Ðối phó 'năm thất bát'

Trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục các biện pháp hạn chế đi lại để ứng phó đại dịch Covid-19, Báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố hôm 3-2 đánh giá thấp triển vọng phục hồi của ngành hàng không thế giới. Theo đó, ngành hàng không toàn cầu tiếp tục đối mặt 'một năm thất bát'.

Trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục các biện pháp hạn chế đi lại để ứng phó đại dịch Covid-19, Báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố hôm 3-2 đánh giá thấp triển vọng phục hồi của ngành hàng không thế giới. Theo đó, ngành hàng không toàn cầu tiếp tục đối mặt "một năm thất bát".

Báo cáo của IATA cho biết trong năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không. Số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không toàn cầu đã giảm 66% trong cả năm 2020. Theo Tổng Giám đốc IATA, ngành hàng không dân dụng chỉ có thể phục hồi 38% so với năm 2019, tức thấp hơn 12% so với dự báo trước đó.

Báo cáo đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia tiếp tục hạn chế vận tải hàng không vì lo ngại dịch bệnh. Sự xuất hiện các biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi (được xác định là dễ lây nhiễm hơn so với phiên bản gốc tới 50 đến 70%) và việc tiêm phòng vắc-xin tại Liên hiệp châu Âu (EU) chậm hơn dự kiến, đã khiến dư luận lo ngại và nhiều nước thắt chặt hạn chế đi lại bằng đường hàng không. Tại Ðức, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Bild mới đây, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: "Những nguy cơ từ các biến thể của vi-rút buộc chúng tôi phải cân nhắc các biện pháp quyết liệt hơn.

Trong số các biện pháp đó bao gồm cả việc kiểm tra biên giới nghiêm ngặt và đồng thời giảm lượng du lịch hàng không đến Ðức gần như bằng 0". Trong khi đó, nước Nga đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế do dịch Covid-19 trong năm 2020. Sau đó Nga nối lại một số tuyến bay, nhưng tình hình dịch bệnh hiện tại khiến "xứ sở bạch dương" đang phải gia tăng hạn chế vận tải hàng không. Số liệu sơ bộ được Cục Hàng không Liên bang Rosaviatsiya vừa công bố cho thấy, lượng hành khách của các hãng hàng không Nga trong năm 2020 giảm 46%.

Tình hình khó khăn nêu trên đã khiến nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới lâm cảnh khó khăn, thậm chí phá sản hoặc bên bờ vực phá sản.

Hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ai-len, một trong những hãng hàng không lớn nhất tại châu Âu, vừa ước tính khoản thua lỗ hằng năm lên mức kỷ lục là gần 1 tỷ ơ-rô. Ryanair dự báo trong tài khóa này (kết thúc vào tháng 3 tới) hãng có thể phải chịu mức lỗ ròng từ 850 triệu đến 950 triệu ơ-rô. Tuyên bố của Ryanair nhấn mạnh "sự tàn phá của Covid-19" khiến tài khóa 2021 sẽ tiếp tục là năm thách thức nhất trong lịch sử 35 năm của hãng. Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản hôm 1-2 cũng điều chỉnh lại dự báo khoản lỗ ròng của hãng trong tài khóa 2020 (kết thúc vào ngày 31-3 tới) lên mức 2,86 tỷ USD.

Tại Mỹ, các hãng hàng không lớn cũng thua lỗ nặng và phải vay nợ hàng tỷ USD để vượt qua "năm Covid đen tối". Hãng hàng không United Airlines của Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết, họ đã thua lỗ nặng trong năm 2020 với mức lỗ 7,1 tỷ USD. Riêng trong quý IV - 2020, hãng này đã thất thu 33 triệu USD/ngày và mức thua lỗ trong quý cuối cùng của năm 2020 là 1,9 tỷ USD. Dự báo doanh thu của hãng có thể giảm 65 đến 70% trong quý I năm nay. Trong khi đó, tại Na Uy, hãng Norwegien Air mới đây đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản ở Ai-len và Na Uy. Hãng cũng đã trình Chính phủ một loạt đề xuất, trong đó có việc ngừng khai thác các chuyến bay đường dài để tập trung hơn vào châu Âu và một mục tiêu giảm nợ gắn với tăng vốn. Chính phủ Na Uy bày tỏ sẵn sàng giải cứu Norwegien Air với điều kiện hãng phải tự huy động 440 triệu ơ-rô từ các nhà đầu tư chiến lược.

Thực tế cho thấy, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và việc các quốc gia hạn chế đi lại bằng máy bay đang đe dọa đẩy nhiều hãng hàng không vào cảnh phá sản, đồng thời, làm mất đi hàng triệu việc làm. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc mới đây đã dự báo về "một năm tồi tệ và khó khăn tài chính nữa" đối với các hãng hàng không thế giới, do nhu cầu đi lại bằng đường không tiếp tục giảm.

Trong bối cảnh nêu trên, các biện pháp "giải cứu" ngành hàng không thông qua gói hỗ trợ tài chính chỉ là "như muối bỏ bể". Muốn đưa ngành hàng không sớm "cất cánh" trở lại, đòi hỏi các chính phủ phải quyết liệt, nhanh chóng "phủ sóng" vắc-xin và khống chế hiệu quả đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ, cần quan tâm hỗ trợ ngành hàng không "giữ chân" người lao động và đào tạo nhân lực để khi thế giới bước vào "trạng thái bình thường mới" sau đại dịch, ngành hàng không không bị khủng hoảng thiếu nhân công.

THĂNG LONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/-oi-pho-nam-that-bat--634496/