Pác Nặm phát triển nông, lâm nghiệp bền vững
Xác định ngành nông, lâm nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế, huyện Pác Nặm đã vận dụng tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề ra nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, trên địa bàn huyện Pác Nặm đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Công tác chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, lâm nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, nhờ đó sản xuất nông, lâm nghiệp luôn tăng trưởng khá và ổn định.
Hiện nay, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp của huyện chiếm 73% trong cơ cấu nền kinh tế; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp ước đạt trên 430 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 5,7%/năm. Năm 2021 diện tích gieo trồng cây lương thực đạt 4.519ha, sản lượng lương thực đạt trên 20.000 tấn. Hiện nay huyện hình thành vùng chuyên trồng rau tại các xã Bộc Bố, Nghiên Loan, diện tích trồng cây ăn quả duy trì trên 261ha; vùng trồng cây mận sớm tại 3 xã Bằng Thành, Xuân La, Nghiên Loan.
Bên cạnh đó, nhiều cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được mở rộng diện tích như gừng, nghệ, cây thuốc lá. Huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng đưa vào thực hiện các mô hình, Dự án phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, bước đầu đã có sự kết nối trong tiêu thụ sản phẩm.
Người dân đã được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật thực hiện những như mô hình, dự án như: Mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô sang cây có giá trị kinh tế cao; mô hình cải tạo đàn bò sinh sản; mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của huyện là trên 27.273ha. Trong đó, rừng tự nhiên trên 22.532ha, rừng trồng trên 4.740ha. Diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 15.919ha, diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ 4.976ha, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đến nay đạt 58,74%. Huyện đã thực hiện giao đất, giao rừng theo chủ trương của Chính phủ cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất, phòng hộ được thực hiện tích cực. Công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện hằng năm theo quy định.
Những kết quả đạt được cho thấy huyện Pác Nặm có nhiều tiềm năng trong phát triển nông, lâm nghiệp, điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng hàng hóa, đặc biệt là thế mạnh trong phát triển chăn nuôi. Huyện có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn lao động dồi dào, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt những năm gần đây người dân đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng, năng suất, chất lượng sản phẩm từ sản xuất nông, lâm nghiệp tăng dần qua các năm.
Mục tiêu của huyện Pác Nặm trong thời gian tới là tổ chức quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế của các địa phương. Phát triển công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo bước đột phá làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế. Phát triển vùng rừng nguyên liệu với quy mô tập trung, gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.../.