Ông Phạm Văn Nghị, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Amaccao: Chúng tôi muốn làm dự án mà ít nhà đầu tư 'để ý'
Trong lần làm việc với tỉnh Đồng Nai mới đây, ngoài đề xuất dự án cải tạo 4 mỏ đá thành khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Tập đoàn Amaccao còn đề xuất 3 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án đốt rác phát điện và tham gia một số dự án hạ tầng khu công nghiệp, đô thị của tỉnh.
Ông PHẠM VĂN NGHỊ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Amaccao chia sẻ lý do, ý tưởng, giải pháp thực hiện các dự án.
* Là nhà đầu tư mới đến Đồng Nai nhưng Tập đoàn Amaccao đề xuất rất nhiều dự án. Ông có thể chia sẻ lý do và lĩnh vực quan tâm của doanh nghiệp?
- Amaccao là tập đoàn đa ngành, đa nghề. Chúng tôi quan tâm đến Đồng Nai và quá trình tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, tỉnh đang thu hút đầu tư nhiều lĩnh vực phù hợp với các thế mạnh của tập đoàn. Chẳng hạn: xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện; nhà ở xã hội; cải tạo các mỏ đá... Đây đều là những dự án có tính chất khó, yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn mà ít nhà đầu tư để ý đến hoặc khó làm.
Chúng tôi đề xuất làm 3 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án điện rác, 1 dự án cải tạo mỏ đá và tham gia đấu thầu các dự án công nghiệp. Sở dĩ, chúng tôi đề xuất nhiều dự án vì tập đoàn có các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, có nguồn lực tài chính, kinh nghiệm làm tổng thầu và thi công nhiều dự án hạ tầng. Chúng tôi đầu tư sâu, nhiều dự án vào một địa phương để trở thành nhà đầu tư lớn, xây dựng thương hiệu, uy tín của tập đoàn với tỉnh và người dân.
* Trước Amaccao, đã có nhà đầu tư đề xuất dự án cải tạo mỏ đá làm khu du lịch nhưng không đơn vị nào thực hiện được. Amaccao có gì khác, thưa ông?
- Chúng tôi đề xuất dự án này một cách nghiêm túc và quyết tâm thực hiện đến cùng, không chỉ như ý tưởng đề xuất mà còn đẹp hơn, tốt hơn. Tư duy của chúng tôi là “trồng dưa hấu trên đống sỏi”, nghĩa là biến những cái khó nhất tạo ra giá trị. Mặc dù là dự án mới với tập đoàn nhưng chúng tôi tin với các thế mạnh kể trên và giải pháp kỹ thuật, công nghệ dự án sẽ khả thi.
Khảo sát địa hình chúng tôi nhận thấy, với nhà đầu tư khác, nếu tận dụng mặt hồ làm trò chơi mạo hiểm phải chờ mưa làm đầy nước mặt hồ thời gian có thể 20 năm hoặc lâu hơn, hoặc giải pháp bơm nước vào hồ với chi phí 100-200 tỷ đồng/hồ, đắt hơn cả chi phí giải phóng mặt bằng. Điểm khác của Amaccao là có công nghệ xử lý sạch nước trong hồ, có nhà máy sản xuất kết cấu bê tông, kết cấu thép tạo ra sản phẩm đặc thù để cải thiện kết cấu địa hình, không bị phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài.
* Hiện nay, rất ít địa phương có dự án điện rác đi vào hoạt động vì liên quan đến: quy hoạch điện, công nghệ xử lý. Tập đoàn có tự tin làm dự án này tại tỉnh?
- Chúng tôi đang thi công dự án điện rác tại TP.Hà Nội, đang làm thủ tục đầu tư 2 dự án tại miền Trung. Nói điều này để thấy chúng tôi có kinh nghiệm về làm dự án điện rác.
Tại Đồng Nai, chúng tôi đề xuất 2 dự án: tại H.Vĩnh Cửu dự kiến quy mô công suất 1,5 ngàn tấn rác/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 ngàn tỷ đồng và tại H.Định Quán quy mô công suất 1,3 ngàn tấn/ngày với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng. Chúng tôi có nhân lực, vật lực để thi công nhanh, có sẵn hợp đồng xử lý rác, đối với tro xỉ và tro bay sau xử lý chúng tôi tận thu làm nguyên liệu sản xuất bê tông. Chúng tôi đảm bảo tiến độ xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong 18 tháng kể từ khi được cấp phép xây dựng.
Lợi ích dự án mang lại cho tỉnh đó là không phải lo chỗ xử lý rác, công nghệ xử lý đảm bảo môi trường, tỉnh không tốn ngân sách đầu tư mà có thêm nguồn thu.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lộc (thực hiện)