Ông Guterres: Chống COVID-19 vì mục tiêu tồn tại của LHQ

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã chỉ ra tám vấn đề lớn đối với việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay.

Ngày 9-4, 15 thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã họp kín để bàn về cách ứng phó trước đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, báo China Daily đưa tin.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phát biểu trong cuộc họp rằng "một tín hiệu thống nhất và quyết tâm từ HĐBA sẽ có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm đáng ngại này".

"Sự tham gia của HĐBA sẽ mang tính quyết định đối với việc giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19 đối với hòa bình và an ninh thế giới. Để chiến thắng trước đại dịch ngày hôm nay, chúng ta cần phải làm việc cùng nhau" - ông Guterres nói.

Ông Guterres kêu gọi sự đoàn kết trong HĐBA vì "đây là cuộc chiến của một thế hệ và là mục tiêu tồn tại của bản thân LHQ".

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonia Guterres. Ảnh: YAHOO

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonia Guterres. Ảnh: YAHOO

Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị do Đức và tám quốc gia thành viên không thường trực khác trong HĐBA đưa ra từ tuần trước trong bối cảnh cơ quan này chưa có hành động chung nào trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch, theo đài CNA.

Bên cạnh ưu tiên trước mắt là đẩy lùi đại dịch COVID-19, ông Guterres cũng lo ngại về các tác động kinh tế-xã hội kéo theo. Ông cho biết chính phủ các nước đang "vật lộn để tìm ra cách phản ứng hiệu quả nhất trước tình trạng thất nghiệp đang gia tăng và sự suy thoái kinh tế".

Ngoài ra, "đại dịch cũng gây ra mối đe dọa đáng kể đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, có khả năng dẫn đến việc gia tăng sự bất ổn và bạo lực" - ông Guterres nói tiếp.

Tám vấn đề lớn giữa đại dịch COVID-19

Sau cuộc họp, ông Guterres đã có cuộc họp báo trực tuyến. Ông chỉ ra tám mối quan tâm của LHQ về vấn đề "duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, theo China Daily.

Thứ nhất, đại dịch đe dọa làm xói mòn lòng tin vào các thể chế công nếu người dân không còn tin tưởng vào chính phủ do cách phản ứng sai lầm hoặc thiếu minh bạch trong cuộc chiến chống COVID-19.

Thứ hai, sự suy thoái kinh tế do đại dịch có thể gây ra những căng thẳng lớn hơn, nhất là ở các nước có nền chính trị-xã hội không ổn định và các nước kém phát triển. Đặc biệt, phụ nữ và những gia đình có phụ nữ là lao động chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do tác động này.

Thứ ba, cả quyết định bầu cử hay hoãn bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh đều có thể gây ra căng thẳng chính trị và làm giảm tính chính danh của cuộc bầu cử. Ông Guterres kêu gọi các lực lượng chính trị ở từng nước tham vấn và đồng thuận trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Syria là một trong những quốc gia còn nhiều bất ổn, là nơi dễ bị tổn thương trong đại dịch COVID-19. Ảnh: BÁC SĨ KHÔNG BIÊN GIỚI

Syria là một trong những quốc gia còn nhiều bất ổn, là nơi dễ bị tổn thương trong đại dịch COVID-19. Ảnh: BÁC SĨ KHÔNG BIÊN GIỚI

Thứ tư, trong quá trình đối thoại để giải quyết xung đột, sự không chắc chắn do đại dịch gây ra có thể thúc đẩy các bên trong xung đột trở nên chia rẽ hơn, có thể dẫn tới tình trạng bạo lực leo thang và tiềm ẩn nguy cơ của các tính toán sai lầm. Tất cả sẽ khiến việc chống dịch và việc dàn xếp xung đột thêm khó khăn hơn.

Thứ năm, mối đe dọa từ khủng bố vẫn còn hiện hữu. Đại dịch có thể bị các nhóm khủng bố lợi dụng khi hầu hết nguồn lực của các quốc gia đang tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thứ sáu, các tổ chức phi nhà nước có thể nhận thấy sự yếu và thiếu của công tác chuẩn bị ở các quốc gia trước nguy cơ tấn công sinh học và từ đó có thể gây ra các thảm kịch cho toàn cầu.

Thứ bảy, cuộc khủng hoảng lần này đã cản trở các nỗ lực giải quyết xung đột ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Nhiều cuộc đàm phán bị đình trệ vì COVID-19. Lệnh hạn chế đi lại có thể tác động đến các cơ chế giải quyết xung đột đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau, cũng như cản trở các biện pháp ngoại giao khác.

Cuối cùng, đại dịch làm trầm trọng thêm các vấn đề về quyền con người như phân biệt chủng tộc, lăng mạ và sỉ nhục người khác. Ông cũng cảnh báo về tình trạng phân biệt đối xử trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và tiếp cận thông tin đang diễn ra ở nhiều nơi.

Tính đến 2 giờ chiều 10-4, toàn thế giới có hơn 1.605.700 ca nhiễm COVID-19 với 95.766 người tử vong và gần 357.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ong-guterres-chong-covid19-vi-muc-tieu-ton-tai-cua-lhq-904563.html