Ðồng bằng sông Cửu Long chủ động đối phó hạn, mặn nghiêm trọng
Từ tháng 6 đến tháng 10-2019, lượng mưa vùng thượng nguồn sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 35 đến 40%, dẫn đến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long hiện đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Dòng chảy sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020 rất hạn chế, có khả năng thiếu hụt khoảng 30 đến 45%. Chính vì vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối diện tình trạng xâm nhập mặn gay gắt, diễn ra sớm và sâu hơn, nhất là ở các địa phương ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang.
* Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, từ giữa tháng 12 mặn có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 35 đến 45 km tính từ cửa sông, cao hơn năm 2016 từ 3 đến 5 km. Riêng trong tháng 1 và 2 năm 2020 ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào nội đồng lên đến 55 đến 110 km, cao hơn năm 2016 từ 3 đến 7 km.
* Chiều 11-12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp bàn giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Hiện mực nước đầu nguồn sông Tiền ở mức thấp, tình trạng khô, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Tiền Giang trong mùa khô 2019 - 2020 sẽ rất cao và nghiêm trọng. Ngày 6-12-2019, độ mặn cao nhất tại cống Vàm Giồng đo được 3,0 g/l và ngành nông nghiệp tỉnh đã đóng cống ngăn mặn. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương chống hạn, mặn với tinh thần quyết liệt; xuống giống lúa đông xuân xong trước ngày 15-12-2019. Ðể giải quyết nước sinh hoạt, tỉnh vận động nhân dân mua thùng trữ nước ngọt, cấp phát thùng để người dân trữ nước phục vụ cho sinh hoạt.
* Theo Cục Trồng trọt, diện tích lúa đông xuân hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,6 triệu ha. Vụ đông xuân 2019 - 2020, để đối phó hạn hán và mặn xâm nhập, diện tích lúa dự kiến còn khoảng 1,55 triệu ha, khung thời vụ được đẩy sớm từ đầu tháng 10-2019. Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đã xuống giống sớm trong tháng 10, với diện tích khoảng 400 nghìn ha và đẩy mạnh xuống giống trong tháng 11 và 12. Một số vùng xuống giống muộn, phải kết thúc việc xuống giống từ ngày 10-1-2020.
* Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp xảy ra 30 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Thanh Bình và Lai Vung, với tổng chiều dài hơn 3.000 m, diện tích sạt lở hơn 8.000 m2, gây ảnh hưởng tới 35 hộ dân. Ðể khắc phục tình trạng sạt lở, tỉnh sẽ khoanh vùng sạt lở, quy hoạch việc khai thác vật liệu, cát, nước ngầm; đo đạc, đánh giá ổn định bờ sông rạch; quản lý nghiêm và siết chặt tình trạng lấn bờ sông, kênh rạch…
* Lữ đoàn 189 Hải quân tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 11-12 cho biết, tàu của đơn vị này vừa cứu nạn - cứu hộ thành công một tàu vận tải biển cùng 11 thủy thủ. Trước đó, hồi 3 giờ ngày 10-12, tàu vận tải biển Thái Hà 8888 qua vùng biển Khánh Hòa thì xảy ra sự cố kỹ thuật hỏng máy, tàu bị xô dạt trên biển, cách đảo Bình Ba, TP Cam Ranh khoảng sáu hải lý trong điều kiện thời tiết trên biển rất xấu, sóng gió xô đập dữ dội. Nhận được thông tin đề nghị cứu nạn - cứu hộ, đến 13 giờ cùng ngày, đã lai dắt tàu Thái Hà 8888 về khu neo đậu an toàn.
* Chiều 11-12, tại địa phận rừng Cẳm Cờ, thuộc khối Ðại Thắng, phường Chi lăng, TP Lạng Sơn (Lạng Sơn), xảy ra cháy, gây thiệt hại hơn 2 ha rừng thông và keo. Chính quyền địa phương và gần 100 cán bộ thuộc các lực lượng chức năng đã triển khai phương tiện, thiết bị tiến hành dập lửa. Sau hơn ba tiếng chữa cháy, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 11-12, không khí lạnh ở phía bắc tiếp tục tăng cường yếu xuống phía nam. Dự báo, đến ngày 13-12 thời tiết sẽ ấm dần lên, kết thúc rét đậm, rét hại. Nhưng cuối tháng 12 và bước sang đầu tháng 1-2020 sẽ có đợt không khí lạnh mạnh, với tần suất dày hơn tác động trực tiếp đến nước ta, khoảng 3 đến 5 ngày/đợt.
* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Sơn La, từ ngày 6 đến 10-12, rét đậm, rét hại và sương muối trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp đã làm thiệt hại 2.167 ha cây trồng, 131 ha rau màu; bảy con gia súc bị chết. Hiện, chính quyền địa phương tích cực giúp người dân khắc phục hậu quả và triển khai phòng, chống rét cho gia súc.
* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định phân bổ hạt giống cho các huyện, thị xã, thành phố phục vụ sản xuất. Theo đó, UBND tỉnh phân bổ 190 tấn lúa, ngô giống hỗ trợ cho 17 địa phương chịu thiệt hại do các đợt thiên tai năm 2019, gồm: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hà Trung, Yên Ðịnh, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và 15 tấn hạt rau giống các loại để hỗ trợ các xã, phường, thị trấn thuộc 27 địa phương trong tỉnh.