Ông Trump xem xét kế hoạch 'ép Nga và Ukraine phải đàm phán'
Hai cố vấn quan trọng đã trình bày với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nếu ông thắng cử tổng thống vào cuối năm nay, bao gồm điều kiện Ukraine sẽ chỉ nhận thêm vũ khí của Mỹ nếu tham gia đàm phán hòa bình.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, một trong các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cho biết Washington sẽ cảnh báo Mátxcơva rằng nếu họ từ chối đàm phán, Washington sẽ hỗ trợ cho Ukraine nhiều hơn nữa.
Theo kế hoạch do ông Kellogg và Fred Fleitz vạch ra, sẽ có một lệnh ngừng bắn dựa trên thực tế chiến trường hiện nay. Kellogg và Fleitz đều từng là chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Ông Fleitz cho biết họ đã trình bày kế hoạch này với ông Trump và cựu tổng thống đã phản hồi một cách tích cực.
“Tôi không khẳng định ông ấy đồng ý với từng chi tiết trong đó, nhưng chúng tôi rất vui khi nhận được phản hồi với kế hoạch mà chúng tôi đã soạn ra”, ông Fleitz cho biết.
Tuy nhiên, ông Steven Cheung, người phát ngôn nhóm tranh cử của ông Trump, cho biết chỉ những tuyên bố của ông Trump hoặc người được ủy quyền trong chiến dịch tranh cử mới được coi là chính thức.
Chiến lược mà hai ông Kellogg và Fleitz vạch ra là kế hoạch chi tiết nhất từ trước đến nay của nhóm cố vấn cho ông Trump. Cựu tổng thống Mỹ từng tuyên bố có thể nhanh chóng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine nếu ông đánh bại đương kim Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 5/11, dù ông chưa nêu cụ thể cách làm.
Nếu được chấp thuận, đề xuất trên sẽ đánh dấu thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ đối với cuộc xung đột, và rất có thể sẽ vấp phải phản đối từ các đồng minh châu Âu và cả nội bộ đảng Cộng hòa của ông Trump. Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Ukraine chưa phản hồi đề nghị bình luận về kế hoạch này.
Các yếu tố cốt lõi của kế hoạch đã được nêu trong tài liệu công khai của một tổ chức tư vấn nơi ông Kellogg và ông Fleitz đang giữ vị trí lãnh đạo.
Ông Kellogg cho rằng điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán nếu ông Trump đắc cử.
Theo tài liệu nghiên cứu của hai cố vấn này, có thể thuyết phục Mátxcơva tham gia đàm phán khi trì hoãn việc xem xét kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Fleitz cho biết, theo kế hoạch nêu trên, Ukraine không cần chính thức nhượng lại lãnh thổ cho Nga, nhưng Ukraine khó có thể lấy lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình trong tương lai gần.
“Mối lo ngại của chúng tôi là xung đột này sẽ trở thành cuộc chiến tranh tiêu hao, sẽ giết chết cả một thế hệ thanh niên”, ông nói.
Hai ông Kellogg và Fleitz cho rằng một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine sẽ đòi hỏi thêm những đảm bảo an ninh. Ông Fleitz nói thêm rằng "trang bị tận răng cho Ukraine" có thể sẽ là yếu tố then chốt để đạt được điều đó.
Ông Cheung, người phát ngôn tranh cử của ông Trump, cho biết: “Cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ là nhanh chóng đàm phán để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra nếu Donald J. Trump làm tổng thống. Thật đáng buồn".
Nhóm vận động của Tổng thống Joe Biden cho rằng ông Trump không muốn đứng lên chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.
James Singer, người phát ngôn nhóm tranh cử của ông Biden, nhận xét: “Donald Trump dành nhiều lời khen ngợi cho ông Putin mỗi khi có cơ hội, nói rằng sẽ không chống lại Tổng thống Putin hoặc đứng lên vì dân chủ”.
Một số thành viên đảng Cộng hòa không muốn tiếp tục dùng thêm ngân sách cho Ukraine, sau khi Washington đã chi hơn 70 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.
Charles Kupchan, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đánh giá: “Điều mà những người ủng hộ ông Trump muốn là giảm viện trợ, nếu không nói là cắt viện trợ”.
Trong phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Putin nói rằng xung đột có thể kết thúc nếu Ukraine đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và nhượng 4 tỉnh miền đông và nam nước này mà Nga đã sáp nhập.
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần trước, các đại sứ Pháp và Anh nhắc lại quan điểm của họ rằng hòa bình chỉ có thể đạt được khi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Đây cũng là quan điểm của Kiev.
Một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại kế hoạch của hai ông Kellogg và Fleitz sẽ giúp Nga chiếm thế thượng phong trong đàm phán.
Cựu trợ lý ngoại trưởng Daniel Fried, người từng làm về chính sách Nga, nhận xét: “Những gì Kellogg đang mô tả là tiến trình nghiêng về khả năng Ukraine từ bỏ toàn bộ lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát”.
Trong một cuộc phỏng vấn podcast vào tuần trước, ông Trump bác bỏ khả năng đưa quân đội Mỹ tới Ukraine và tỏ ra hoài nghi về việc để Ukraine trở thành thành viên NATO.
Ông tuyên bố sẽ nhanh chóng cắt viện trợ cho quốc gia Đông Âu này nếu đắc cử.