Ông ba Hề

Cái tên ba Hề chỉ là biệt danh của ông mà anh em chạy xe gắn máy kéo thùng đặt cho trong lúc chén rượu, chén trà.

Khi ông ba Hề còn là chủ bán quán cơm trên thị xã, tên quán được đặt bằng tên của hai thằng con trai ông ghép lại, giống như tên của danh hề cải lương nổi tiếng. Nhưng anh em chạy xe chung không gọi ông bằng cái tên mỹ miều đó mà gọi tắt là ba Hề, đến khi nhiều người gọi riết rồi thành biệt danh.

*****

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, từ một gia đình chuyên sống bằng nghề buôn bán tại thị xã vùng biên giới, ba Hề không muốn mình và người thân trong cảnh nơm nớp lo sợ nên dắt díu vợ và tám đứa con về định cư tại rạch Thạnh Lợi.

Với số vốn còn lại, ba Hề mua mười công đất để trồng lúa mùa, làm rẫy; sắm xe Honda kéo thùng để mưu sinh hàng ngày và lo cho tám đứa con ăn học. Việc ba Hề chạy xe hàng ngày nhưng không vào bến rước khách đã thành quen thuộc với đồng nghiệp nhưng là cái gai trong mắt tay trưởng phòng giao thông huyện út Hiền nên hắn muốn dằn mặt:

- Anh ngồi xuống đó đi! - Út Hiền chỉ tay qua ghế đối diện mời ba Hề ngồi.

- Cảm ơn anh! Lúc này cũng khỏe hả anh Út? - Ba Hề chào xã giao.

- Sao tôi mời anh mấy lần mà bây giờ anh mới gặp? Út Hiền lớn giọng.

- Dạ… dạ… tại - Ba Hề ấp úng

- Anh muốn chống lại chủ trương của lãnh đạo ngành giao thông huyện này à?

- Anh đừng nói vậy tội nghiệp cho tôi. Tuy không vào bến nhưng hàng tháng, đến quý, đến năm tôi vẫn đóng thuế, lệ phí bến bãi, quỹ nghiệp đoàn đầy đủ chớ có thiếu đồng xu, cắc bạc nào đâu - Ba Hề phân bua.

- Ở đây tôi muốn nói việc anh không chấp hành chủ trương, chớ các khoản thuế, phí, lệ phí mà anh không đóng thì tôi cho anh về vườn húp cháo chớ đừng nói ở đây mà chạy xe kiếm cơm - Út Hiền tiếp tục lên giọng - Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, đưa mọi thành phần kinh tế, nghề nghiệp, sản xuất đi vào nền nếp, kỷ cương. Anh cũng không ngoại lệ chứ đâu phải muốn làm gì thì làm, muốn chạy xe tuyến nào thì chạy, rước khách ở đâu cũng được…

- Nhưng anh thông cảm!

- Không thông cảm gì hết, nội trong ngày hôm nay anh phải nộp tờ cam kết về việc chấp hành chủ trương của bến xe. Hết, không thêm lời nữa.

Ba Hề bước ra khỏi ban điều hành bến xe, đạp máy chạy đi mà đầu óc nghĩ ngợi lung tung. Cái trước mắt là mất buổi chiều không làm ra tiền, rồi tới đây thu nhập hàng tháng sẽ mất ít nhiều vì phải chấp hành theo điều lệ của bến xe như tay út Hiền đã nói.

Đang là mùa nước nổi, muốn về đến nhà ở tận cuối rạch Thạnh Lợi ba Hề phải gởi xe nhà người quen ở ngoài lộ cái rồi đi đò dọc khoảng một giờ đồng hồ. Ngồi trên đò mà lòng ba Hề rối như tơ vò.

Cả một cánh đồng, nước ngập mênh mông, lưa thưa từng đám lúa mùa đang nhú lên vượt theo mớn nước lũ. Tiếng gió vi vu, tiếng sóng nhỏ, tiếng mái chèo khua nước đập vào đám lúa non nghe sột soạt làm cho ba Hề nghĩ ngay đến đám lúa của nhà mình không biết có được như thế này không, hay còn thưa thớt hơn.

Sống bằng nghề mua bán ở thành thị từ nhỏ đến lớn, ba Hề có biết trồng cây lúa, cây mè, cây đậu là như thế nào đâu. Chẳng qua về sống ở nông thôn thì phải mua đất để làm ruộng, nếu không người ta cho mình là tiểu tư sản, không phải bần cố nông sẽ khó mà ăn nói khi có chuyện phải gặp chính quyền.

Đang suy nghĩ mông lung, đò đã cặp sàn nước nhà ba Hề mới hay. Thằng Tám, thằng Chín reo lên líu lo:

- A! Ba về, sao bữa nay về tối vậy ba?

- Ừm…

- Bộ có chuyện gì sao mà ông về muộn quá vậy? Út Rỡ ôn tồn hỏi chồng.

- Ừ… Thì cũng có chút chuyện, mà mấy đứa nhỏ ăn cơm hết chưa?

- Tụi nó ăn xong hết hồi chiều rồi, chỉ còn tui chờ ông về ăn cho nó vui.

- Ừ! Chờ tui tắm cái đã, bà dọn cơm đi.

Vừa ăn cơm, ba Hề vừa kể cho vợ nghe chuyện hồi chiều bị ban điều hành bến xe mời làm việc và cũng tính luôn việc sắp tới phải kiếm cái đường hướng mới tăng thu nhập, vì tính đi tính lại nếu vào bến xe nằm tài rước khách sẽ không được bao nhiêu tiền.

Thấy ba má ngồi ăn cơm, thằng Tám, thằng Chín nũng nịu ngồi ôm bắp đùi của ba đòi mua quần áo mới để còn kịp tựu trường. Con Hai, con Ba, con Năm dồn vô trong buồng soạn đi soạn lại mấy bộ đồng phục.

Thằng Tư, thằng Sáu, thằng Bảy lo chuẩn bị sách giáo khoa cũ trả cho nhà trường và liệt kê những thứ cần thiết cho việc học tập để ngày mai ba đi chạy xe xong mua về luôn chuẩn bị cho khai giảng.

Cái không khí gia đình ấm cúng ấy khó nhà ai ở làng quê này có được. Nó không xôn xao, nhộn nhịp nhưng luôn đầy ắp tiếng cười nói, trong đó có tiếng thở ngắn dài, tâm trạng lo âu của người đàn ông là trụ cột gia đình với một vợ tám con.

- Tui tính như vầy được không ông?

- Bà tính sao, nói tui nghe coi.

- Hay là mình cho tụi nhỏ nghỉ học bớt mấy đứa để tụi nó phụ tiếp tui với ông lao động kiếm thêm thu nhập. Chứ tám đứa con đi học một lượt như vầy tui thấy ông lo không xuể!

- Không được đâu bà ơi!

- Sao mà không được? Con Hai với con Ba phụ tui kiếm chuyện gì đó buôn bán ở ngoài lộ cái. Con Năm thì cho đi học nghề may sau đó gả chồng rồi về bên chồng mà sống. Thằng Tư với thằng Sáu ở nhà quán xuyến mười công đất. Thằng Bảy, thằng Tám, thằng Chín cho đi học tiếp hết cấp 2 thì nghỉ, vô làm ruộng tiếp hai anh của nó. Sau này 10 công đất chia cho 5 thằng con trai mỗi thằng 2 công ra riêng, kể như xong.

- Bà nghĩ lại coi, tụi nó từ nhỏ tới lớn chỉ biết đi học chớ có biết làm ruộng gì đâu? Đưa tụi nó vô đồng cũng giống như đem chó đi cày đất. Vả lại, mấy đứa con mình đứa nào cũng học giỏi, chịu khó học và được thầy cô, bạn bè yêu mến chớ có đứa nào tụ tập ăn chơi, đua đòi đâu?

- Nhưng… Út Rỡ muốn nói với chồng điều gì đó nhưng lại thôi.

- Chiều theo sự tính toán của bà, để tui thử tụi nhỏ một lần, rồi hãy tính tiếp - Ba Hề quay ra, lớn giọng gọi tám đứa con.

Nghe ba nói chuyện nghỉ học, không đứa nào phản ứng gì. Thằng Tư đứng khoanh tay trước ngực dựa vào cột nhà; con Hai, con Ba, con Năm ngồi khoanh tay trên gối ngồi ở góc bếp, nhưng chỉ được một lát như không kìm nổi cảm xúc, cả sáu đứa cùng òa lên khóc.

Đứa nào cũng vừa khóc vừa kể lể mỗi chuyện cần phải tiếp tục đi học. Chỉ có thằng Tám và thằng Chín không biết chuyện gì xảy ra chỉ biết ngồi ôm eo của má mà chịu trận.

- Tụi bây làm gì mà khóc om lên như nhà có người chết vậy? Khuya rồi để cho hàng xóm người ta ngủ - Vợ ba Hề hơi lớn giọng mắng mấy đứa.

- Thôi! Mấy đứa đi ngủ hết đi, để từ từ ba tính.

Từ đứa lớn tới đứa nhỏ lầm lũi chui vô mùng ngủ, còn ba Hề nhìn vợ không nói gì thêm, luôn tay quấn thuốc rê nhả khói phì phèo. Dưới bóng hắt của ngọn đèn dầu trong đêm tối hiện lên mờ mờ khói thuốc bay quanh quẩn như muốn chia sẻ cùng với ba Hề những lo âu trước mắt và ông biết mấy đứa nhỏ đêm nay cũng khó ngủ như ông.

Mới bốn giờ sáng mà út Rỡ đã lật đật thức sớm nấu cơm cho ba Hề ăn dằn bụng để ra lộ cái chạy xe. Mùa này thức ăn rất dễ tìm, chỉ cần chăm chỉ câu cá, giăng một tay lưới là đủ cho cả nhà ăn nguyên ngày.

Rau xanh thì chỉ cần bơi xuồng dăm ba phút là có bông súng, bông điên điển, rau muống, rau nhút… Tôm, cá loại lớn thì đặt mua những tay đánh lưới, giăng câu, đặt lờ trong xóm, giá rẻ bèo đôi khi còn lấy đổi gạo trừ tiền.

Ăn cơm xong, ba Hề ra đứng ở sàn nước nhà đợi đò sớm. Mấy đứa con lớn của ba Hề cũng vừa thức giấc phụ giúp má quét dọn nhà cửa. Thấy mặt đứa nào cũng buồn hiu, ba Hề phán một câu: Thôi! Ba cho mấy đứa đi học trở lại bình thường, không có đứa nào phải nghỉ học hết.

Đứng dưới đò ngoái nhìn lên nhà, ba Hề thấy đứa nào cũng nhảy lưng tưng. Trong lòng ba Hề trào dâng cảm xúc của niềm hãnh diện vì công lao của mình đối với vợ con và thầm mong tụi nó sau này không cực khổ giống như mình bây giờ.

*****

Ngồi ở chái nhà bếp bên mé sông nước mấp mé, gió thổi hiu hiu, nhâm nhi mồi và rượu, út Hiền luôn miệng khen vợ ba Hề nấu ăn ngon. Lời qua, tiếng lại chúc tụng, rồi nhìn thấy hoàn cảnh đông con của gia đình ba Hề và nhờ những lời nói vô của các tay nhậu, út Hiền dịu giọng, không còn khe khắt với ba Hề về chuyện nguyên tắc của ban điều hành bến xe mà cho chạy bến tài thả nhưng vẫn không quên dặn ba Hề về việc phải thực hiện nghĩa vụ đầy đủ các loại phí cho nghiệp đoàn.

Về cư ngụ ở rạch Thạnh Lợi này được bốn năm, đối với ba Hề nỗi lo lắng cực nhọc nhất là vào dịp Tết và tựu trường. Mới xúc bồ lúa bán 20 giạ lấy tiền mua quần áo, giầy dép, bút mực cho tụi nhỏ hồi tựu trường thì nay quay qua cũng đã gần Tết. Vợ ba Hề lo lấy lúa tẻ đổi nếp để chuẩn bị một ít gói bánh tét, một ít xay bột rồi bồng lại bẻ thành cục nhỏ phơi khô làm các thứ bánh khác; kêu hàng xáo hẹn ngày bán lúa lấy tiền mua vải may quần áo cho sắp nhỏ...

Ba Hề suốt ngày ở ngoài lộ cái lo chạy xe kiếm tiền, những ngày cận Tết càng miệt mài với số chuyến chạy rước khách nhiều hơn thường ngày. Cũng chừng ấy năm sống ở rạch Thạnh Lợi này, ba Hề chưa bao giờ hưởng được một cái Tết trọn vẹn.

Đất ruộng ư! Không nhằm nhò gì hết, nếu túng thiếu thì bán lấy tiền lo cho tụi nhỏ ăn học và nó đã trở thành tâm niệm của ba Hề. Để lại bao nhiêu ruộng đất đó sau này bọn chúng thuận thảo với nhau thì không nói gì, có chuyện cự cãi chia nhau không đều, rồi giành giựt, huynh đệ tương tàn, gia đình xào xáo đổ vỡ còn khổ tâm hơn. Thôi thì, ráng cố gắng cho tụi nó học hành đến nơi đến chốn, sống bằng đồng lương làm ra, lúc đó mới có giá trị.

Câu chuyện ba Hề một mình tần tảo chạy xe gắn máy kéo thùng nuôi tám đứa con ăn học và bán hết đất ruộng khi chúng vào cao đẳng, đại học đã trở thành tâm điểm thời sự của cái làng quê hẻo lánh này. Có người tỏ vẻ khâm phục, khoe khoang muốn làm như ba Hề nhưng chưa chắc gì được.

Có người bảo khùng điên mới làm thế và cho rằng tám đứa con là của trời cho, không để cho nó lao động, vợ chồng ngồi không mà hưởng phước, người ta lấy thúng đong lúa chớ có ai lấy thúng đong chữ bao giờ. Lời vô, tiếng ra ba Hề cũng mặc, hãy để thời gian trả lời.

*****

Một cái Tết nữa lại đến, cái Tết mà ông ba Hề sắp bước qua tuổi thất tuần, không còn cái thuở chạy ngược chạy xuôi lo cơm áo gạo tiền cho vợ con. Ông Ba ngồi thong dong nhâm nhi mấy lon bia, khô mực nướng với thằng Tư, thằng Tám, nhắc lại chuyện xưa khi còn ở làng Thạnh Lợi, nhắc lại những hỉ nộ ái ố của cuộc đời, rồi không quên nhắc nhở thằng Tư, thằng Tám lo chuẩn bị đồ ăn, mồi nhậu để sáng mùng 2 Tết mấy chị em tụi mầy về sum họp vui nhà, vui cửa.

Dâu, rể, con, cháu của ông ba Hề gần ba chục đứa, đứa nào cũng là công chức Nhà nước, có việc làm ổn định có mấy đứa làm trưởng đầu ngành cấp huyện. Con cháu từ lớn tới nhỏ một mực sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, trên thuận dưới hòa và đó luôn là niềm hãnh diện khi ông ba Hề đối diện với đời.

Truyện ngắn của Võ Quốc Tuấn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ong-ba-he-post641651.html