Ông Tuấn không tin lời người lạ

Đang loay hoay đóng hàng để kịp giờ đưa cho khách, ông Tuấn bỗng nghe tiếng chuông điện thoại trong phòng khách reo vang. Lo lỡ hẹn với khách, ông định không nghe, nhưng tiếng chuông đổ liên hồi khiến ông không dám bỏ qua.

Vừa nhấc máy lên, giọng người đàn ông vang lên: “Xin lỗi! Đây có phải số điện thoại gia đình bác Nguyễn Mạnh Tuấn, ở số 40, ngõ X...”. Nghe người trong điện thoại đọc đúng tên, địa chỉ của gia đình, ông Tuấn có phần chột dạ. Vẫn giọng từ đầu dây bên kia: “Gia đình mình thuộc diện hộ kinh doanh có điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Sắp tới, công an huyện tổ chức tập huấn về an toàn PCCC, nên cơ quan yêu cầu gia đình chấp hành nghiêm quy định...". Nói rồi người này giới thiệu tên là Hùng, cán bộ Công an huyện B và hướng dẫn ông phải mua tài liệu, đóng học phí tập huấn qua đường bưu điện hoặc gửi vào số tài khoản với số tiền tổng cộng gần hai triệu đồng. Trước khi kết thúc cuộc điện thoại, anh "cán bộ" tên Hùng còn nhấn mạnh: "Nếu không mua tài liệu hoặc không tham gia tập huấn, bác sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật" và gợi ý ông Tuấn nên đóng tiền ngay để được tham gia lớp tập huấn sớm nhất. Nghe anh "cán bộ" nọ nhắc nhở, ông Tuấn chỉ biết vâng, dạ với tâm trạng rối bời.

Hai hôm sau, ông Tuấn lại nhận được điện thoại của anh "cán bộ" tên Hùng hôm trước đốc thúc việc nộp tiền mua tài liệu và đóng học phí tập huấn. Mặc dù mấy lần ông tính gọi điện thoại để hỏi đứa cháu làm việc ở cơ quan huyện B, nhưng bận công việc, ông lại quên béng đi mất. Bởi thế, hễ cứ nghĩ đến việc chậm trễ, bị phạt, xấu hổ với hàng xóm, ông lại toan chạy ra bưu điện đóng số tiền lệ phí kia cho xong chuyện.

Tối đó, vừa ngồi vào mâm cơm, ông Tuấn đem câu chuyện tập huấn nghiệp vụ PCCC ra kể với vợ. Nghe xong, bà Tâm tỏ vẻ thắc mắc: "Mọi bữa, có việc gì, công an họ đều thông báo trên loa truyền thanh, sao hôm nay lại gọi điện? Thôi, gần tết hàng họ nhiều, ông để ý trông nom nhà cửa giúp tôi, nếu không kịp thì lớp sau mình tham gia cũng được...". Mặc dù vẫn chưa hết lo lắng, nhưng nghe vợ nói cũng có lý nên ông Tuấn thấy yên tâm phần nào.

Chiều hôm sau, nhân chuyến giao hàng cho khách ở trung tâm huyện, ông Tuấn quyết định phải gặp bằng được người cháu để hỏi cho ra nhẽ. Vừa nghe xong câu chuyện ông Tuấn kể, người cháu liền lấy điện thoại gọi cho ai đó rồi quay lại bàn làm việc với vẻ mặt nghiêm trọng: "Bác đã nộp bao nhiêu tiền lệ phí tập huấn và mua tài liệu rồi?". Thấy vẻ mặt nghiêm trọng, lo lắng của người cháu, ông Tuấn ấp úng: "Bận việc quá, bác chưa kịp nộp. Thế... thế... có bị phạt không cháu?". Nghe ông Tuấn nói vậy, người cháu vui mừng và cho biết: Công an huyện B không có kế hoạch tổ chức tập huấn PCCC cho người dân cũng như chủ trương bán tài liệu và thu lệ phí. Đây chỉ là chiêu lừa của một số đối tượng lừa đảo... Nghe đến đây, ông Tuấn thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được khối đá bấy lâu đè nặng trên ngực.

Ngay trong tối đó, trong bản tin thời sự trên truyền hình, Công an tỉnh H vừa triệt phá thành công vụ án lừa đảo quy mô lớn. Theo cơ quan công an: Các đối tượng gọi điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải mua tài liệu, đóng học phí tập huấn nghiệp vụ PCCC qua đường bưu điện hoặc qua số tài khoản với số tiền từ 600.000 đồng đến hai triệu đồng mà không trực tiếp gặp mặt. Đồng thời, chúng có hành vi đe dọa xử phạt nếu không mua tài liệu hoặc không tham gia tập huấn. Trước tình trạng trên, Công an tỉnh H cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tố giác các hành vi mạo danh lừa đảo như trên. Khi có yêu cầu tập huấn hoặc tiến hành kiểm tra đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan công an sẽ có kế hoạch, quyết định kiểm tra cụ thể bằng văn bản trước khi tổ chức thực hiện. Quá trình kiểm tra, cán bộ mặc trang phục Công an nhân dân theo quy định...

HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/ong-tuan-khong-tin-loi-nguoi-la-650483