Ðộc đáo tục đấu giá đèn ở Sóc Trăng

Tục đấu giá đèn hay rước đèn không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng mà còn là nét đẹp văn hóa đặc sắc lâu đời của người Hoa ở Sóc Trăng đến nay vẫn được lưu giữ và phát triển. Mục đích của việc tổ chức đấu giá đèn lồng, ngoài tăng thêm không khí vui vẻ cho các ngày lễ hội, tạo sự vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng, còn mang ý nghĩa từ thiện.

Ðồng bào Hoa đến chùa tham gia đấu giá đèn lồng đầu năm để cầu may và làm từ thiện.

Ðồng bào Hoa đến chùa tham gia đấu giá đèn lồng đầu năm để cầu may và làm từ thiện.

Tục đấu giá đèn hay rước đèn không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng mà còn là nét đẹp văn hóa đặc sắc lâu đời của người Hoa ở Sóc Trăng đến nay vẫn được lưu giữ và phát triển. Mục đích của việc tổ chức đấu giá đèn lồng, ngoài tăng thêm không khí vui vẻ cho các ngày lễ hội, tạo sự vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng, còn mang ý nghĩa từ thiện.

Vào dịp lễ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) hằng năm, đồng bào Hoa thường đến chùa lễ Phật, thánh thần và tham gia đấu giá đèn lồng gây quỹ từ thiện. Số tiền đấu giá được đều dùng vào việc công đức như giúp đỡ người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, xây cầu, làm đường giao thông, xây nhà tình thương… Tại Sóc Trăng, hoạt động này diễn ra ở hầu hết các chùa của đồng bào Hoa như Hòa An Hội Quán hay còn gọi là chùa Ông Bổn… Phó Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP Sóc Trăng Lâm Quốc Tuấn cho biết, những năm gần đây, đồng bào Hoa được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các lễ hội truyền thống. Hằng năm, ban quản trị các chùa tổ chức lễ đấu giá đèn rất có ý nghĩa vì số tiền đấu giá sẽ được công khai để gây quỹ giúp đỡ cho người nghèo và xã hội, góp phần tạo sự gắn kết tinh thần, giúp đỡ, đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa.

Ðèn lồng được xem là vật phẩm mang lại sự may mắn cho người sở hữu, người Hoa có truyền thống làm đèn lồng rất đẹp. Ðèn lồng được mang đi đấu giá thường là đèn kéo quân. Ðèn có hình lục giác hoặc bát giác, chung quanh là những tấm kính có vẽ hoa văn tinh xảo và kết nối với nhau qua những tấm ghép đồng trục, tạo thành khối hộp. Các đầu thường được tạo bằng chất liệu nhựa đúc thành hình đầu rồng chầu vào trong đèn. Khi được thắp sáng, nhờ sức nóng của đèn những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục. Số đèn lồng được đấu giá thường chỉ có chín chiếc và chiếc sau cùng là to nhất, còn gọi là đèn hạng nhất. Mỗi cây đèn đều mang một câu chúc phúc như: “Hợp gia bình an”, “Sanh ý hưng long”, “Tài nguyên quản tấn”, “Kim ngọc mãn đường”, “Vạn sự như ý”... Ngoài ra, tên chùa và người thắng đấu giá đèn được viết lên trên tấm giấy gắn dưới đèn lồng.

Ðể tổ chức buổi đấu giá, ban quản trị chùa sẽ thông báo ngày, giờ cụ thể để các thiện nam, tín nữ đến xem và tham gia đấu giá đèn. Ðến giờ đấu giá, đại diện Ban quản trị chùa giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và cách thức đấu giá đèn. Từng loại đèn được đọc tên, nêu giá khởi điểm và điều khiển phần đấu giá cho đến khi không còn ai trả giá cao hơn nữa thì chiếc đèn đó thuộc sở hữu của người đặt giá cao nhất. Có khi giá khởi điểm chỉ 500 nghìn đồng nhưng được đấu giá lên đến vài chục triệu đồng. Cứ thế cho đến khi chiếc đèn cuối cùng được đấu giá xong.

Theo Phó Chủ tịch Lâm Quốc Tuấn, người Hoa quan niệm mua được chiếc đèn trong phiên đấu giá là vinh dự cho mình, cho gia đình và mang lại sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt trong năm mới. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để tập hợp, đoàn kết mọi người cùng nhau giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của đồng bào Hoa, đóng góp gây quỹ cho các công tác từ thiện xã hội, góp phần cùng chính quyền địa phương giúp đỡ các gia đình chính sách và hộ nghèo tại địa phương...

Bài và ảnh: NGUYỄN PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/43393402-%C3%B0oc-dao-tuc-dau-gia-den-o-soc-trang.html