Pác Nặm đổi mới và phát triển
Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự chỉ đạo của tỉnh cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, đến nay huyện Pác Nặm đã có nhiều đổi thay trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Huyện Pác Nặm được thành lập năm 2003 theo Nghị định số 56/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003 của Chính phủ, diện tích trên 47.000ha, hơn 26.000 nhân khẩu gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc và 118 thôn (hiện nay còn 113 thôn). Hơn 18 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Pác Nặm đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo khắc phục mọi khó khăn và đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Từ một huyện xuất phát điểm thấp, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm luôn đạt khá, năm sau cao hơn năm trước.
Huyện Pác Nặm đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Từ cơ cấu kinh tế 90,79% là ngành nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, đến nay tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp chiếm 73%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 4%, thương mại - dịch vụ chiếm 23%. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình cho vay giải quyết việc làm, đào nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động đã từng bước nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Giai đoạn 2004 - 2020 đã giải quyết việc làm cho 12.832 lao động trên địa bàn huyện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 22,34%, tăng 33,84 lần so với năm 2004. Tổng thu ngân sách năm 2020 đạt trên 12,8 tỷ đồng, tăng 11,928 tỷ đồng so với năm 2004…
Đồng chí Nguyễn Đình Điệp- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến nay tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế từng bước được quan tâm đầu tư, xây dựng. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ từng bước phát triển với mức tăng trưởng ngày càng cao, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho Nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao không ngừng được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, đoàn thể có nhiều chuyển biến, tiến bộ, nhất là việc chỉ đạo thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và xây dựng Đề án thực hiện một số mô hình thí điểm kiêm nhiệm chức danh, hợp nhất một số cơ quan đảng với cơ quan chính quyền cùng cấp.
Sản xuất nông nghiệp của huyện Pác Nặm ngày càng phát triển .
Trên cơ sở điều kiện, lợi thế của địa phương, huyện đã tập trung kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào công nghiệp chế biến, đặc biệt là trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, vật liệu xây dựng... Tuy nhiên do Pác Nặm là huyện vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư sản xuất, chế biến. Hiện nay trên địa bàn chỉ có 02 cơ sở chế biến gỗ (01 công ty và 01 cơ sở chế biến hộ gia đình), tuy nhiên quy mô nhỏ lẻ, chưa được đầu tư quy mô về máy móc và thiết bị. Sản phẩm chủ yếu là dạng thô gỗ ván bóc và băm nghiền giá trị sản phẩm chưa cao, các cơ sở hiện nay vẫn chưa khai thác hết vùng rừng nguyên liệu hiện có, phần lớn nguyên liệu gỗ chủ yếu là sơ chế và khai thác, vận chuyển ra ngoài địa bàn huyện; huyện có 01 mỏ đá xây dựng khai thác đảm bảo cung ứng nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án trên địa bàn... Toàn huyện Pác Nặm có khoảng 200 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất hằng năm đạt trên 8 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành một phong trào có ý nghĩa và có sức lan tỏa sâu rộng và được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ngoài việc đóng góp ngày công thi công các công trình, hiến đất làm công trình công cộng, Nhân dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị truyền thống, giữ gìn an ninh trật và xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Về phát triển giáo dục và đào tạo, hệ thống trường, lớp trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ, 10/10 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
Trung tâm huyện lỵ Pác Nặm (xã Bộc Bố) đã được UBND tỉnh Bắc Kạn công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V tại Quyết định số 2541/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 theo tiêu chuẩn phân loại đô thị. UBND huyện đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, chỉnh trang lại khu trung tâm xã Bộc Bố theo quy hoạch, phấn đấu đưa xã Bộc Bố trở thành thị trấn. Công tác bố trí dân cư được triển khai bằng việc xây dựng các khu tái định cư như: Khu tái định cư thôn Phiêng Luông, khu tái định cư thôn Khâu Vai, khu tái định cư Lẻo Luông, xã Nhạn Môn... nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định của Nhân dân.
Có thể thấy, đến nay huyện Pác Nặm đã tranh thủ mọi sự quan tâm, đầu tư phát huy các lợi thế về tiềm năng trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tập trung phát triển nhiều loại cây trồng hàng hóa, đặc biệt là thế mạnh trong phát triển chăn nuôi thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Sử dụng hiệu quả nguồn lao động dồi dào để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên./.
Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202112/pac-nam-doi-moi-va-phat-trien-0b3717b/