Ông Brendan Sunderland, Phó chủ tịch, Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Bosch Việt Nam: Bosch cam kết đầu tư công nghệ cao lâu dài tại Việt Nam

Ông Brendan Sunderland

Ông Brendan Sunderland

Bosch là tập đoàn công nghệ lớn của Đức trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ công nghiệp ô tô. Sau nhiều năm đầu tư vào Việt Nam cũng như Đồng Nai, Tập đoàn Bosch luôn chú trọng đến vấn đề sản xuất an toàn, sản xuất xanh và giảm thiểu khí thải. Bosch cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai.

Ông Brendan Sunderland, Phó chủ tịch, Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) đã có những chia sẻ về quá trình hoạt động, mục tiêu, định hướng của công ty trong thời gian tới.

Đã đạt ngưỡng trung hòa carbon

* Tại Việt Nam, Tập đoàn Bosch đã đặt ra lộ trình, giải pháp tiến đến net zero như thế nào, thưa ông?

- Từ năm 2020, Tập đoàn Bosch với hơn 400 chi nhánh và công ty con trên toàn cầu đã đạt được mục tiêu trung hòa carbon (bao gồm phạm vi 1 và 2). Bosch Việt Nam không ngừng nỗ lực nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và trung hòa carbon, phù hợp với sứ mệnh bảo vệ môi trường của tập đoàn.

Một minh chứng điển hình trong cam kết bảo vệ môi trường tại Nhà máy Bosch Việt Nam là khoản đầu tư 900 ngàn euro (tương đương 1 triệu USD) để xây dựng hệ thống tái chế nước thải tại nhà máy. Kết quả cho thấy, kể từ năm 2020, có 65% tổng lượng nước tiêu thụ tại nhà máy đã được xử lý và tái sử dụng, góp phần tiết kiệm tài nguyên.

Tại buổi gặp gỡ ban lãnh đạo nhà máy Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành), Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN mong muốn doanh nghiệp ngoài sản xuất linh kiện ngành ô tô thì cũng nên quan tâm đến lĩnh vực hàng không vì Đồng Nai sẽ có 2 sân bay lớn cùng đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Trên khắp các chi nhánh và công ty con của Bosch tại Việt Nam, chúng tôi đã khởi xướng nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường khác nhau. Mới đây, việc lắp đặt thành công hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy Bosch Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 2,3 ngàn MWh năng lượng sạch hàng năm và giảm hơn 1,6 ngàn tấn khí thải CO2. Mức giảm này tương đương với khoảng 30 ngàn cây xanh được gieo trồng hàng năm.

* Bên cạnh tập trung vào sản xuất thì Bosch còn là đơn vị triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Tại Bosch, chúng tôi cam kết đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục, đặc biệt là hỗ trợ về công nghệ và đổi mới. Cam kết này gắn liền với các giá trị của Bosch nhằm đóng góp cho địa phương và cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động.

Bosch Việt Nam đã phối hợp với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam nhằm triển khai chương trình đào tạo kỹ thuật công nghiệp (TGA) theo tiêu chuẩn Đức. Được thành lập vào năm 2013, với vốn đầu tư ban đầu hơn 1 triệu euro, Bosch TGA là chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức với ngành đào tạo đầu tiên là cơ khí công nghiệp và ngành cơ điện tử được bổ sung thêm từ năm 2016. Đến năm 2020, chương trình được thiết kế hoàn toàn cho ngành cơ điện tử.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và lãnh đạo tỉnh thăm nhà máy Bosch Đồng Nai (huyện Long Thành). Ảnh: V.Thế

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và lãnh đạo tỉnh thăm nhà máy Bosch Đồng Nai (huyện Long Thành). Ảnh: V.Thế

Chương trình Bosch TGA đào tạo tiêu chuẩn bao gồm 75% thời gian học thực hành tại phân xưởng được trang bị máy móc hiện đại của Bosch, trong khi 25% thời gian còn lại dành cho việc học lý thuyết. Tính đến tháng 4-2024, đã có tổng cộng 178 học viên tốt nghiệp từ chương trình và hiện đang làm việc cho Bosch ở nhiều vị trí cao như kỹ thuật viên và kỹ sư. Theo nhận định của tôi, năng suất làm việc của lao động Việt Nam tại Bosch rất tốt và các bạn không ngừng nâng cao được năng lực của mình.

* Trong vấn đề an toàn sản xuất, doanh nghiệp xác định như thế nào?

- Đây là điều mà tập đoàn chúng tôi đặc biệt quan tâm. An toàn trong sản xuất, lao động với những quy định nghiêm ngặt đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Chúng tôi tự hào là tại nhà máy này từ khi đi vào hoạt động đến nay vấn đề an toàn lao động được đảm bảo tốt, chỉ duy nhất sự cố nhỏ nhưng cũng không gây ra ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty.

An toàn lao động góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, uy tín và 3 năm nay, chúng tôi chưa nhận được khiếu nại nào về chất lượng từ các đối tác. Đó là điều đáng mừng.

Bosch bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 1994. Công ty TNHH Bosch Việt Nam có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2 văn phòng chi nhánh ở Hà Nội và Đà Nẵng, cùng nhà máy hệ thống truyền động ở Đồng Nai sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT) trong ô tô. Nhà máy tại Đồng Nai có diện tích hơn 16 hécta và là một trong những doanh nghiệp FDI có doanh thu và nộp ngân sách cao của tỉnh.

Luôn rộng mở với doanh nghiệp trong và ngoài nước

* Bosch là một trong 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đồng Nai lớn nhất và những năm qua đã nhiều lần tăng vốn. Vậy trong tương lai, Bosch có dự định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại địa phương?

- Trong hơn 3 thập niên qua, Bosch đã đầu tư 450 triệu euro và thiết lập sự hiện diện toàn diện trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm kinh doanh và trung tâm dịch vụ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bosch đối với thị trường Việt Nam.

Nhà máy Bosch tại Việt Nam cũng là một ví dụ tiêu biểu cho sự đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Chúng tôi là nhà máy lớn nhất thế giới sản xuất dây đai truyền động liên tục (CVT pushbelts). Từ những ngày đầu khi chỉ có chưa đến 10 nhân viên vào năm 2008, Nhà máy Bosch Powertrain Solutions đã phát triển lên đến 1,8 ngàn nhân viên. Bosch đã đầu tư hơn 363 triệu euro (396 triệu USD) vào nhà máy trong suốt 15 năm qua, trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất châu Âu tại Việt Nam. Những khoản đầu tư này nhằm mở rộng công suất sản xuất và biến nhà máy thành một nhà máy thông minh được triển khai với các giải pháp công nghiệp 4.0.

Bosch cam kết sẽ tiếp tục hợp tác và đóng góp vào sự phát triển số hóa, bền vững và sản xuất tiên tiến tại địa phương, cũng như tiếp tục đổi mới và hỗ trợ những khát vọng của cộng đồng địa phương.

* Thưa ông, Bosch đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, vậy các doanh nghiệp Việt có cơ hội nào để tham gia vào chuỗi sản xuất của Bosch?

- Khi kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi không đặt ra sự khác biệt trong nhà cung cấp nước ngoài và địa phương, miễn là họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi mong muốn có thể tìm thấy các chi tiết và linh kiện chất lượng ngay tại địa phương. Để triển khai các hợp tác kinh doanh tiềm năng, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm những nhà cung cấp tốt nhất cho doanh nghiệp của mình. Do đó, chúng tôi cũng chủ động tham gia các diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị thượng đỉnh, triển lãm... để tận dụng cơ hội tạo dựng mạng lưới mạnh mẽ, cả từ phía nhà cung cấp và khách hàng.

* Xin cảm ơn ông!

Khánh Minh - Vương Thế (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/ong-brendan-sunderland-pho-chu-tich-giam-doc-ky-thuat-nha-may-bosch-viet-nam-bosch-cam-ket-dau-tu-cong-nghe-cao-lau-dai-tai-viet-nam-06a3da4/