OCB đã thu hồi xong toàn bộ các khoản nợ rủi ro từ FLC và Đại Nam
OCB cho biết, với các khoản nợ của 2 khách hàng lớn là Tập đoàn FLC và Công ty Đại Nam, OCB đã thu hồi nợ xong thông qua việc thu hồi toàn bộ khoản nợ, nhận tài sản thế chấp thay nghĩa vụ trả nợ các doanh nghiệp này. Cả 2 khoản mục này đã có người mua, được quyền nộp tiền và bán tài sản cho bên thứ 3.
Ngày 28-4, tại TPHCM, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (ĐHĐCĐ) nhằm báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2023 cùng một số nội dung quan trọng khác.
Theo HĐQT OCB, trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp OCB nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng. OCB đang có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận để lại, trong đó 2.943 tỷ là lợi nhuận để lại năm 2022 và 4.094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước. Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, OCB đề xuất sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 50%. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
Trả lời chất vấn của cổ đông liên quan đến các khoản nợ rủi ro từ 2 khách hàng lớn của OCB là Tập đoàn FLC và Công ty Đại Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, hiện OCB đã thu hồi nợ xong của FLC và Đại Nam. Cả 2 danh mục tài sản này đã có người mua và ngân hàng đang cho bên thứ ba thời gian để thu xếp tiền. Liên quan đến việc OCB mua tòa nhà 265 Cầu Giấy – Hà Nội của FLC để đầu tư, khi FLC gặp khó khăn nên OCB chưa thực hiện thủ tục sang tên vào năm 2022. OCB quyết định dừng hợp đồng và FLC cũng đã hoàn trả tiền cho OCB bao gồm cả tiền phạt.
Trả lời cổ đông liên quan đến chia cổ tức, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB trả lời: ngay sau khi ĐHĐCĐ 2022 xong, OCB đã tiến hành các bước phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Theo trình tự thủ tục, OCB đã làm và được NHNN chấp thuận cho tăng vốn. Nhưng thủ tục tiếp theo phải làm với bên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, hồ sơ yêu cầu chi tiết và phức tạp hơn nên ngân hàng phải bổ sung. Để đảm bảo quyền lợi cổ đông, OCB sẽ gộp lợi nhuận trong năm nay và năm trước để chia một lần cho cổ đông chứ không kéo dài.