Ông Trump phát ngôn bất ngờ về chuyện nước Mỹ vỡ nợ
Theo ông Donald Trump, nước Mỹ sẽ vỡ nợ nếu chính phủ không đồng ý cắt giảm chi tiêu theo dự luật mà đảng Cộng hòa thông qua hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo rằng quốc gia này còn chưa đầy 3 tuần trước khi cạn kiệt tiền để thanh toán các hóa đơn vào ngày 1/6, nhưng các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ vẫn bế tắc trong các cuộc đàm phán.
Trong một cuộc họp tại tòa thị chính ở tiểu bang New Hampshire, Mỹ tối 10/5 được phát trực tiếp trên CNN, cựu Tổng thống Donald Trump đã nói về vấn đề trần nợ mà nước Mỹ đang đối mặt.
Theo ông Trump, nước Mỹ sẽ vỡ nợ nếu chính phủ không đồng ý cắt giảm chi tiêu theo dự luật mà đảng Cộng hòa thông qua hồi cuối tháng 4.
“Chúng ta phải bắt đầu trả hết các khoản nợ. Tôi muốn nói với những người thuộc đảng Cộng hòa ngoài kia rằng nếu phe Dân chủ không đồng ý cắt giảm chi tiêu, các anh cứ để cho Mỹ vỡ nợ”, ông Trump kêu gọi.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng họ có nên để Mỹ vỡ nợ nếu không có thỏa thuận nào được ký kết trước ngày 1/6 hay không, ông nói rằng việc vỡ nợ cuối cùng vẫn xảy ra, vì vậy nó cũng có thể xảy ra “ngay bây giờ”.
“Các anh có thể làm điều đó ngay từ bây giờ, vì trước sau gì các anh cũng sẽ làm như thế để cứu lấy đất nước”.
Nói về hậu quả của việc vỡ nợ, ông Trump cho rằng: “Nó chỉ là vấn đề tâm lý thôi. Nó có thể thực sự tồi tệ, cũng có thể chẳng là gì cả”. Theo ông Trump, hậu quả của việc này chỉ là một tuần hoặc một ngày tồi tệ.
Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc không tăng trần nợ trước ngày 1/6 – ngày chính phủ Mỹ bắt đầu cạn sạch tiền - sẽ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế thảm khốc với hàng triệu việc làm bị mất.
Nhà Trắng đã kêu gọi Quốc hội Mỹ nâng trần nợ vô điều kiện, trong khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa lại muốn ràng buộc việc nâng trần nợ cùng với việc cắt giảm chi tiêu lớn.
Các thành viên đảng Cộng hòa, dẫn đầu là Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã thông qua một dự luật vào cuối tháng 4, trong đó đồng ý nâng trần nợ lên 1.500 tỷ USD để đổi lấy việc tiết kiệm 4.500 tỷ USD bằng cách giới hạn chi tiêu.
Tuy nhiên, dự luật đã bị bác bỏ tại Thượng viện vì cơ quan do Đảng Dân chủ điều hành không thông qua gói cắt giảm lớn. Nhà Trắng trước đó cũng yêu cầu đưa ra một dự luật “sạch” (không kèm theo bất kỳ yêu cầu nào về cắt giảm chi tiêu) liên quan đến trần nợ.
Ông McCarthy và các lãnh đạo của Hạ viện và Thượng viện đã gặp Tổng thống Joe Biden hôm 9/5 để thảo luận về trần nợ, nhưng lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết, không có “bất kỳ tiến triển nào” trong cuộc thảo luận. Tuy nhiên, Tổng thống sẽ gặp lại họ vào ngày 12/5 để tiếp tục bàn về vấn đề này.
Các nhà kinh tế cho rằng việc một số đảng viên Cộng hòa đe dọa không tăng trần nợ trước ngày 1/6 là một trò chơi may rủi đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, vì nó sẽ gây ra vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Trần nợ đã được nâng lên 3 lần mà không có bất kỳ tranh chấp nào trong suốt 4 năm ông Trump làm Tổng thống. Thời kỳ đó, nợ công của Mỹ cũng bùng nổ do các đợt cắt giảm thuế của ông.
Nguyễn Tuyết (Theo Daily Mail, Forbes, Financial Times, Reuters)