Ông Kim Jong-un muốn thực hiện nền kinh tế tự lập

Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương đảng khóa 7 với mục đích thảo luận hàng loạt vấn đề chính sách quan trọng trong tình hình căng thẳng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại phiên họp toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa 7 - Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại phiên họp toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa 7 - Ảnh: KCNA

Đây là phiên họp toàn thể quy mô lớn nhất (hàng trăm người tham dự) của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa 7 kể từ năm 2013 đến nay, cũng là phiên họp toàn thể đầu tiên kéo dài hơn môt ngày kể từ lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền.

KCNAcho biết ông Kim tại phiên họp đã đề nghị đội ngũ đối ngoại, ngành công nghiệp quốc phòng cùng lực lượng vũ trang phải hành động, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của “các biện pháp tích cực và mang tính công kích” nhằm giữ vững an ninh lẫn chủ quyền đất nước. Hãng thông tấn không nêu nội dung chi tiết.

Theo Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (tại Hàn Quốc), “các biện pháp tích cực và mang tính công kích” nêu trên nhiều khả năng chính là hành động khiêu khích nhằm vào Mỹ lẫn Hàn Quốc.

Ông Kim vào tháng 4 tuyên bố chỉ chờ đợi chính quyền Washington thay đổi lập trường đến cuối năm nay nếu không sẽ chọn hướng đi mới. Giới chức quân đội Mỹ cũng như giới chuyên gia đều cảnh báo quốc gia Đông Bắc Á này có thể rút lại quyết định "không thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo" được đưa ra năm 2018.

Khi hạn chót ngày một gần, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhấn mạnh nước này với tư cách cường quốc quân sự - kinh tế hàng đầu sẽ triển khai hành động nếu Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân tầm xa. Tuy vậy vị quan chức Nhà Trắng hy vọng ông Kim thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa.

Nền kinh tế tự lập

Ngoài an ninh, ông Kim còn thảo luận vấn đề quản lý nhà nước và vấn đề liên quan đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự lập. Nhà lãnh đạo liệt kê những việc phải làm ngay để khắc phục tình trạng nghiêm trọng của một số ngành giữ vai trò chính yếu.

Kinh tế Triều Tiên chịu thiệt hại nặng nề vì nhiều nghị quyết trừng phạt do Liên Hợp Quốc ban hành. Nới lỏng trừng phạt chính là điểm nghẽn khiến đàm phán Mỹ - Triều rơi vào bế tắc.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chuẩn bị nhóm họp vào ngày 30.12 bàn về đề xuất nới lỏng sự trừng phạt của Nga và Trung Quốc với triều Tiên như một biện pháp duy trì động lực đối thoại.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ong-kim-jong-un-muon-thuc-hien-nen-kinh-te-tu-lap-128619.html