Ông Pence phản hồi Chủ tịch Hạ viện về đề xuất phế truất ông Trump bằng Tu chính án thứ 25
Phó tổng thống Mike Pence cho biết trong bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 12.1 rằng ông phản đối việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Donald Trump.
“Tôi không tin rằng một hành động như vậy là vì lợi ích tốt nhất của quốc gia chúng ta hoặc phù hợp với Hiến pháp của chúng ta”, ông Pence nói.
Như vậy, dù bị Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và phe Dân chủ gây áp lực nhưng Phó tổng thống Pence từ chối dùng Tu chính án thứ 25 phế truất ông Trump.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã gặp nhau tại Nhà Trắng vào tối 11.1 và có "cuộc trò chuyện tốt đẹp".
Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết thông tin này trong bối cảnh có báo cáo về mối quan hệ căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo sau khi những người ủng hộ Trump tấn công Điện Capitol hôm 6.1 khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát Capitol.
"Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence đã có cuộc thảo luận tốt đẹp, cam kết tiếp tục công việc đại diện cho đất nước trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ", quan chức giấu tên nói.
Đến trước buổi gặp mặt tối 11.1, ông Trump và ông Pence chưa nói chuyện kể từ vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Thậm chí rộ tin cả hai người có thể không nói chuyện với nhau nữa.
Trước đó, Tổng thống Trump đã đặt Phó tổng thống Pence vào một vị trí bất khả thi, yêu cầu ông lật ngược kết quả bầu cử trong phiên họp chung hôm 6.1 của Quốc hội. Khi ông Pence giải thích rằng không thể làm điều đó và gửi một lá thư cho các thành viên Quốc hội rằng ông sẽ tuân theo Hiến pháp, ông Trump đã sử dụng cuộc tập hợp của mình hôm 6.1 để kích động đám đông, yêu cầu họ tuần hành đến Đồi Capitol và nói về Phó tổng thống: "Mike Pence, tôi hy vọng ông sẽ đứng lên vì lợi ích của Hiến pháp và vì lợi ích của đất nước chúng ta. Nếu ông không làm vậy, tôi sẽ rất thất vọng về ông".
Các phụ tá của Phó tổng thống đã tỏ ra phẫn nộ khi ông Trump không quan tâm đến ông Pence vào 6.1 khi ông và gia đình chạy trốn khỏi đám đông đang xông vào Điện Capitol.
Phó tổng thống Mike Pence hôm 6.1 đưa phu nhân Karen Pence cùng con gái Charlotte tới tòa nhà Quốc hội để chứng kiến ông chủ trì cuộc họp lưỡng viện chứng nhận phiếu đại cử tri. Tham gia cuộc họp xác nhận ông Biden thắng cử còn có nghị sĩ Greg Pence, anh trai của Phó tổng thổng.
Trong khi ông Pence phản đối phế truất Tổng thống, ba đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố ủng hộ việc luận tội ông Trump. Người mới nhất là Nghị sĩ Liz Cheney, lãnh đạo cao cấp thứ ba của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Con gái của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney (Đảng Cộng hòa) - bà Liz Cheney nói: “Chưa bao giờ có sự phản bội lớn hơn của một Tổng thống Mỹ với văn phòng của ông ấy và lời thề của ông ấy với Hiến pháp”.
“Trump đã triệu tập đám đông này, tập hợp đám đông và châm ngòi cho cuộc tấn công này. Tôi sẽ bỏ phiếu để luận tội tổng thống”, bà Liz Cheney tuyên bố thêm.
Hai thành viên khác của Đảng Cộng hòa, John Katko và Adam Kinzinger, cho biết cũng bỏ phiếu cho cuộc luận tội lần thứ hai với ông Trump, người sẽ rời nhiệm sở sau 8 ngày nữa.
Hạ viện từng luận tội ông Trump vào tháng 12.2019 vì ông đã gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine điều tra Biden, nhưng Thượng viện đã tuyên bố trắng án cho tổng thống vào tháng 2.2020. Chỉ có hai tổng thống khác bị luận tội và không ai từng bị luận tội hai lần.
Thông báo từ Liz Cheney, John Katko và Adam Kinzinger được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện hôm 12.1 thúc giục các thành viên của họ bỏ phiếu chống lại việc luận tội Trump, nói rằng đó là vấn đề lương tâm cá nhân sau khi những người ủng hộ ông gây bạo loạn Điện Capitol khiến 5 người chết, trong đó có 1 cảnh sát.
Hạ viện có kế hoạch bỏ phiếu ngay sau ngày 13.1 về một bài cáo buộc ông Trump kích động nổi dậy trừ khi ông từ chức hoặc Phó Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 phế truất ông.
Hạ viện đã được thiết lập để bỏ phiếu vào 12.1 về một nghị quyết không ràng buộc riêng biệt sẽ kêu gọi ông Pence sử dụng Tu chính án thứ 25 loại bỏ ông Trump, một thủ tục chưa từng được thử trong lịch sử Mỹ.
New York Times đưa tin rằng lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mỹ, Mitch McConnell được cho hài lòng về sự thúc đẩy luận tội của đảng Dân chủ. Mitch McConnell tin rằng nỗ lực luận tội sẽ giúp việc loại bỏ ông Trump khỏi Đảng Cộng hòa dễ dàng hơn, New York Times cho biết.
Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng hôm qua kể từ vụ bạo loạn ngày 6.1, ông Trump biện minh: "Nếu bạn đọc bài phát biểu của tôi... những gì tôi nói là hoàn toàn phù hợp. Họ đã phân tích bài phát biểu và lời nói của tôi cùng đoạn cuối cùng của tôi. Câu nói cuối cùng của tôi và mọi người... nghĩ rằng nó hoàn toàn phù hợp. Tôi không muốn bạo lực” khi được hỏi về trách nhiệm cá nhân nào.
Trong phát biểu đầu tiên của mình với các phóng viên kể từ ngày 8.12.2020, Tổng thống Trump đã không trả lời câu hỏi về việc liệu ông có từ chức hay không. Song, ông Trump chỉ trích các động thái luận tội ông của các nhà lập pháp đảng Dân chủ.
“Việc luận tội này đang gây ra sự tức giận tột độ và họ đang làm điều đó. Đó thực sự là một điều khủng khiếp mà họ đang làm”, ông Trump nói.
Ông Trump nói thêm rằng động thái luận tội mình với tội danh kích động nổi dậy trong cuộc tấn công Điện Capitol là một phần tiếp theo của "cuộc săn phù thủy" chống lại ông.
Trong cuộc tranh luận trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về nghị quyết Tu chính án thứ 25, các đảng viên Dân chủ đã thúc đẩy các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa bác bỏ cáo buộc sai lầm từ ông Trump rằng chiến thắng bầu cử của Joe Biden là không hợp pháp - tuyên bố đã khiến những người ủng hộ ông Trump phẫn nộ và gây bạo loạn ở Washington.
Đảng Cộng hòa từ chối thừa nhận quan điểm và nói rằng nỗ lực không thành công của họ vào tuần trước nhằm thách thức kết quả cuộc bầu cử là chính đáng.
Tu chính án thứ 25 là gì?
Tu chính án thứ 25 được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1965 và chính thức được phê chuẩn vào 1967. Đây là cơ chế hợp pháp nhằm phế truất người đứng đầu chính phủ trong trường hợp tổng thống không đủ năng lực lãnh đạo đất nước hoặc qua đời khi tại chức.
Tu chính án này cũng đã chính thức hóa quy trình cho phép phó tổng thống tiếp quản vai trò của tổng thống khi đương kim chủ nhân Nhà Trắng qua đời hoặc từ chức.
Vấn đề về người kế nhiệm đã được đề cập sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963. Khi người phó của Tổng thống Kennedy là Lyndon B. Johnson tiếp quản vai trò lãnh đạo nước Mỹ, một lần nữa nước này tạm thời trống ghế phó tổng thống.
Trước đó, ông Johnson đã trải qua cơn đau tim và hai nhân vật kế nhiệm tiếp theo khi ấy lần lượt là Chủ tịch Hạ viện (71 tuổi) và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền (86 tuổi).
Tu chính án thứ 25 đã được sử dụng hay chưa?
Nhờ vào hai điều khoản đầu tiên của Tu chính án số 25, ông Gerald Ford trở thành phó tổng thống của Richard Nixon, sau đó đảm nhiệm vai trò tổng thống sau khi ông Nixon từ chức.
Điều khoản thứ ba, vốn cho phép tổng thống tạm thời nhượng quyền cho phó tổng thống, đã được sử dụng sau khi Tổng thống Ronald Reagan phải phẫu thuật vào năm 1985, sau đó tương tự là Tổng thống George W. Bush lần lượt vào năm 2002 và 2007.
Trong khi đó, điều khoản thứ tư, tức quy trình phế truất tổng thống vì lý do “không còn đủ năng lực lãnh đạo nước Mỹ”, chưa từng được sử dụng trước đây.