe nhập khẩu và xe lắp ráp hiện tại không có sự chênh lệch do đều áp dụng chung theo tiêu chuẩn chất lượng của hãng. Xe lắp ráp cũng sẽ có những lợi thế nhất định như được hưởng chính sách hỗ trợ từ nhà nước, hay chủ động hơn về nguồn cung sản phẩm.

Hiện có khoảng 112 mẫu ô tô du lịch và xe bán tải thuộc thương hiệu phổ thông đang được phân phối tại Việt Nam. Trong đó, 49 mẫu được lắp ráp nội địa và 63 mẫu nhập khẩu nguyên chiếc.

Các hãng có tỷ trọng xe CKD lớn hơn xe CBU trong dải sản phẩm gồm Kia (tất cả 10 mẫu đều là CKD), Hyundai (10 mẫu CKD, 1 mẫu CBU), VinFast (7 mẫu đều là CKD), Mazda (4 mẫu CKD, 3 mẫu CBU). Nhiều hãng chỉ bán xe nhập khẩu như Suzuki, Isuzu, Nissan, Skoda, Subaru, Lynk & Co, MG, BYD, Haval, Haima, GAC...

Tứ Đức

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/o-to-nhap-khau-tang-manh-nguoi-viet-van-chuong-hang-ngoai-192241017233553927.htm