PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên: Nhiều cuộc đời đã được tái sinh nhờ phục hồi chức năng
Bị chấn thương sọ não, anh Trần Văn Thi (25 tuổi, Hải Dương) nằm liệt giường suốt 3 tháng. Tưởng rằng tương lai khép lại, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, khi nhờ phục hồi chức năng, giờ đây, anh đã trở lại cuộc sống bình thường.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên (người đứng) - Trưởng Khoa PHCN BV Việt Đức, Phó Trưởng Bộ môn PHCN Trường Đại học Y Hà Nội - hướng dẫn bệnh nhi phục hồi chức năng
Sự hồi sinh kỳ diệu
Năm trước, anh Thi bị chấn thương sọ não rất nặng sau tai nạn giao thông. Ca phẫu thuật thành công, nhưng bệnh nhân gần như liệt hoàn toàn. Toàn thân cứng đơ, chân tay không cử động được, đặc biệt, anh Thi còn bị mất nhận thức, gọi hỏi cũng chỉ mở mắt chứ không nói được.
Thương con, gia đình bệnh nhân quyết tâm “còn nước còn tát”, nên khi biết Bệnh viện (BV) Việt Đức có Khoa Phục hồi chức năng (PHCN), bèn “cầu cứu” PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng Khoa PHCN BV Việt Đức, Phó Trưởng Bộ môn PHCN Trường Đại học Y Hà Nội.
“Bệnh nhân được đưa vào Khoa PHCN trong tình trạng nằm cứng đơ trên xe cáng. Đây là một ca bệnh rất khó. Với người bị chấn thương sọ não, điều các bác sĩ sợ nhất là bệnh nhân bị tăng trương lực cơ, hoặc dập cơ hay co rút cơ, cứng khớp, thì bệnh nhân này bị tất cả” - PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên nhớ lại.
Chị đưa ra các phương án PHCN cho bệnh nhân từng giai đoạn, sau đó, đánh giá lại và có phương pháp can thiệp cụ thể hơn.
Do tay chân bệnh nhân bị cứng đã 3 tháng, nên vận động trị liệu không hiệu quả, vì không thể tập cho bệnh nhân gập chân tay được, nên bác sĩ phải giảm co cứng cho bệnh nhân bằng tiêm thuốc tại chỗ cùng các kỹ thuật cao.
Vấn đề nan giải nữa là bệnh nhân bị mất ý thức, chỉ cử động được đơn giản như nhắm mắt hoặc mở mắt, chứ không thể làm 2 cử động cùng lúc như nhắm mắt và giơ tay, hoặc nhắm mắt há miệng ra. Do đó, các bác sĩ phải phối hợp đồng bộ từng bước cho bệnh nhân.
Sau thời gian dùng thuốc, cơ ngực và trương lực cơ bớt cứng, bệnh nhân bắt đầu cử động được, bác sĩ cho tập trị liệu. Khi bệnh nhân có thể ngồi hoặc đứng dậy để tập, bác sĩ tiếp tục đưa ra các bài tập tại giường, rồi dịch chuyển từ giường sang ghế, từ giường sang xe lăn, rồi cung cấp các dụng cụ chỉnh hình để bệnh nhân đứng lên và đi lại được.
“Tôi không thể quên khi một ngày, bố bệnh nhân đến gặp tôi, nói trong nước mắt hạnh phúc: “Cháu nhà em đã đứng được rồi. Hôm qua, bố mẹ đã cho cháu bước đi một, hai bước…” Rồi khi tôi vào khám bệnh, Thi đã gọi “bác Liên” và nhớ được tên của mình, địa chỉ nhà, gia đình có mấy anh em… Quả là sự hồi phục ngoạn mục!” - PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên còn nguyên niềm xúc động khi nhớ về bệnh nhân rất nặng mà chị và các đồng nghiệp ở Khoa PHCN đã điều trị thành công.
Sự hồi phục của bệnh nhân này khiến không chỉ các nhân viên y tế ở Khoa PHCN rất vui, mà còn lan tỏa cả trong BV. Bởi mọi người dần hiểu rằng, PHCN không phải là việc xoa bóp, vật lý trị liệu đơn thuần, mà là kiến thức rất căn bản, rất chuyên sâu.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên thăm hỏi bệnh nhân về kết quả PHCN
Một bệnh nhân khác phải mổ chấn thương khớp sau tai nạn và cũng bị cứng cơ, khớp đã được PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên điều trị thành công. Bệnh nhân là cảnh sát hình sự, một người năng động, thường xuyên chơi thể thao, nên khao khát được hoạt động trở lại như trước. Dĩ nhiên, yêu cầu này không hề thấp. Nhưng các thầy thuốc của Khoa đã vừa điều trị thuốc, vừa rèn tập cho bệnh nhân, để rồi một ngày, anh gọi điện cho bác sĩ Liên: “Chị ơi, em không chỉ chơi thể thao trở lại, mà còn tiếp tục đi bắt cuớp như ngày xưa…
“Tôi thấy mình hạnh phúc như thể bệnh nhân đó là người ruột thịt của mình” - PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ.
PHCN hỗ trợ cho thành công của phẫu thuật
Để có thể tập luyện được cho bệnh nhân, người làm PHCN phải sử dụng tất cả các nguyên lý về vận động và sinh học. Do đó, để lấy lại được các chức năng cho bệnh nhân, cần phải có những người hoạt động PHCN chuyên sâu. Vì nhiều bệnh nhân sau mổ, nếu không can thiệp PHCN ngay, thì công trình phẫu thuật coi như bị “xóa sổ”.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên, chỉ cần tập gập duỗi cho bệnh nhân cũng phải hiểu biết về giải phẫu, sinh lý, nguyên lý, chức năng. Nhất là PHCN ở BV hạng đặc biệt như Việt Đức thì PHCN càng phải chuyên sâu, vì hầu hết các bệnh nhân đều nặng. PHCN phải chuyên sâu mới biết được sau mổ, cần sử dụng biện pháp nào cho phù hợp với bệnh nhân, khi nào thì nghỉ ngơi, khi nào thì tập luyện, để không ảnh hưởng đến “công trình mổ” của các bác sĩ phẫu thuật, mà vẫn tránh được cứng khớp, teo cơ cho bệnh nhân, rồi trả lại chức năng sinh hoạt hàng ngày cho họ.
Sinh hoạt hàng ngày của mỗi bệnh nhân có ba phần: Chăm sóc bản thân - học tập, làm việc - vui chơi giải trí. Để bệnh nhân lấy lại tối đa các chức năng trên, PHCN đều phải can thiệp, trị liệu, giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt hằng ngày như đánh máy, cầm nắm, pha trà, buộc tóc, mặc được quần áo ...
Số bệnh nhân cần PHCN ngày càng nhiều
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên, ở nước ngoài, PHCN không chỉ can thiệp sau mổ, mà trước mổ cũng rất quan trọng, để hỗ trợ tâm lý và tạo nền tảng cơ bản về sức khỏe cho bệnh nhân: Với bệnh nhân phẫu thuật về phổi, tim mạch thì trước mổ, Khoa PHCN hướng dẫn cho bệnh nhân cách tập thở đúng, để mổ xong bệnh nhân có thể làm được ngay; bệnh nhân phẫu thuật nối chi hay mổ gân gấp ngón tay mà không tập PHCN ngay thì sẽ bị dính xương cơ và như vậy, ca mổ cũng không thể thành công hoàn hảo.
Với bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo thì trước phẫu thuật 3-6 tuần, phải được vật lý trị liệu, PHCN để đỡ sưng nề, đỡ đau và cải thiện vận động, thì lúc mổ, các cơ không bị co rút và các bác sĩ ngoại sẽ trả lại tầm vận động tối đa cho bệnh nhân. Khi mổ xong, bệnh nhân có thể đáp ứng ngay chương trình tập PHCN và thường, sau 3 tuần có thể trở lại bình thường.
Một vấn đề nữa rất quan trọng trong trị liệu PHCN là huấn luyện cho bệnh nhân lấy lại nhận thức và ngôn ngữ trị liệu. Bệnh nhân bị chấn thương sọ não hoặc bị tai biến mạch máu não, thậm chí bệnh nhân có mở khí quản, thường có rối loạn về ngôn ngữ hoặc rối loạn nuốt, như không thể nhớ tên của mình, nói ngọng hay là không nói ra được, thì ngôn ngữ trị liệu sẽ phục hồi cho bệnh nhân.
Bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ thường hay quên, nên việc mặc áo cũng phải tập luyện rất nhiều, vì họ không biết mặc bên nào trước, cởi bên nào trước trong hoàn cảnh bị liệt một bên; hay khi lên cầu thang cũng không biết đi lên chân nào trước, chân nào sau. PHCN phải can thiệp, hỗ trợ bệnh nhân “tìm lại mình”.
Đến nay, Khoa PHCN ở BV Việt Đức đã PHCN ở tất cả các mặt bệnh. Mọi vấn đề liên quan đến mất chức năng, Khoa đều cố gắng lấy lại tối đa.
BS Liên cho biết thêm, Ban Giám đốc BV Việt Đức hiểu rất rõ hiệu quả từ PHCN, nên hiện nay, tất cả các bệnh nhân sau mổ 24 tiếng đều được tiếp cận PHCN.
Chỉ sau hơn một năm thực hiện theo hướng chuyên sâu, Khoa PHCN đã điều trị thành công trên 100 bệnh nhân nặng. Kết quả điều trị được khẳng định nên bệnh nhân tại Khoa lúc nào cũng kín giường, trong khi nhu cầu của các bệnh nhân ở các khoa khác sau khi mổ xong vẫn lớn, khi thường có khoảng 150 - 200 bệnh nhân phẫu thuật từ sọ não đến tiêu hóa.
“Nhiều người tưởng tiêu hóa sau mổ không cần PHCN, nhưng mổ xong mà bệnh nhân tiêu hóa không được hướng dẫn tập thở, thì sẽ không cả dám ho. Mà ho là phản xạ bảo vệ để tống đờm dãi và dị vật trong cơ thể ra. Nếu không tống được thì chắc chắn sẽ viêm phổi lâu..”
PHCN cho bệnh nhân sau tai nạn giao thông
Công cụ chỉnh hình - điểm tựa cho nhiều bệnh nhân
Trở lại bệnh nhân Trần Văn Thi, dù hồi phục rất khá, nhưng vẫn không thể hất được bàn chân, nên đi là bị ngã. Vì thế, Khoa phải có dụng cụ chỉnh hình giúp nâng bàn chân lên, để bệnh nhân bước đi được.
Với những bệnh nhân mất chân, tay, hoặc những bệnh nhân bị yếu liệt chân dù tập luyện đến mấy cũng không thể đi lại được, đòi hỏi phải có các dụng cụ chỉnh hình hỗ trợ.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ: Hậu chấn thương nặng, bệnh nhân bị sa sút tinh thần trầm trọng. 100% số người không may bị mất tay, chân đều bị suy sụp, nhiều người trầm cảm nặng. Nhiều bệnh nhân mất chân, vẫn ngồi bật dậy là bước chân xuống giường, nên bị ngã, vì nghĩ vẫn còn chân, thậm chí, có người còn tưởng tượng ra có con muỗi đang đốt vào chân hay tay bị mất.
Do đó, cùng với điều trị thì vấn đề giúp bệnh nhân lấy lại tinh thần rất quan trọng. “Chúng tôi phải tư vấn cho bệnh nhân rằng các chuyên gia sẽ tạo hình lại mỏm cụt, để lắp chân tay giả dễ dàng, giúp bệnh nhân đi lại thuận tiện, để họ yên tâm và hợp tác điều trị.
PHCN giúp các bệnh nhân lấy lại các chức năng của cơ thể nhanh và hiệu quả
Trên thế giới, dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả rất phát triển và giờ đây, Việt Nam cũng vậy, khi không còn là những chân giả bằng gỗ với hình ảnh “vết chân tròn” các thương binh trước đây vẫn mang, mà có đủ loại cho bệnh nhân lựa chọn: Có loại chỉ cần thẩm mỹ như nhìn vào không biết chân giả; có loại tiện lợi về chức năng khi đi lại như người bình thường. Hay trước đây, tay giả chỉ là để thẩm mỹ, chứ chức năng sử dụng rất ít, thì nay, tay giả còn có thể cầm nắm, đưa lên đưa xuống được với các khớp tay gấp duỗi như bình thường.
Đặc biệt, giờ đây có sự hỗ trợ của công nghệ điện tử nên chân tay giả có thể cử động như thật. “Có người bị mất tay từ nhỏ, bao nhiêu năm trôi qua, nay được gắn tay giả cử động như tay thật đã òa khóc vì hạnh phúc” - Bác sĩ Liên kể lại.
Rào cản
Với vai trò quan trọng của PHCN trong chăm sóc sức khỏe, năm 2023 Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Nhưng hiện, do hiểu chưa đúng về ngành PHCN, nhiều người, kể cả trong ngành y, còn cho rằng PHCN chỉ là xoa bóp, bấm huyệt, nên trong bối cảnh nhân lực PHCN chuyên sâu còn thiếu, nhiều nơi còn sử dụng điều dưỡng để làm kỹ thuật viên PHCN.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên, không ở đâu trên thế giới, PHCN lại làm như vậy. Do đó, cần hiểu đúng về PHCN mới phát triển chuyên sâu được. Bên cạnh đó, việc điều trị bằng PHCN có những thủ thuật được thanh toán BHYT, còn có những thủ thuật không được thanh toán. Đây chính là một rào cản cho sự phát triển của chuyên ngành PHCN.