Ðổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng

Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết quan trọng với nhan đề 'Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới'. Trên cơ sở tổng kết quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề ra nhiều định hướng quan trọng để củng cố và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đảng cầm quyền là khái niệm được sử dụng để chỉ một đảng chính trị đại diện cho giai cấp đang nắm quyền lực và lãnh đạo chính quyền để tổ chức, quản lý đất nước. Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, do nhân dân làm chủ. Với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định là đảng cầm quyền. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, gắn với sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Bản chất cầm quyền của Đảng được thể hiện ở việc lãnh đạo chính quyền và thông qua chính quyền để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; bảo đảm quyền làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội của quần chúng nhân dân; được thực hiện theo đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Là đảng cầm quyền, trách nhiệm của Đảng vô cùng nặng nề. Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường như ngày nay, việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng là yêu cầu cấp thiết để tạo tiền đề, cơ sở xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mang lại cuộc sống thực sự ấm no, tự do, hạnh phúc cho quần chúng.

Quan điểm nhất quán của Đảng là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền trên cơ sở kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Những năm qua, Đảng đã triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, trọng tâm là: đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Mục tiêu mà Đảng hướng tới là tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn hạn chế. Có thể kể đến như việc thể chế hóa một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng còn chưa kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ… Nguyên nhân của những hạn chế này là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, thiếu thống nhất; một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Điều này khiến uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân bị ảnh hưởng.

Trên cơ sở lý luận về đảng cầm quyền, về phương thức lãnh đạo của Đảng và tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề ra nhiều định hướng quan trọng. Trước hết, đó là nhiệm vụ phải thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo cần thực hiện là tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng; phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Đây là những giải pháp thiết thực để bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng” được Đại hội XIII đã đề ra. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc học tập, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phát huy năng lực, trí tuệ của bản thân để cùng tập thể hoàn thành tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/163436/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang