PGS Trần Thành Nam: 'Giáo viên vi phạm đạo đức, cần kỷ luật nhưng cũng phải hỗ trợ phục hồi'

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần giữ nghiêm minh các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức của môi trường giáo dục, nhưng không nên mang tính chất trừng phạt, hả hê. Thay vào đó, cần hỗ trợ để giúp người giáo viên phạm lỗi mang tính chất vô tình (do thiếu ý thức trong việc nhận diện tình huống) có cơ hội phục hồi trở lại.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước đoạn clip kèm nội dung “cô giáo có hành động phản cảm ngay tại lớp học" ở Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Theo đoạn clip này, một nam sinh ngồi cùng cô giáo tại vị trí bàn giáo viên trong lớp học và có những cử chỉ thân mật, gần gũi.

Nhà trường đã có báo cáo gửi Sở GD-ĐT Hà Nội liên quan đến vụ việc này. Về phía nữ giáo viên đã thừa nhận còn thiếu hụt kiến thức và kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm nên để sự việc xảy ra. Hiện nay, Trường THPT Thạch Bàn đã tạm đình chỉ nữ giáo viên trong thời gian giải quyết sự việc.

 Đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội gây nhiều tranh luận (Ảnh cắt từ clip)

Đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội gây nhiều tranh luận (Ảnh cắt từ clip)

Câu chuyện này xảy ra trong thời gian dư luận vẫn đang có rất nhiều tranh luận liên quan đến vụ việc một cô giáo ở TP. Hồ Chí Minh xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop, nhưng khi có ý kiến không đồng ý thì không soạn đề cương ôn tập cho học sinh.

Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, những vụ việc trên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo và cần có hướng xử lý nghiêm cũng như giải pháp để hạn chế câu chuyện tương tự.

Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Nhà giáo là người giáo dục cho các thế hệ học trò bằng chính nhân cách của mình

- Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, theo ông, những hành vi nào được coi là vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng?

PGS.TS Trần Thành Nam: Nhà giáo là người giáo dục cho các thế hệ học trò bằng chính nhân cách của mình. Do đó, có lẽ bản thân nhà giáo luôn phải rèn luyện để trở thành tấm gương trong xã hội. Chuẩn mực đối với nhà giáo cao hơn, ngoài tuân thủ các quy định của luật pháp, các giá trị đạo đức phổ quát thì họ cần duy trì vai trò, vị thế của mình, xứng đáng là tấm gương cho học trò.

Theo tôi, những hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với nhà giáo, đầu tiên là việc xúc phạm nhân phẩm hay danh dự, thân thể người học, đồng nghiệp. Đó cũng có thể là những nhà giáo có sự phân biệt đối xử giữa những người học khác nhau, dựa trên một số “yếu tố” nào đó; hay hành vi gian lận, làm sai lệch kết quả đánh giá thành tích, năng lực của người học.

Một hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng khác là nội dung giáo dục nhà giáo dạy học sinh không hướng đến những giá trị chân thiện mỹ mà bị xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang hoặc sự thù địch. Bên cạnh đó, một số người có hành vi lợi dụng vị thế nhà giáo để gây áp lực, ép buộc hay thao túng tâm lý, khiến người học phải học thêm hay thu tiền của người học trái phép.

- Trong trường hợp giáo viên vi phạm, theo ông việc cân nhắc giữa kỷ luật và hỗ trợ phục hồi quan trọng như thế nào?

PGS.TS Trần Thành Nam: Theo quan điểm của cá nhân tôi, chuẩn mực xã hội và kỳ vọng của xã hội đối với giáo viên thường cao hơn nhiều ngành nghề khác. Do đó, trong trường hợp giáo viên vi phạm, nếu chúng ta thấy rằng họ không đủ tiêu chuẩn để làm nghề giáo nữa, việc kỷ luật vẫn cần phải cân nhắc để tạo cho họ có những cơ hội ở một số ngành nghề khác, mà các chuẩn mực họ có thể không vi phạm.

Bản chất nền giáo dục của chúng ta, nếu người nào đã nhận ra lỗi lầm của mình thì đều hướng đến những cơ hội cho họ sửa sai, những đứa trẻ phạm lỗi vẫn luôn có cơ hội để tiếp tục được giáo dục và quay lại con đường với những giá trị đúng đắn.

Với những giáo viên vi phạm, tôi cho rằng chúng ta cần nhiều góc nhìn khác nhau. Thứ nhất là “nhân vô thập toàn”, ai cũng có thể gặp sai sót, mắc lỗi ở vấn đề nào đó. Chúng ta một mặt phải đảm bảo tính nghiêm minh của các quy định, phải bảo vệ được quyền lợi của các bên liên quan, như trong nhà trường thì đầu tiên phải bảo vệ quyền lợi của học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn cần hỗ trợ để phục hồi, giúp cho những người giáo viên phạm lỗi mang tính chất vô tình (tức là do thiếu ý thức trong việc nhận diện tình huống) có cơ hội để phục hồi trở lại, thậm chí họ cần được tư vấn cả về mặt tâm lý, cần được đào tạo lại, có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, cải thiện, nâng cao năng lực sư phạm.

Việc nhận diện một hành vi có vi phạm hay không, vi phạm như thế nào phải tùy thuộc vào từng tình huống. Nếu chỉ nhìn ở một góc của vấn đề cũng có thể dẫn đến thao túng và định hướng tâm lý, định hướng góc nhìn theo hướng không đúng với sự thật.

Sau khi các vụ việc được xác minh, làm sáng tỏ, nếu không đáp ứng được chuẩn nghề, chúng ta cũng nên tạo điều kiện để họ tiếp tục sự nghiệp của bản thân họ theo những hướng khác, theo một môi trường khác. Đó cũng là tính chất của hệ thống pháp luật của Việt Nam - pháp luật rất nhân văn, thiên cả về giáo dục chứ không chỉ có hướng trừng phạt.

Với nhiều người, dường như chúng ta đang chỉ tập trung tìm kiếm điểm vi phạm theo góc nhìn của mình, theo cách thức nhận định mang tính trừng phạt mà chưa có góc nhìn mang tính chất hỗ trợ, phục hồi cho cá nhân những nhân vật trong câu chuyện.

 PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Duy Thông)

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Duy Thông)

Sai phạm phải xử lý nghiêm nhưng cần có tính nhân văn

- Trong trường hợp nhà giáo có những vi phạm đạo đức, chúng ta có nên thông tin rộng rãi ra cộng đồng hay không, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng khi chưa có kết luận cuối cùng, chúng ta cần bảo vệ danh xưng của nhà giáo bằng cách không khiến cho họ bị nhận diện trên phương tiện truyền thông đại chúng, từ đó ảnh hưởng đến một số cơ hội của họ. Và ngay cả khi vụ việc đã được kết luận, chúng ta cũng cần cân nhắc kỹ giữa việc giữ nghiêm minh các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức của môi trường giáo dục và việc tạo điều kiện để những cá nhân có hành vi ứng xử chưa chuẩn mực có cơ hội rút kinh nghiệm và có thể được tiếp tục phát triển ở chặng đường tiếp theo.

Với những vụ việc gần đây, tôi cho rằng giáo viên cần có sự kiểm điểm để rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Đó là nguyên tắc để họ có thể tiếp tục phát triển.

Nhưng bên cạnh đó, học sinh cũng cần rút kinh nghiệm, kể cả học sinh liên quan trực tiếp trong vụ việc, cũng như học sinh lan truyền những thông tin trên mạng xã hội. Cộng đồng và phụ huynh - những người chia sẻ những hình ảnh này với tốc độ chóng mặt và để lại những bình luận rất ác ý cũng cần rút kinh nghiệm, bởi có thể chúng ta mới chỉ nhìn được một góc của vấn đề.

Cùng một sự việc, góc nhìn của học sinh, góc nhìn của thầy cô và góc nhìn của mạng xã hội có thể hoàn toàn khác nhau. Tôi và bạn đứng đối diện nhau, tôi nhìn là số 6, nhưng với bạn là số 9. Nếu chúng ta là thầy trò và đưa câu chuyện này lên mạng xã hội, cư dân mạng có thể sẽ không tranh luận vụ việc theo hướng “số 6 hay số 9” mà bắt đầu tấn công cả hai. Đến cuối cùng, khi sự thật được chia sẻ thì cả ba bên đã gây tổn thương và rất nhiều hậu quả cho nhau.

Cá nhân tôi cho rằng, sai phạm phải xử lý nghiêm nhưng trách nhiệm đến đâu, tiếp cận như thế nào và cách thức xử lý như thế nào cần có tính con người. Chúng ta đang sống trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, dường như đang “robot hóa” tất cả quy trình xử lý và các khuôn mẫu để phản ứng hoặc phê phán người khác. Nhưng trong một xã hội có rất nhiều yếu tố liên quan đến robot và tự động hóa như vậy, điều cần nhất lại là tính con người.

Chúng ta cần thể hiện được sự thấu cảm khi nhìn câu chuyện ở góc độ của người trong cuộc thì mới có thể xử lý được những hành vi vi phạm đạo đức theo cách vừa có lý, vừa có tình và để những hành vi này không tái diễn trong tương lai, chứ không phải chúng ta trừng phạt một con người và hả hê vì một lỗi lầm mà họ mắc phải.

- Theo ông, cần những giải pháp nào để hạn chế các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt ngay từ khâu đào tạo ở các trường sư phạm?

PGS.TS Trần Thành Nam: Theo tôi, các chương trình đào tạo giáo viên cần cập nhật tất cả tiêu chuẩn, chuẩn mực của nhà giáo. Cần đưa vào Luật Nhà giáo những mục tiêu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo giáo viên, có nghĩa người giáo viên phải đảm bảo đạt được tất cả năng lực về mặt sư phạm, những phẩm chất công dân, phẩm chất của một nhà giáo.

Điểm khó nhất là từ trước đến nay, trong hệ giáo dục nói chung, chúng ta chưa đánh giá và đo lường được một cách khách quan, chính xác việc hình thành những phẩm chất này khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp.

Do đó, giải pháp đột phá là các trường sư phạm phải làm thế nào đo được sự hình thành về năng lực sư phạm, năng lực ứng xử sư phạm và các phẩm chất của người giáo sinh khi tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm. Đánh giá những phẩm chất này không thể nào quy thành điểm số, không thể nào chỉ đánh giá bằng một bài trắc nghiệm mà phải có một hệ thống theo dõi lâu dài trong cả quá trình đào tạo người giáo viên.

Đơn cử, việc đánh giá phải được thể hiện trong hoạt động hàng ngày của sinh viên, trong quá trình các em đi kiến tập, thực tập trường phổ thông, trong quá trình các em ứng xử với nhau ở môi trường sư phạm suốt 4 năm đại học. Chúng ta cần lượng hóa những tiêu chuẩn này theo một cách thức nào đó để cơ sở đào tạo đảm bảo chuẩn đầu ra không bị thiếu hụt về mặt phẩm chất.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam đã chia sẻ!

Nguyễn Liên - Nhật Hồng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pgs-tran-thanh-nam-giao-vien-vi-pham-dao-duc-can-ky-luat-nhung-cung-phai-ho-tro-phuc-hoi-post392179.html