Ông nói gà bà nói vịt

Buổi sáng đầu tiên đi làm, sau khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc nhà hát khuyến nhạc, tôi gọi Nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng đến và hỏi:

- Tối hôm nay đồng chí định làm vui lòng khán giả âm nhạc tỉnh ta bằng tiết mục gì đây?

- Chúng tôi sẽ trình diễn bản giao hưởng "Giã từ" của Haydn - anh ta vui vẻ trả lời.

- Ông ta là ai vậy? - Tôi hỏi - Là nhạc sĩ cổ điển hay là nhạc sĩ địa phương chúng ta?

Minh họa của Lê Tâm

Minh họa của Lê Tâm

Nhạc trưởng nói:

- Haydn là nhạc sĩ Áo nổi tiếng của thế kỷ XVIII.

Tôi gật đầu đồng ý và dặn thêm:

-Nhạc cổ điển thì được rồi. Nhưng đồng chí cũng cần khuyến khích phát huy các tài năng của địa phương chúng ta.

- Chúng tôi rất muốn như vậy, nhưng đáng tiếc là ở địa phương chúng ta không có ai viết nhạc giao hưởng cả.

- Tôi tin là có - Tôi nói - Đồng chí cần đi đến các huyện, xã mà tìm kiếm tài năng trong nhân dân. Biết đâu ở một thôn nào đó có những nhạc sĩ xuất chúng, sáng tác nhạc giao hưởng vào thời gian rỗi rãi sau khi đi làm đồng về. Nhưng thôi, chuyện đó hãy để sau. Bây giờ xin đồng chí kể tóm tắt cho tôi nghe nội dung bản nhạc giao hưởng sẽ trình diễn tối nay.

Nhạc trưởng ngập ngừng một lát rồi nói quả quyết:

- Âm nhạc không thể diễn giải được bằng lời nói. Tôi chỉ có thể báo cáo với đồng chí rằng đây là một bản nhạc trữ tình và bi tráng.

- Ồ! Tức là nhạc buồn chứ gì? Bi tráng là cái gì nhỉ? Sao đồng chí không dùng thứ ngôn ngữ thông thường mà diễn tả cụ thể hơn một chút. Nhưng theo tôi, âm nhạc phải kêu gọi mọi người hăng hái lao động và đấu tranh, chứ không được gieo rắc nỗi buồn.

- Chúng tôi chọn tác phẩm này bởi vì đó là một tác phẩm rất hay và độc đáo - Nhạc trưởng giải thích.

- Đồng chí hãy nói xem bản giao hưởng đó độc đáo ở chỗ nào?

- Ví dụ, các nhạc sĩ trình diễn bản nhạc dưới ánh sáng của những ngọn nến.

- Nến à? Cũng được đấy! - Tôi tỏ vẻ đồng ý - Một mặt, điều đó phù hợp với chính sách tiết kiệm điện hiện nay. Nhưng mặt khác, rất nguy hiểm vì phải đề phòng hỏa hoạn.

- Theo truyền thống, bản nhạc này phải được trình diễn như vậy. Trước mỗi nhạc công đều thắp một ngọn nến, khi trình bày xong phần của mình, anh ta phải thổi tắt ngọn nến đó và đi vào, còn những người khác vẫn tiếp tục trình diễn. Cuối cùng, sẽ đến lúc chỉ còn lại trên sân khấu một nhạc công duy nhất. Khi anh ta thổi tắt ngọn nến cuối cùng cũng là lúc kết thúc bản nhạc "Giã từ" của Haydn.

Tôi hốt hoảng lắc đầu lia lịa:

- Thế thì con ra thể thống gì nữa! Anh thử tưởng tượng xem, mọi người cùng đến làm việc một lúc, nhưng mỗi người lại kết thúc công việc vào một thời điểm khác nhau là thế nào? Và mỗi người đều muốn làm nhanh lên để được về sớm, mặc người khác đổ mồ hôi tiếp tục công việc chung, như vậy còn gì là kỷ luật lao động nữa? Không! Với tôi như vậy dứt khoát là không được! Tôi đã bị một bài học đau đớn như vậy khi làm Giám đốc trại chăn nuôi. Cuối cùng, trại của tôi chỉ còn độc một con bò và một nhân viên chăn nuôi. Vì thế tôi đã bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác về đây phụ trách nhà hát này. Thôi, tôi đề nghị tất cả các nhạc công phải làm việc từ lúc chuông vào tới lúc chuông kết thúc!

- Trời ơi, thế thì buồn quá! - Đồng chí Nhạc trưởng thở dài.

- Có gì mà buồn - Tôi phản đối - Buồn vì bản giao hưởng của đồng chí gọi là giao hưởng "Giã từ". Mà tại sao lại không gọi là giao hưởng "Gặp gỡ"? Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là gặp gỡ, chúng ta nên đổi tên như vậy cho phù hợp với đường lối chung.

- Không thể gọi bản nhạc của Haydn là "Gặp gỡ" được! - Nhạc trưởng phản đối một cách kiên quyết - Theo ý đồ của tác giả, các nhạc công khi trình diễn phải lần lượt rời sân khấu như thể từ biệt khán giả. Hơn nữa, khi nhạc công đã trình diễn xong phần của mình, bắt anh ta khoanh tay ngồi trên sân khấu làm gì? Đó chính là lãng phí thời gian. Tôi kiên quyết phản đối sử dụng lao động kiểu đó.

- Theo tôi, bây giờ chúng ta làm thế này - Tôi nói - Chúng ta sẽ trình diễn bản giao hưởng theo nguyên tắc "làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít". Trước tiên, một nhạc công lên sân khấu, thắp nến và bắt đầu chơi đàn. Sau đó, từng người một tiếp tục lên, người lương cao lên trước, người lương thấp lên sau. Cuối cùng, khi tất cả dàn nhạc đã tập hợp đầy đủ, thì chúng ta sẽ chơi đoạn nào tươi vui nhất để kết thúc. Thôi, cứ thế mà làm nhé, đồng chí nhạc trưởng thân mến!

Trần Đình (dịch)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/ong-noi-ga-ba-noi-vit-i683016/