Overthinking không 'hết cứu' như chúng ta vẫn nghĩ

Suy nghĩ quá mức có thể khiến chúng ta cạn kiệt năng lượng, nhưng tình trạng này vẫn có cách giải quyết.

 Những người bị overthinking có xu hướng vẽ ra những tình huống khó có thể xảy ra. Ảnh: Pexels.

Những người bị overthinking có xu hướng vẽ ra những tình huống khó có thể xảy ra. Ảnh: Pexels.

Là một nhà tâm lý học lâm sàng, PGS Kirsty Ross tại Đại học Massey (New Zealand) thường thấy khách hàng nói rằng họ gặp rắc rối với những suy nghĩ "lặp đi lặp lại" trong đầu và rất khó để kiểm soát điều đó.

Mặc dù suy nghĩ vẩn vơ (rumination) và suy nghĩ quá nhiều (overthinking) thường được cho là giống nhau, thực tế, hai vấn đề này lại có những điểm rất khác.

Suy nghĩ vẩn vơ là những suy nghĩ lặp đi lặp lại trong tâm trí. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy nghĩ quá nhiều, hay thậm chí là khiến chúng ta phân tích những suy nghĩ đó nhưng không thể tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

 Ai cũng từng vẽ ra những viễn cảnh không có thật rồi tự đắm chìm vào đó. Ảnh: Pexels.

Ai cũng từng vẽ ra những viễn cảnh không có thật rồi tự đắm chìm vào đó. Ảnh: Pexels.

Vì sao chúng ta overthinking?

Bộ não của chúng ta được "lập trình" để tìm kiếm những mối đe dọa, lập kế hoạch để giải quyết những mối đe dọa đó và giúp chúng ta được an toàn.

Những mối đe dọa mà bộ não "nhận ra" có thể dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ hoặc có thể là điều "sẽ xảy ra" mà chúng ta tự tưởng tượng.

Điều "sẽ xảy ra" mà con người nghĩ đến thường là những điều tiêu cực. Chúng mang lại nhiều cảm xúc như buồn bã, lo lắng, tức giận... và khiến con người mắc kẹt trong những suy nghĩ đó.

Một vấn đề là chúng ta thường nói và nghĩ về những điều có thể xảy ra trong tương lai (nhưng hiện tại không xảy ra), nên chúng ta không thể giải quyết được vấn đề. Điều đó khiến bộ não lặp đi lặp lại những suy nghĩ tương tự.

Chia sẻ với The Conversation, bà Kirsty Ross cho rằng hầu như ai cũng từng một lần tự vẽ ra viễn cảnh mình rơi vào một tình huống nào đó. Thậm chí, những người từng gặp tổn thương trong quá khứ có thể có xu hướng mong đợi những người chưa từng gặp nghịch cảnh sẽ phải chịu tổn thương tương tự.

Người có tư duy sâu, người dễ lo lắng, người dễ chán nản, người nhạy cảm cũng có nhiều khả năng bị suy nghĩ vẩn vơ và suy nghĩ quá mức.

Ngoài ra, khi chúng ta căng thẳng, cảm xúc có xu hướng trở nên nặng nề và "tồn tại" lâu hơn. Đồng thời, suy nghĩ, phán đoán của chúng ta cũng trở nên kém chính xác, kéo theo đó là tình trạng chúng ta dễ bị mắc kẹt trong những suy nghĩ đó.

 Bộ não căng thẳng và quá mệt mỏi cũng khiến bạn trở nên overthinking. Ảnh: Pexels.

Bộ não căng thẳng và quá mệt mỏi cũng khiến bạn trở nên overthinking. Ảnh: Pexels.

Đừng ngại thừa nhận cảm xúc

Khi những suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại, bạn có thể sử dụng một "chiến lược" là tập trung vào cảm xúc và vấn đề đó. Nghĩa là chúng ta tìm cách cảm nhận cảm xúc và giải quyết chúng.

Ví dụ, khi cảm thấy hối tiếc, tức giận hay buồn bã, bạn cứ thoải mái thừa nhận những cảm xúc đó, đồng thời sử dụng "kỹ thuật" tự chăm sóc bản thân và hỗ trợ từ xã hội để quản lý cảm xúc của mình.

Điều thứ hai bạn có thể làm là tập trung vào vấn đề. Cụ thể, khi nghĩ về một viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai, bạn hãy lập kế hoạch đối phó với những "nguy cơ" đó.

Tuy nhiên, một vấn đề là chúng ta rất khó để lập kế hoạch cho rất cả tình huống có thể xảy ra. Cách tốt hơn là bạn có thể lập kế hoạch cho 1-2 khả năng có thể xảy ra và chấp nhận rằng có thể bạn phải gặp những điều chưa từng nghĩ tới.

PGS Đại học Massey khuyên rằng một cách hữu ích khác để kiểm soát overthinking chính là "thay đổi, chấp nhận và buông bỏ", cụ thể là thay đổi cách nghĩ của bản thân (nếu có thể).

Suy nghĩ của bạn chỉ đơn thuần là một "ý tưởng", chúng không phải lúc nào cũng đúng và thực sự xảy ra. Nhưng khi suy nghĩ quá nhiều và lặp đi lặp lại suy nghĩ đó, chúng ta sẽ bắt đầu có cảm giác là suy nghĩ đó đúng vì chúng đã trở nên quen thuộc.

Khi đó, bạn có thể đối phó bằng cách nghĩ ra một điều thực tế hơn. Suy nghĩ thực tế sẽ giúp bạn "chặn" vòng lặp của những suy nghĩ vô ích.

Bạn lưu ý bộ não căng thẳng và quá mệt mỏi cũng khiến bạn trở nên overthinking, dẫn đến việc căng thẳng nhiều hơn rồi tạo ra một vòng luẩn quẩn không lối thoát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên kiểm soát sự căng thẳng bằng cách ăn ngon, ngủ ngon, vận động cơ thể, làm những điều mình thích, gặp những người mình yêu và tham gia những hoạt động để tiếp thêm năng lượng cho tinh thần.

Nếu bạn nhận thấy việc suy nghĩ quá mức đang ảnh hưởng đến cuộc sống và mức độ lo lắng ngày càng tăng, đã đến lúc bạn cần chia sẻ với ai đó và tìm hiểu về cách để kiểm soát vấn đề này.

Khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn hãy tìm đến các nhà trị liệu vì họ có những phương pháp và công cụ hữu ích để giải quyết.

"Khi nhận thấy mình bị overthinking, bạn đừng chối bỏ mà hãy thừa nhận cảm xúc của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên chấp nhận rằng cuộc sống có thể rất khó đoán. Thay vì chỉ lo tìm cách đối phó với các nguy cơ, bạn nên tập trung nhiều hơn vào niềm tin của bản thân, hãy tin là bạn có khả năng đương đầu với mọi tình huống", bà Kirsty Ross nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/overthinking-khong-het-cuu-nhu-chung-ta-van-nghi-post1464103.html