P-8A Poseidon của Mỹ chạm trán máy bay phản lực Trung Quốc ở Biển Đông
Sĩ quan chỉ huy Hải quân Mỹ Joel Martinez, người dẫn đầu phi hành đoàn P-8A Poseidon, cho biết họ đã bị máy bay phản lực Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm ở Biển Đông, theo AP.
Tổ bay P-8A Poseidon bình tĩnh nhắc nhở phía Trung Quốc tuân thủ các quy định về an toàn hàng không, ông Martinez nói.
Thông tin trên do ông Martinez đưa ra với phóng viên AP có mặt trên máy bay do thám Hải quân Mỹ P-8A Poseidon bay gần các thực thể do Trung Quốc chiếm giữ trái phép thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông hôm 20/3.
Cũng tại chuyến bay, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino cho biết phía Mỹ đã phản bác cảnh báo từ Trung Quốc khi máy bay P-8A Poseidon hoạt động trên Biển Đông hôm 20/3.
Theo đó, phía Trung Quốc đã yêu cầu máy bay do thám của Mỹ "tránh xa ngay lập tức để tránh sự cố", khi P-8A Poseidon tới gần các tiền đồn mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, máy bay của Hải quân Mỹ đã bác bỏ nhiều cảnh báo. “Đây là máy bay Hải quân Mỹ đang tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào”, một phi công Mỹ đáp lại, theo phóng viên AP đi cùng đoàn.
Khi P-8A Poseidon bay ở độ cao 4.500 m gần các rạn san hô mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, một số trông giống như các thành phố nhỏ trên màn hình, với các tòa nhà nhiều tầng, nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng và cấu trúc hình tròn màu trắng mà ông Aquilino cho biết là radar.
Gần Đá Chữ Thập, một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, Việt Nam, hơn 40 tàu không xác định có thể được nhìn thấy đang neo đậu.
Trung Quốc đã quân sự hóa phi pháp ít nhất ba trong số một số hòn đảo ở Biển Đông, trang bị các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và laser cùng máy bay chiến đấu, ông Aquilino cho biết.
Ông nói rằng việc xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên Đá Vành Khăn, Đá ngầm Subi và Đá Chữ Thập dường như đã hoàn thành.
Các hành động này của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo trong vùng Biển Đông thành căn cứ quân sự.
“Tôi nghĩ trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Họ đã nâng cao tất cả khả năng của mình, và việc tiếp tục vũ trang hóa đang gây bất ổn cho khu vực”, ông Aquilino nói với AP.