Phá hoại tài sản, trộm cắp vật tư đe dọa những công trình nghìn tỷ ở TP.HCM
Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, dân sinh ở TP.HCM liên tục bị kẻ gian lấy trộm thiết bị vật tư, phá hoại tài sản gây bức xúc dư luận.
Tại TP Thủ Đức (TP.HCM), từ đầu tháng 5/2023, hàng trăm tấm đan cống thoát nước dọc tuyến Xa lộ Hà Nội bị kẻ gian đập phá để lấy sắt bán phế liệu. Hành động này không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Theo Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội (đơn vị quản lý duy tu, bảo trì thường xuyên tuyến đường Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hợp đồng BOT được ký kết với UBND TP.HCM), có khoảng 300 tấm đan bị đập vỡ.
Những tấm đan kích thước 70x50cm và dày khoảng 7cm, có chức năng che đậy cống thoát nước để chắn rác, đã bị đập phá vỡ nát. Mỗi tấm giá trị khoảng 220.000 - 500.000 đồng tùy kích thước. Phía công ty phải chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa lại.
Để tránh thiệt hại do kẻ gian phá hoại tài sản, phía doanh nghiệp đã đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị, nhà dân cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Cụ thể, 1 tháng trước đó, tại công trình trọng điểm quốc gia, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành- Suối Tiên (metro số 1) cũng bị phá hoại. Khu vực depot Long Bình được đánh giá có ba lớp bảo vệ cùng hệ thống camera giám sát lắp đặt nhiều nơi nhưng vẫn bị kẻ gian qua mặt, đột nhập phá hoại tài sản. Trong đó, đoàn tàu số 3 đang đậu trong khu vực depot bị xịt sơn, vẽ bậy chằng chịt.
Tuyến metro số 1 còn xảy ra hiện tượng trộm cắp tài sản thiết bị đoạn trên cao từ khu vực nhà ga Thảo Điền đến nhà ga Bến Xe Suối Tiên. Các đối tượng đã cắt trộm cáp tiếp địa, tháo neo tà vẹt.... của nhà thầu đang thi công. Hầu hết những hạng mục vẫn đang trong quá trình triển khai dự án nên phía nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm khắc phục xử lý.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) nhận định tình trạng an ninh an toàn cho công tác thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đang diễn biến phức tạp, có thể gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Thành phố.
Do đó, MAUR đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức hỗ trợ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành- Suối Tiên).
Chết người vì trộm cắp lan can bảo vệ bờ sông
Hơn 1 năm trước (tối 9/5/2022), người dân sống trên đường TX33, phường Thạnh Xuân, quận 12 (TP.HCM) không khỏi bàng hoàng khi phát hiện và vớt hai thi thể (bé trai 6 tuổi và bé gái 4 tuổi) từ dưới kênh Sơ Sơ.
Ghi nhận thời điểm đó, đoạn kênh Sơ Sơ nơi phát hiện các nạn nhân đuối nước thuộc nhánh chảy từ sông Vàm Thuật. Sau cải tạo, dọc bờ kênh được bố trí lan can bảo vệ an toàn làm bằng kim loại với chiều cao khoảng 70 cm. Tuy nhiên, ngay vị trí đối diện nhà nạn nhân bị mất một đoạn lan can khoảng 2 mét đã tạo thành một khoảng hở 'tử thần'.
Phía chính quyền xác định nguyên nhân các đoạn lan can bị thiếu là do lúc xây dựng hay bị tháo trộm. Vì thế khiến hai em nhỏ vui chơi tại khu vực đã bị trượt chân xuống kênh.
Ngoài vị trí này, dọc bờ kênh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành rà soát, lắp đặt lại lan can để đảm bảo an toàn.
Cùng thời gian trên, dư luận cũng vô cùng bức xúc vì công trình cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) nối quận 1 và TP Thủ Đức vừa khánh thành chưa được bao lâu thì đã xảy ra sự việc 44 nắp chắn rác bằng gang trên mặt cầu bị kẻ gian cạy lấy.
Công an vào cuộc, bắt giữ nghi can và khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Thái (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) khai do không có việc làm ổn định, thiếu tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định trộm cắp.
Trong lúc đi trên cầu Thủ Thiêm 2, Thái nhìn thấy các nắp cống chắn rác của đường ống thoát nước trên cầu có thể bán kiếm tiền nên lợi dụng lúc đêm khuya vắng, gỡ và bán cho vựa ve chai được hơn 1 triệu đồng.
4 tháng sau, TAND quận 1, TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Thái 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản, buộc bồi thường 15,2 triệu đồng.
Ngoài nạn trộm cắp, người dân TP.HCM bức xúc trước hình ảnh cây cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son) bị bôi bẩn. Nhiều người rất vô ý thức, lên cầu chơi và vẽ bậy bạ, làm xấu xí cây cầu được xem là công trình biểu tượng thẩm mỹ đô thị.
Chủ đầu tư công trình đã lên phương án sử dụng 14 loại dung môi nhưng vẫn chưa tẩy xóa hết các nét vẽ bậy. Tại những vị trí như dây văng, trụ cầu, lối cầu thang bộ lên xuống từng bị bôi vẽ bậy chỉ được làm mờ và sơn đè lên lớp sơn mới trùng với màu sơn ban đầu.
Để ngăn chặn tình trạng này, Sở GTVT TP.HCM sau đó có văn bản đề xuất UBND TP các phương án chấn chỉnh, giám sát các công trình trọng điểm. Sở đề xuất lắp bổ sung camera ở những công trình quan trọng để tăng cường giám sát. Tại các công trình đặc biệt hoặc quy mô Iớn như cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, cầu Tân Thuận... sẽ sử dụng các loại sơn chuyên dụng nhằm hạn chế tình trạng vẽ bậy.
Đại công trình nghìn tỷ cũng không thoát khỏi nạn trộm cắp
Hồi cuối tháng 5/2022, Ban điều hành gói thầu J2 - dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cho biết, đường cáp điện chiếu sáng trên cầu Sông Chà (đoạn qua xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) bị mất cắp đến hơn 80%.
Chưa hết, gói thầu dự án này còn bị mất 57 tấm lưới chống chói lắp trên dải phân cách, 10 cột chống chói bị tháo dỡ, nắp chắn rác và hàng loạt trụ đèn chiếu sáng bị cạy phá, cắt dây cáp, dây điện...
Phía Ban điều hành gói thầu J2 cho biết, ước tính thiệt hại đến 11 tỷ đồng. Hiện, đơn vị đã báo lên chủ đầu tư, công an địa phương để có hướng xử lý.
Theo Ban điều hành gói thầu J2, nhà thầu đã thuê bảo vệ trực tại các vị trí lên xuống, ra vào tuyến cao tốc nhưng tình trạng mất trộm thiết bị vẫn xảy ra.