Ổn định chính trị - Vốn quý để phát triển đất nước
Đối với đất nước ta, ổn định chính trị là tài sản vô giá. Điều này đã được minh chứng qua kết quả của gần 40 năm đổi mới, ổn định chính trị là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Trong đánh giá của quốc tế về các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam thì ổn định chính trị luôn là yếu tố hàng đầu.
Điều kiện sống còn để bảo vệ độc lập dân tộc, phát triển kinh tế
Ổn định chế độ chính trị là một hình thái đặc biệt của vận động xã hội-sự vận động trong trật tự, kỷ cương, bảo đảm các cấu trúc, chức năng cấu thành bản chất chế độ chính trị được giữ vững, tăng cường, không dẫn tới rối loạn, bất ổn. Ổn định chính trị là một nội dung cấu thành phát triển bền vững đất nước.
Trái lại, bất ổn chính trị có thể đe dọa lợi ích của mọi thành viên xã hội cũng như khả năng phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, các bất ổn về kinh tế có thể được khắc phục thông qua kế hoạch ngắn hạn hoặc trung hạn, còn việc khắc phục bất ổn chính trị khó khăn hơn rất nhiều, không chỉ cần thời gian dài hơn, nguồn lực lớn hơn mà còn phải xử lý các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cực kỳ phức tạp.
Đằng sau các bất ổn chính trị là sự rạn nứt các khối đoàn kết xã hội, thậm chí các lực lượng chính trị, các giai tầng xã hội bị cuốn vào xung đột, chiến tranh, làm hao tổn nguồn lực quốc gia, ly tán lòng người, đất nước chia cắt, các thế lực ngoại bang nhân cơ hội can thiệp, ảnh hưởng đến độc lập và chủ quyền dân tộc, đất nước không chỉ bỏ lỡ các cơ hội phát triển mà còn đứng trước nhiều rủi ro. Phần lớn các cuộc xung đột tàn phá các quốc gia trong những năm gần đây đều khởi nguồn từ những bất ổn chính trị trong nước. Trong đó, có những cuộc xung đột đã kéo dài nhiều năm, không biết bao giờ mới kết thúc.
Khi đổ vốn vào bất cứ quốc gia nào, nhất là những khoản đầu tư lớn, dài hạn, nhà đầu tư phải tìm hiểu cặn kẽ về môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, dân cư của quốc gia đó. Mọi nguy cơ về bất ổn chính trị đều phải được nhà đầu tư phát hiện từ sớm, để từ đó có biện pháp ứng phó hoặc chọn quốc gia khác để đầu tư. Bởi vì những bất ổn về chính trị dễ dẫn tới những bất ổn về kinh tế, bất ổn về xã hội, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Thực tế cho thấy trong các cuộc biểu tình lớn trên thế giới, người biểu tình sẵn sàng tấn công, đập phá cơ sở sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Đầu tư vào một quốc gia có môi trường chính trị bất ổn chẳng khác nào ném tiền vào một canh bạc mà nhà đầu tư gần như cầm chắc phần thua.
Trải qua nhiều năm chiến tranh đau thương, đất nước bị chia cắt, bị tàn phá, dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất, giá trị của ổn định chính trị để phát triển đất nước, mang lại cuộc sống bình yên. Đối với Việt Nam, ổn định chính trị là điều kiện sống còn để bảo vệ độc lập dân tộc, ứng phó với các thách thức bên trong và bên ngoài. Bảo vệ Tổ quốc có nội dung cơ bản là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị.
Trong những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động với những lò lửa chiến tranh, xung đột, căng thẳng địa chính trị giữa các nước trên thế giới, nhiều quốc gia bất ổn với những điểm nóng về sắc tộc, tôn giáo... gây e ngại cho nhà đầu tư thì Việt Nam có sức hút lớn nhờ luôn giữ được ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, có vị trí đắc địa trong giao thương và có chính sách ngoại giao đúng đắn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I-2024, có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vì thế, ổn định chính trị chính là một thành tựu quan trọng từ sự lãnh đạo của Đảng ta.
Ổn định chính trị vì Đảng có uy tín cao với nhân dân
Vậy nguyên nhân nào để đất nước ta có được ổn định chính trị trong suốt bao năm qua?
Có thể nói, Việt Nam luôn giữ được ổn định chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững vị thế lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chính là vì Đảng có uy tín cao gần như tuyệt đối với nhân dân. Đạo đức của Đảng, trí tuệ của Đảng đã được minh chứng từ sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong hơn 94 năm qua, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển kinh tế. Chính vì tin Đảng, yêu Đảng mà nhân dân Việt Nam luôn theo Đảng, dù thử thách, gian lao đến mấy, khó khăn đến mấy cũng không sờn lòng. Sự lãnh đạo của Đảng không nhằm mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu cao đẹp là phấn đấu đưa đất nước ta thành nước phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Cũng vì niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng nên dù các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ, tiến hành các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây bất ổn chính trị, bất ổn xã hội, mưu toan thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, nhưng các mưu đồ ấy đều thất bại.
Sự ổn định chính trị có được còn là vì Đảng ta luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đoàn kết dân tộc và đoàn kết trong Đảng. Cả hệ thống chính trị, xã hội, nhân dân đoàn kết quanh Đảng tạo thành một khối gắn kết vững chắc. Mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng, thành phần đều hiểu rõ giá trị của mình, từ đó đóng góp vì giá trị chung, mục tiêu chung.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Cán bộ, đảng viên cần gương mẫu, quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta quyết liệt thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để loại bỏ các biểu hiện suy thoái, làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy Nhà nước để giữ vững niềm tin của nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cuộc đấu tranh ấy được đại bộ phận nhân dân và dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ và đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Tuy nhiên, trong xã hội thời gian qua cũng xuất hiện những lo ngại về việc “đánh chuột làm vỡ bình” khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Các thế lực thù địch đang tăng cường rêu rao các thông tin xuyên tạc rằng: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua chẳng qua là tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng”, họ gieo rắc những đồn đoán, suy luận thiếu căn cứ rằng sắp tới sẽ có thêm lãnh đạo A, lãnh đạo B bị xử lý... hòng gây hoang mang trong nhân dân. Rồi họ kết luận xằng bậy rằng “nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng bị kỷ luật, bị vướng vào lao lý do tham nhũng, tiêu cực chứng tỏ Đảng có lỗi hệ thống không thể khắc phục”. Từ đó, họ kêu gọi rằng “chỉ có thay đổi chế độ tại Việt Nam mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Đáng tiếc là có những cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tin theo những luận điệu sai trái ấy. Đã có những người bày tỏ tâm trạng bi quan, lo lắng cho sự tồn vong của chế độ ta. Cũng có những người vì tò mò, hiếu kỳ, muốn cập nhật các thông tin “nóng sốt”, những việc "thâm cung bí sử”, những "bí mật cung đình” mà không thể tìm thấy các loại thông tin ấy trên báo chí chính thống nên đã lên mạng xã hội để "hóng" và đã vô tình mắc bẫy kẻ xấu, thế lực thù địch.
Vì vậy, cán bộ, đảng viên cần hết sức tỉnh táo. Thứ nhất là, cần phải thấy rõ những thành tựu nổi bật của Việt Nam trên tất cả lĩnh vực, cùng với đó là uy tín quốc tế rất cao của đất nước ta trong những năm qua, từ đó hiểu được giá trị và vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay, phổ biến, lan tỏa ra quần chúng nhân dân. Thứ hai là, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với sự bền vững của Đảng, của đất nước, từ đó thêm kiên trì, quyết tâm và tin tưởng tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này. Thứ ba là, cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ. Cần loại trừ mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Cũng rất cần tránh mọi biểu hiện “cua cậy càng, cá cậy vây”, hành động không vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân mà chỉ vì lợi ích cục bộ ích kỷ của bộ, ngành, cơ quan của mình và cá nhân mình. Nhân dân ta rất tinh tường, luôn phân biệt được rất rõ tốt-xấu, thật-giả. Cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ rằng: Sức mạnh vô song của Đảng ta, của đất nước ta chính là nhờ niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, từ đó đoàn kết được toàn thể dân tộc, toàn thể nhân dân. Thứ tư là, cần nhận thức rõ giá trị của ổn định chính trị đối với sự phát triển của đất nước; từ đó, trong mọi lời nói và việc làm nên hết sức cân nhắc, tránh tạo những tác động bất lợi. Thứ năm là, không xem, không tin, không tán phát thông tin trên các trang mạng của thế lực thù địch, phản động, các thông tin chưa được kiểm chứng.
Cần khẳng định rằng, ổn định chính trị là vốn quý để phát triển đất nước. Tuy nhiên, ổn định chính trị không phải là thứ tài nguyên trời ban mà là nhờ năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ vấn đề này để có hành động đúng đắn nhằm giữ vững ổn định chính trị vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.