Opec không muốn làm dịu giá dầu

Các chuyên gia kết luận rằng, những nước sản xuất dầu ở vùng Vịnh, các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều không có khả năng cũng như không có ý muốn trợ giúp kiềm chế sự gia tăng giá dầu thô do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

Hình minh họa

Hình minh họa

Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kêu gọi các nước xuất khẩu, dẫn đầu là Arập Xêút, khẩn cấp tăng sản lượng dầu để giải tỏa thị trường. Tại Mỹ, các phương tiện truyền thông đã đưa ra khả năng các quan chức Mỹ sẽ có chuyến thăm tới Arập Xêút nhằm thuyết phục Riyadh bơm thêm dầu thô...

Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), ở vị trí thấp hơn là Kuwait và Iraq, là những thành viên OPEC duy nhất có thể cung cấp thêm nhiều dầu hơn, với khoảng 2,5-3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, việc “bơm” vào thị trường khối lượng dầu bổ sung như thế sẽ không bù đắp nổi sự sụt giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga.

Bà Amena Baker (Văn phòng phân tích tình báo năng lượng) nhấn mạnh: “Theo ước tính của chúng tôi, xuất khẩu các sản phẩm thô và tinh chế của Nga đã giảm 3 triệu thùng/ngày và có thể mất thêm 2 triệu thùng nữa trong những tuần tới”. Bà Amena Baker còn lo ngại về “hiệu ứng hoảng loạn” trên thị trường dầu mỏ trong trường hợp sử dụng tất cả công suất dự trữ.

Liệu giá dầu có giảm hay không? Về mặt lý thuyết thì có, nhưng việc dùng đến các kho dự trữ sẽ hạn chế khả năng can thiệp của các nước sản xuất dầu nếu xảy ra những rối loạn mới. Ông Yousef Alshammari, CEO Công ty Nghiên cứu Cmarkits, cho hay: “Giá sẽ giảm nhưng không nhiều, vì thị trường dễ bị tổn thương bởi những cú sốc tiềm tàng mà không nhà sản xuất nào có thể giải quyết được cả”.

Hinh minh họa

Hinh minh họa

Để tránh xảy ra cuộc chiến tranh giá cả và kiểm soát thị trường, các nước vùng Vịnh sẽ có lợi hơn khi hành động phối hợp lẫn nhau trong OPEC do Arập Xêút dẫn đầu, cũng như với các đồng minh trong OPEC+ do Nga dẫn đầu.

Ông Robin Mills, CEO Công ty Tư vấn năng lượng Qamar Energy tại Dubai, nhấn mạnh: “Sẽ rất khó để tìm được một thỏa thuận trong OPEC+ về việc tăng sản lượng, do hầu hết các thành viên đều có sản lượng ở mức tối đa và chính Nga cũng là một thành viên trong số đó... Nhưng sự do dự của các nước vùng Vịnh cũng được thúc đẩy bởi các lý do chính trị, bởi vì họ có vẻ như thất vọng với quan điểm của Mỹ về các vấn đề chính trị và an ninh khác nhau”.

Các đối tác ngoại giao và quân sự thân cận của Mỹ, Arập Xêút và UAE cho đến nay đều né tránh lập trường chống lại Nga vì cuộc chiến tại Ukraine. Tham gia quân sự vào cuộc chiến ở Yemen cùng với chính phủ chống lại những lực lượng nổi dậy được Iran hỗ trợ, các nước vùng Vịnh cáo buộc chính quyền Mỹ không đủ kiên quyết trong việc chống lại nhóm Houthis.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, các quốc gia Arập đang dần thích nghi với tình trạng mới bằng cách giữ tư thế trung lập, bất chấp có vô số áp lực từ các nước phương Tây. Theo đó, các nước Trung Đông dường như đang dần tách mình ra khỏi các đặc quyền của phương Tây.

Opec không muốn làm dịu giá dầu

Opec không muốn làm dịu giá dầu

Các nước Arập đã thông báo thành lập một nhóm liên lạc đặc biệt để liên lạc trung gian với các nước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cuộc họp được tổ chức theo đề xuất của Ai Cập. Trong khi các quốc gia liên quan bày tỏ mối lo ngại về tình hình hiện tại, thì điều quan trọng mà các nước cần phải nhớ là tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách trung lập.

Tờ báo Financial Times của Anh lưu ý rằng, tính trung lập của các quốc gia vùng Vịnh đối với tình hình chiến sự Ukraine phản ánh mối quan hệ sâu sắc với Nga. UAE cũng như Arập Xêút, đồng minh lâu năm của Mỹ, muốn duy trì hợp tác với Nga trong các vấn đề năng lượng và địa chính trị.

Financial Times cũng lưu ý rằng, UAE, hiện giữ ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã nhận được lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về tầm quan trọng của việc xây dựng phản ứng quốc tế mạnh mẽ để ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nhưng trong cuộc bỏ phiếu gần đây tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, UAE cuối cùng đã phớt lờ yêu cầu của Mỹ và chọn tham gia cùng Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã không ủng hộ sáng kiến của phương Tây chống lại Nga, cho thấy sự thất vọng của UAE với các chính sách của Mỹ.

Có thể thấy, lựa chọn của UAE rất thú vị vì điều đó không chỉ giới hạn trong cuộc bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, mà còn được giới quan sát coi là sự ủng hộ đối với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin. Theo một số nguồn tin, Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan thậm chí còn tái khẳng định rằng Nga có quyền bảo vệ an ninh quốc gia của mình.

Thực tế, các nước vùng Vịnh nói riêng và toàn bộ thế giới Arập nói chung kiên định ý chí của họ trong việc thích ứng với kỷ nguyên đa cực, trong đó Trung Quốc và Nga đóng vai trò dẫn đầu, đặc biệt là vào thời điểm mà các liên minh cũ với phương Tây không còn khả quan, ở các mức độ khác nhau.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, thế giới Arập nói chung quan tâm đến việc duy trì hợp tác với Nga, coi Nga về lâu dài là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng một kiến trúc an ninh mới, kể cả ở khu vực chiến lược Trung Đông.

Tính trung lập của các quốc gia vùng Vịnh đối với tình hình chiến sự Ukraine phản ánh mối quan hệ sâu sắc với Nga. UAE cũng như Arập Xêút, đồng minh lâu năm của Mỹ, muốn duy trì hợp tác với Nga trong các vấn đề năng lượng và địa chính trị.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/opec-khong-muon-lam-diu-gia-dau-646471.html