Olympic Tokyo 2020: Tạm biệt Tokyo và hẹn gặp lại Paris!

Màn trình diễn pháo hoa tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic (Tokyo, Nhật Bản) ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Những ngôi sao ghi danh vào lịch sử thể thao thế giới tại Olympic Tokyo

Tối 8/8, Olympic Tokyo 2020 chính thức khép lại bằng một lễ bế mạc với chủ đề "Worlds We Share" (Thế giới chúng ta chia sẻ) được tổ chức đơn giản nhưng vô cùng xúc động trên sân vận động Quốc gia tại thủ đô Tokyo.

Hình ảnh ngọn đuốc Olympic tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh ngọn đuốc Olympic tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Seiko Hashimoto, Trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, khẳng định được tổ chức sau một năm tạm hoãn, cuối cùng Olympic Tokyo đã diễn ra suôn sẻ: "Chúng ta đã tổ chức thế vận hội bằng việc ưu tiên cho an toàn, và giờ chúng ta đang đi đến ngày cuối cùng mà không có bất cứ vấn đề lớn nào".

Trong khi đó, Chủ tịch IOC Thomas Bach tuyên bố: "Giờ đây, chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đã trải qua một thế vận hội cực kỳ thành công".

Đại diện các đoàn thể thao cầm cờ tiến vào sân vận động Olympic (Tokyo, Nhật Bản) trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 ngày 8/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại diện các đoàn thể thao cầm cờ tiến vào sân vận động Olympic (Tokyo, Nhật Bản) trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 ngày 8/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Sau 16 ngày thi đấu, tổng cộng 339 bộ huy chương đã được trao ở 33 môn, trong đó có 4 môn mới có mặt lần đầu tiên ở đấu trường Olympic là trượt ván, lướt sóng, leo núi thể thao và karate. Đây là kỳ thế vận hội đầu tiên có số lượng môn thi lớn nhất từ trước tới nay.

Tại Olympic lần này, đoàn thể thao Mỹ giành được tổng cộng 113 huy chương, trong đó có 39 HCV, 41 HCB và 33 HCĐ, tiếp tục duy trì vị thế siêu cường quốc thể thao số 1 thế giới.

Quang cảnh sân vận động Olympic (Tokyo, Nhật Bản) trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 ngày 8/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Quang cảnh sân vận động Olympic (Tokyo, Nhật Bản) trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 ngày 8/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Đoàn thể thao Trung Quốc cũng chứng tỏ là đối thủ đáng gờm của Mỹ khi liên tục dẫn đầu trong hầu hết hành trình của Olympic và chỉ để Mỹ vượt qua ở ngày thi đấu cuối cùng. Chung cuộc, Trung Quốc giành tổng cộng 88 huy chương, trong đó có 38 HCV, 32 HCB và 18 HCĐ.

Trong khi đó, đoàn chủ nhà Nhật Bản cho thấy bước tiến vượt bậc khi giành được tổng cộng 58 huy chương, trong đó có 27 HCV, 14 HCB và 17 HCĐ, xếp thứ 3 chung cuộc.

Màn trình diễn pháo hoa tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic (Tokyo, Nhật Bản) ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Màn trình diễn pháo hoa tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic (Tokyo, Nhật Bản) ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Olympic Tokyo 2020, có 93 đoàn thể thao tham dự giành được huy chương, tăng 7 đoàn so với Olympic 2016 ở Rio de Janeiro và Olympic 2012 ở London.

Kết thúc lễ bế mạc, Thống đốc Tokyo bàn giao cờ Olympic cho bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris - thành phố đăng cai Olympic mùa hè 2024.

Bà Ana Maria Hidalgo, Thị trưởng Paris (Pháp) - thành phố đăng cai Olympic mùa Hè 2024, tiếp nhận lá cờ Olympic tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Ana Maria Hidalgo, Thị trưởng Paris (Pháp) - thành phố đăng cai Olympic mùa Hè 2024, tiếp nhận lá cờ Olympic tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba năm sau, thể thao thế giới sẽ có một kỳ Olympic thế nào? Pháp đang cam kết Olympic Paris 2024 sẽ là thế vận hội "vì khán giả".

Hy vọng, tinh thần Olympic được thắp lên từ nỗ lực đăng cai của Tokyo sẽ tiếp thêm quyết tâm cho thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19 để những khán đài ở Paris sẽ lại đầy ắp tiếng cổ vũ.

* Olympic Tokyo 2020 đã khép lại và hàng loạt VĐV sẽ được ghi danh vào lịch sử với tư cách những ngôi sao sáng nhất của kỳ Thế vận hội đáng nhớ này.

"Kình ngư" Caeleb Dressel giành HCV ở nội dung 100m bướm với thành tích 49 giây 45, phá kỷ lục thế giới và Olympic. Ảnh: THX/TTXVN

"Kình ngư" Caeleb Dressel giành HCV ở nội dung 100m bướm với thành tích 49 giây 45, phá kỷ lục thế giới và Olympic. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bảng thành tích các VĐV có nhiều HCV nhất của Olympic Tokyo 2020, dẫn đầu là VĐV bơi của Mỹ Caeleb Dressel với 5 HCV ở các nội dung bơi.

Xếp thứ 2 là Emma Mckeon của đoàn thể thao Úc với 4 HCV. Cùng ở vị trí thứ 3 là Elaine Thompson của Jamaica và An San của Hàn Quốc với 3 HCV. Kế tiếp là VĐV Lisa Carrington của New Zealand với 2 HCV.

Nếu chỉ nhìn vào những con số ở trên thì chưa thể hiện được sự ấn tượng trong màn trình diễn của các VĐV ở kỳ Olympic Tokyo lần này.

Ngoài 5 tấm HCV, Caeleb Dressel đã phá 2 kỷ lục thế giới và 2 kỷ lục Olympic. Sau huyền thoại Michael Phelps, Caeleb Dressel chính là một trong những ngôi sao sáng nhất ở “đường đua xanh” của thể thao Mỹ.

Tương tự như Dressels ở các nội dung của nam, ở nội dung của nữ, sự thống trị thuộc về các cô gái tới từ Úc, trong đó có cái tên nổi bật Emma McKeon. Ngoài 4 tấm HCV, McKeon cũng thiết lập 1 kỷ lục thế giới và 3 kỷ lục Olympic.

Những cái tên xếp ở vị trí thứ 3 có thể thua kém McKeon và Dressels về số HCV, nhưng những thành tựu gắn liền với họ thì không thể bỏ qua.

Elaine Thompson trở thành nữ VĐV điền kinh đầu tiên kể từ huyền thoại Florence Griffith-Joyner ở Olympic 1988, đoạt hat-trick HCV ở cả 3 nội dung chạy nước rút tại Tokyo 2020.

Thành tích này của Elaine Thompson-Herah cũng giúp cô trở thành VĐV điền kinh thành công nhất của Jamaica tại Olympic sau nam VĐV huyền thoại Usain Bolt.

Sau khi thắng gần như tuyệt đối ở cự ly 100m và 200m cùng phá kỷ lục Olympic (100m) sau 33 năm của nữ VĐV Florence Griffith-Joyner, Elaine Thompson-Herah tiếp tục góp công cùng đội nữ điền kinh Jamaica thắng luôn nội dung nước rút tiếp sức 4x100m.

Đây là chiếc HCV nội dung nước rút tiếp sức đầu tiên của điền kinh nữ Jamaica kể từ Olympic 2004, qua đó giúp Elaine Thompson-Herah hoàn tất cú hat-trick HCV ngoạn mục và cũng là chiếc HCV thứ 5 của cô sau 2 kỳ Olympic gần đây.

VĐV An San của Hàn Quốc cũng là cái tên nổi bật. Ngoài 3 tấm HCV, cô gái này còn phá luôn một kỷ lục Olympic ở nội dung cung một dây với số điểm 680. Đáng chú ý là An San năm nay mới chỉ 19 tuổi và mới có lần đầu tham dự Olympic.

Cuối cùng phải kể tới VĐV Canoeing Lisa Carrington của New Zealand. Cô gái này trở thành VĐV có nhiều huy chương nhất lịch sử ở môn này với 2 tấm HCV và 1 tấm HCĐ tại Olympic Tokyo.

Tổng cộng Carrington đang có 6 tấm huy chương, trong đó có 5 HCV. Carrington cũng là người duy nhất có HCV ở môn Canoeing ở 3 kỳ Thế vận hội liên tiếp 2012, 2016 và 2020.

M.HÙNG (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/262375/olympic-tokyo-2020--tam-biet-tokyo-va-hen-gap-lai-paris.html