Ông Phùng Anh Lê tạo chứng cứ giả sau khi thả người trái pháp luật

VKSND xác định sau khi Công an Hà Nội phát hiện vụ việc, vợ ông Phùng Anh Lê đã đọc cho nhân chứng viết thư xin lỗi, trong đó thể hiện cựu trưởng công an quận không phạm tội.

Trong cáo trạng truy tố ông Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) và 3 thuộc cấp liên quan vụ thả nghi phạm vụ cướp tài sản mà không xử lý hình sự, VKSND Tối cao cũng đề cập hành vi, trách nhiệm của nhiều cán bộ công an quận Tây Hồ và vợ ông Lê cùng một số cá nhân khác.

Vợ ông Lê hướng dẫn nhân chứng viết thư xin lỗi?

Theo cáo buộc, ngày 19/9/2016, Nguyễn Công Thành (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, trình báo việc bị Tài và nhóm người cho vay nặng lãi đánh đập, bắt giữ để đòi nợ. Công an quận Tây Hồ sau đó giao Đội cảnh sát hình sự và Công an phường Yên Phụ phối hợp xác minh.

Ngày 22/9/2016, Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về việc cùng đồng phạm đánh đập, bắt giữ để đòi nợ và chiếm đoạt điện thoại di động của anh Thành. Xác định Tài có dấu hiệu phạm nhiều tội, rõ nhất là tội Bắt giữ người trái pháp luật, Công an quận Tây Hồ đã tạm giữ Tài trong thời hạn 3 ngày.

Lo sợ việc này ảnh hưởng đến đám cưới, gia đình Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của ông Phùng Anh Lê) đứng ra dàn xếp hòa giải, bồi thường. Ngay trong đêm hôm đó, sau khi nhận 110 triệu đồng từ ông Bảy, ông Lê đã chỉ đạo cấp dưới cho Nguyễn Hữu Tài (nghi phạm trong cướp tài sản ngày 19/9/2016) về. Tuy nhiên, VKSND Tối cáo xác định số tiền 110 triệu đồng không được ông Lê sử dụng để hòa giải, bồi thường cho bị hại.

Đầu năm 2021, Công an Hà Nội phát hiện hành vi của Nguyễn Hữu Tài chưa bị xử lý nên vào cuộc điều tra. Sau khi củng cố hồ sơ, nhà chức trách khởi tố Tài và 4 đồng phạm về tội Cướp tài sản. Cuối tháng 4/2021, Tài bị TAND thành phố tuyên 2 năm tù. Các bị cáo còn lại lĩnh nhiều mức án khác nhau.

 Ông Lê vướng lao lý khi được điều động giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội.

Ông Lê vướng lao lý khi được điều động giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội.

Quá trình xác minh vụ việc, Phó trưởng Công an Tây Hồ Phạm Quý Hải và 2 thuộc cấp cùng khai tối 22/9/2016, ông Hải ký quyết định tạm giữ rồi bàn giao Nguyễn Hữu Tài cho nhà tạm giữ. Nhưng ngay sau đó, cựu Trưởng công an quận Phùng Anh Lê đã chỉ đạo cựu Đội phó hình sự Vũ Công Ngọc đưa Tài ra ngoài để thả về.

Khi cơ quan điều tra cho đối chất, các bị can gồm cựu Đội trưởng hình sự Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và cựu Đội phó Đội thi hành án Lê Đình Trung đều khai ông Lê đã chỉ đạo thả Nguyễn Hữu Tài trái quy định. Còn ông Phùng Văn Bảy (chú họ của ông Lê) cũng thừa nhận đã đưa 110 triệu đồng cho ông Lê trước khi Tài được cho về nhà.

Sau khi vụ thả người bị Công an Hà Nội phát hiện, khoảng tháng 3/2021, cựu đại tá Phùng Anh Lê cùng vợ là bà Thương đến nhà ông Bảy ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Theo VKS, tại đây, bà Thương đã đã đọc cho ông Bảy viết thư xin lỗi gửi cho ông Lê đề ngày 6/3/2021.

Quá trình điều tra, ông Bảy khai viết thư vì lúc đó suy nghĩ hoảng loạn, lo sợ các nội dung đã khai báo tại Công an Hà Nội ảnh hưởng đến gia đình, họ hàng. Ông Bảy cũng trình bày việc viết thư xin lỗi ông Lê, nói rằng bị Công an Hà Nội ép cung, mớm cung là theo sự tác động, hướng dẫn của bà Thương.

"Vợ chồng ông Lê chủ động gặp ông Bảy để nói chuyện rồi ghi âm lại và yêu cầu ông Bảy viết thư xin lỗi Lê. Còn bản chất sự việc, ông Bảy khẳng định đã nhờ Lê giúp Nguyễn Hữu Tài và đưa cho Lê 110 triệu đồng", cáo trạng nêu.

VKS thấy nội dung lá thư ông Bảy viết và các đoạn ghi âm khi vợ chồng Phùng Anh Lê trao đổi với ông Bảy không khách quan, không phù hợp các chứng cứ đã có trong hồ sơ nên không xem xét. Trong cáo trạng, VKSND nhận định ngoài đổ tội cho cấp dưới, bị can Phùng Anh Lê còn chủ động tạo các chứng cứ không đúng sự thật khách quan nhằm làm mờ vai trò, chứng minh không phạm tội.

Nhiều lãnh đạo Công an Tây Hồ thiếu trách nhiệm

Ngoài những nội dung trên, VKSND Tối cao xác định trong vụ án, 2 Phó trưởng Công an quận Tây Hồ là Phạm Quý Hải, Lê Sinh Hùng đều có hành vi thiếu trách nhiệm.

Theo VKSND Tối cao, ông Hải là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT quận nên ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài. Ông Hải không biết Phùng Anh Lê chỉ đạo đội hình sự tha Tài trái pháp luật nên không có cơ sở xem xét xử lý hình sự ông Hải. Tuy nhiên, sau khi Tài được thả, ông Hải biết việc làm của cựu đại tá Lê không đúng quy định nhưng không báo cáo cấp trên.

 Công an Tây Hồ vẫn chưa cung cấp hồ sơ vụ thả người trái quy định liên quan ông Lê. Ảnh: H.L.

Công an Tây Hồ vẫn chưa cung cấp hồ sơ vụ thả người trái quy định liên quan ông Lê. Ảnh: H.L.

Còn Phó trưởng Công an quận Lê Sinh Hùng (Trưởng nhà tạm giữ, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự) và ông Nguyễn Quang Huy (Đội trưởng thi hành án quận) biết Nguyễn Hữu Tài được cho ra khỏi nhà tạm giữ nhưng không báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết là chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ.

Ngoài ra, 2 cán bộ Công an quận Tây Hồ gồm Phan Tất Hùng (điều tra viên được phân công xác minh vụ việc) và Nguyễn Văn Thuận (cán bộ quản giáo đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ) cũng có tên trong cáo trạng. Tuy nhiên, VKSND Tối cao xác định họ thực hiện chỉ đạo của cấp trên nên không cần thiết phải xử lý hình sự.

Vi phạm của ông Phạm Quý Hải, Lê Sinh Hùng và Nguyễn Quang Huy là thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ dấu hiệu để xử lý hình sự. VKSND Tối cao đã kiến nghị Công an Hà Nội xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Hải, ông Hùng và nhóm cán bộ công an quận nêu trên.

Đối với Trưởng công an quận Tây Hồ Mai Trọng Thắng, cáo trạng nêu ngày 1/1/2021, ông Thắng căn cứ chỉ đạo của Công an Hà Nội nên đã yêu cầu các ông Phạm Quý Hải, Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng hình sự), Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó hình sự), Phan Tất Hùng, Dương Hồng Kết (Trưởng Công an phường Yên Phụ) rà soát thông tin về vụ thả Nguyễn Hữu Tài. Theo lời khai của Phan Tất Hùng và bị can Vũ Công Ngọc, hồ sơ vụ việc trong đó có báo cáo bắt giữ, đơn đầu thú của Tài, lời khai của nạn nhân... được mang đến phòng làm việc của ông Thắng để mọi người cùng xem. Sau đó, hồ sơ được để lại tại bàn làm việc của ông Mai Trọng Thắng.

Tuy nhiên, ông Thắng và các ông Phạm Quý Hải, Dương Hồng Kết, Nguyễn Đức Châu khai không biết hồ sơ đã mang đến, không đọc tài liệu này. Hiện nay, Công an quận Tây Hồ chưa cung cấp được hồ sơ nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan. Việc này sẽ xem xét khi có hồ sơ trên.

Trong vụ án, VKSND Tối cao truy tố ông Phùng Anh Lê về tội Nhận hối lộ với vai trò chính, là chủ mưu, có động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi phạm tội. Các bị can Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung bị truy tố tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.

Còn ông Phùng Văn Bảy và người nhà của Nguyễn Hữu Tài đưa tiền cho ông Lê đã có dấu hiệu đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên, họ nhận thức đây là tiền để hòa giải với bị hại. Khi vụ việc bị phát hiện, các cá nhân này chủ động khai báo nên không bị xem xét xử lý.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-phung-anh-le-tao-chung-cu-gia-sau-khi-tha-nguoi-trai-phap-luat-post1315217.html