Olympic Tokyo 2020: Sự kiện của hy vọng

Ngọn đuốc linh thiêng của Đại hội thể thao thế giới mùa hè (Olympic) Tokyo 2020 đã được thắp sáng trên đài lửa của Sân vận động quốc gia ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Cùng với đó, bài hát chính thức của Olympic Tokyo 2020 đã vang lên, đánh dấu thời điểm khai màn lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, Olympic Tokyo 2020 cần được tổ chức vì lúc này thế giới cần Thế vận hội "như một sự kiện của hy vọng".

Màn pháo hoa rực rỡ trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020.

Có thể nói, Olympic Tokyo 2020 là kỳ Thế vận hội gian nan nhất trong lịch sử. Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu hơn một năm qua khiến sự kiện được cả thế giới mong đợi này phải lùi thời điểm tổ chức một năm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Olympic Tokyo 2020 đánh dấu nhiều yếu tố đặc biệt.

Trước thềm khai mạc, ngày 20-7, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã quyết định một thay đổi mới. Đó là, khẩu hiệu (slogan) của phong trào Olympic “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn” (tiếng Anh: Faster - Higher - Stronger) được bổ sung từ "Cùng nhau" (Together) để thành: “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn - Cùng nhau”.

Khẩu hiệu ngoài ý nghĩa khích lệ các vận động viên thi đấu hết sức mình để lập những kỷ lục mới còn muốn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết trong bối cảnh toàn thế giới đang phải ứng phó với khó khăn hiện tại.

Cũng tại kỳ Đại hội lần này, tinh thần chung tay đoàn kết còn được IOC thể hiện bằng việc lần đầu tiên tại lễ khai mạc, mỗi đoàn thể thao tham dự có 2 vận động viên cầm quốc kỳ trong phần diễu hành.

Bất chấp thiệt hại có thể lên tới 1,4 tỷ USD, Ban Tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 đã quyết định không cho phép khán giả nước ngoài dự khán các cuộc đấu tại Olympic để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Trong khi đó, các vận động viên và huấn luyện viên nước ngoài nhập cảnh với điều kiện tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch. Các hoạt động thi đấu được truyền hình trực tiếp tới khán giả toàn cầu thông qua công nghệ truyền hình tiên tiến nhất. Điều này cho thấy nỗ lực và ý chí quyết tâm của đất nước Mặt trời mọc trong việc sẵn sàng đánh đổi lợi ích kinh tế cho mục tiêu chung là khống chế đại dịch Covid-19.

Trước thềm Thế vận hội 2020, Chính phủ Nhật Bản khẳng định quyết tâm bảo đảm Thế vận hội diễn ra an toàn, đồng thời gửi thông điệp tới thế giới rằng Nhật Bản có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay bằng nỗ lực và trí tuệ. Các nhà phân tích nhận định, Thế vận hội 2020 vẫn diễn ra dù không có khán giả tham dự cho thấy “tinh thần Nhật Bản” một lần nữa được khẳng định. Điều đó giúp Nhật Bản trở thành điểm sáng giữa bối cảnh thế giới đầy ảm đạm.

Diễn ra từ ngày 23-7 đến ngày 8-8, Olympic Tokyo 2020 dự kiến có 41 địa điểm thi đấu và chính quyền Tokyo đã dành 400 tỷ yên (hơn 3,67 tỷ USD) để trang trải các chi phí quảng bá, xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Có tổng số 206 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự Olympic Tokyo 2020, với hơn 11.000 vận động viên tham gia tranh tài. Trong số này, đoàn thể thao có nhiều vận động viên nhất là Mỹ với 630 người, xếp trên chủ nhà Nhật Bản (552 người). Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là đoàn có nhiều vận động viên nhất, với 42 người, tiếp theo là Malaysia (30), Indonesia (28), Singapore (22), Philippines (19) và Việt Nam (18).

Olympic không chỉ là cuộc đua thể lực, sự dẻo dai, khéo léo mà sự kiện này còn luôn khẳng định được những mục tiêu tốt đẹp, đó là góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và công bằng... giữa các nước trên thế giới. Olympic Tokyo 2020 diễn ra trước sự tấn công của dịch Covid-19, một lần nữa cho thấy ý chí của nước chủ nhà Nhật Bản cũng như tinh thần các nước tham dự Thế vận hội quyết tâm vượt qua dịch bệnh.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/1006874/olympic-tokyo-2020-su-kien-cua-hy-vong