Phải bắt tay hành động
Điện Elyseé thông báo, hội nghị tài trợ quốc tế do Pháp và Liên hiệp quốc đồng chủ trì đã quyên góp được 370 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp cho Lebanon, vượt mục tiêu ban đầu là 350 triệu USD.
Hội nghị tài trợ quốc tế diễn ra nhân dịp tưởng niệm 1 năm vụ nổ kinh hoàng làm sụp đổ một phần thủ đô Beirut với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi và Tổng thống Lebanon Michel Aoun cùng đại diện của 40 quốc gia và tổ chức đa phương.
Đây là hội nghị tài trợ quốc tế thứ 3 dành cho Lebanon do Pháp tổ chức trong những năm gần đây. Dù hội nghị nào cũng nhận được hàng triệu USD song các nhà tài trợ đều đặt điều kiện cho một kế hoạch hỗ trợ lớn hơn, với yêu cầu các chính trị gia Lebanon thành lập được một chính phủ cam kết cải cách, giải quyết vấn nạn tham nhũng. Tuy nhiên, trong cả năm 2020, một năm sau vụ nổ tại cảng Beirut khiến ít nhất 214 người thiệt mạng và đẩy nền kinh tế vốn trì trệ của quốc gia Trung Đông này đến gần hơn bờ vực sụp đổ, Lebanon vẫn tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6-2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tại Lebanon là một trong 10 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.
Theo báo New York Times, kể từ mùa thu năm 2019, đồng bảng Lebanon đã mất 90% giá trị và lạm phát trong năm 2020 là 84,9%, giá hàng hóa tiêu dùng tăng gần gấp 4 lần. GDP của Lebanon đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020.
Trong bối cảnh lạm phát ngày một leo thang, đồng nội tệ mất giá thảm hại, nền kinh tế gần chạm đáy và đất nước vẫn chưa có chính phủ mới, để nhận được gói giải cứu tài chính trên, Beirut cần phải tiến hành các cuộc cải cách thật mạnh mẽ. Nhưng đến nay, tiến trình điều tra thảm họa vẫn chưa có kết quả, không một quan chức cấp cao nào ở Lebanon có trách nhiệm giải trình.
Tỷ phú tài phiệt viễn thông Najib Mikati, người từng 2 lần giữ chức thủ tướng, hiện là chính trị gia thứ ba đang trầy trật nỗ lực thành lập chính phủ kể từ khi nội các cuối cùng từ chức sau vụ nổ. Trừ khi Lebanon bắt tay hành động, nếu không, cuộc khủng hoảng ở đất nước này vẫn sẽ là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, như WB nhận định.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phai-bat-tay-hanh-dong-752024.html