Phá rừng phòng hộ tại tỉnh Quảng Nam, 2 đối tượng bị bắt

Công an huyện Nam Giang bắt 2 đối tượng liên quan 2 vụ phá rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, trong đó có đối tượng phá rừng nghiến cổ thụ mà Báo Người Lao Động từng phản ánh.

Ngày 3-10, lãnh đạo Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang vừa tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Blúp Đạo (SN 1985; trú thôn Bến Giằng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản".

Bị can Blúp Đạo. Ảnh: Công an Quảng Nam

Bị can Blúp Đạo. Ảnh: Công an Quảng Nam

Theo điều tra, tháng 7-2024, Đạo đã có hành vi khai thác trái phép 8 cây gỗ thuộc Khoảnh 4, 8, Tiểu khu 314 Rừng phòng hộ Nam Giang thuộc thôn Bến Giằng, xã Cà Dy.

Trước đó, vào ngày 19-9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Luyện (SN 1970; trú thôn Pà Dá, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) vì có hành vi "vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản".

Bị can Nguyễn Văn Luyện. Ảnh: Công an Quảng Nam

Bị can Nguyễn Văn Luyện. Ảnh: Công an Quảng Nam

Đây là bị can liên quan đến vụ phá rừng nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại Tiểu khu 329, thôn Pà Dá, xã Cà Dy mà Báo Người Lao Động đã phản ánh trước đó.

Qua hai vụ án trên, Công an huyện Nam Giang yêu cầu nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Không thực hiện và tiếp tay cho các đối tượng thực hiện các hành vi khai thác rừng trái pháp luật.

Nhân dân cùng chung tay với các cơ quan chức năng nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng nói riêng bằng những hành động thiết thực nhất như: không săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng; không khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng; không xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng; không chặt, phá, khai thác, lấn chiếm rừng; không đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng…

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/pha-rung-phong-ho-tai-tinh-quang-nam-2-doi-tuong-bi-bat-196241003113018484.htm