Ông Biden công bố đội ngũ cố vấn phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Tổng thống Mỹ được công bố đắc cử Joe Biden (trái) và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris trong cuộc làm việc trực tuyến với các chuyên gia của Ban cố vấn về công tác phòng dịch COVID-19 tại Wilmington, Delaware ngày 9/11/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 9/11, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học sẽ phụ trách cố vấn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong chính quyền do ông lãnh đạo.
Theo thông báo từ đội ngũ phụ trách chuyển giao quyền lực của ông Biden, ban cố vấn sẽ do 3 người đồng chủ tịch, gồm chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm- cựu ủy viên Cơ quan Quản lý dược phẩm liên bang (FDA) David Kessler, cựu Tổng Y sĩ Vivek Murthy và giáo sư y tế cộng đồng của đại học Yale Marcella Nunez-Smith.
Bên cạnh đó, đội cố vấn sẽ có 10 thành viên, từ các chuyên gia miễn dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, phân hủy sinh học tới những quan chức y tế cộng đồng hàng đầu của cả nước.
Đại dịch tới nay đã khiến hơn 237.000 người Mỹ tử vong và vẫn đang tiếp tục lan rộng sau khi khiến hơn 10 triệu người tại quốc gia này mắc bệnh. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới tại Mỹ liên tục ở mức hơn 100.000 ca/ngày.
Ngày 8/11, trong phát biểu tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ông Biden cũng nêu các nhiệm vụ ưu tiên trong nhiệm kỳ sắp tới, trong đó cuộc chiến chống đại dịch là một mục tiêu trọng tâm.
Thông báo mới cũng dẫn lời ông Biden nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là một trong những cuộc chiến quan trọng nhất mà chính quyền của ông sẽ phải đương đầu và cuộc chiến sẽ được thực hiện dựa trên những thông tin cố vấn của các nhà khoa học và các chuyên gia.
Ban cố vấn sẽ giúp định hình cách chính quyền mới tiếp cận và xử lý tình trạng gia tăng số ca mắc trên cả nước hiện nay cũng như việc đảm bảo một loại vaccine an toàn và hiệu quả sẽ được phân bổ hợp lý.
Ngay trong ngày 10/11, ông Biden và liên danh tranh cử là bà Kamala Harris sẽ nghe báo cáo tổng hợp về tình hình dịch bệnh tại văn phòng làm việc ở thành phố Wilmington, bang Delaware. Danh sách đội ngũ cố vấn y tế cho chính quyền mới được ông Biden công bố không lâu trước khi Pfizer và BioNTech tuyên bố vaccine phòng COVID-19 do 2 hãng này phối hợp phát triển cho hiệu quả thử nghiệm giai đoạn cuối trên người lên tới hơn 90%.
Ông Biden cũng đã hoan nghênh thông tin này mang lại " hy vọng" nhưng vẫn cảnh báo rằng cuộc chiến phía trước còn dài. Trong thông báo mới, ông Biden gửi lời chúc mừng tới đội ngũ phát triển vaccine của 2 công ty đã giúp tạo ra "đột phá" và mang lại hy vọng.
Nhưng cùng lúc đó, ông cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là để chấm dứt cuộc chiến này còn phải mất vài tháng nữa, nhấn mạnh người dân trước mắt vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang.
Cùng ngày 9/11, êkíp vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang tại bang Pennsylvania, cho rằng hệ thống bầu cử qua đường bưu điện của bang này "thiếu mọi tiêu chuẩn xác nhận về sự minh bạch và có thể xác minh, vốn có sẵn cho các cử tri bỏ phiếu trực tiếp”.
Theo hãng tin Reuters của Anh, đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump cũng kiện đích danh người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar, và hội đồng bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ Đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh.
Hành động pháp lý này là nhằm có được một lệnh khẩn cấp từ tòa án để ngăn chặn các quan chức Pennsylvania công nhận chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tại bang này.
Theo Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ, Tổng thống Trump có toàn quyền đưa ra những cáo buộc về các sai phạm trong quá trình bầu cử.
Ông McConnell nhấn mạnh nếu "Đảng Dân chủ cảm thấy tin tưởng rằng không có các sai phạm lớn, họ sẽ không có lý do gì để lo sợ bất kỳ cuộc điều tra thêm nào”.