Phải có cơ chế để đảm bảo tính khách quan khi công an xã xác minh tin báo tội phạm

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho rằng, lực lượng công an xã rất gần dân, có nhiều mối quan hệ trong nhân dân. Bởi vậy, việc giải quyết tin báo cần phải có cơ chế để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Giảm tải công việc cho công an cấp huyện, cấp tỉnh

Từ ngày 1/12/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự chính thức có hiệu lực, trong đó có việc tăng quyền hạn cho công an xã. Cụ thể là bổ sung quy định, giao trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã. Đây là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm của dư luận xã hội.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi tăng thẩm quyền cho công an xã trong vấn đề xác minh tin báo là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.

Vị chuyên gia pháp lý phân tích: “Vấn đề tội phạm vẫn là vấn đề lớn trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh cũng như trong bối cảnh hợp tác kinh tế quốc tế, phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thẩm quyền xác minh tin báo tố giác tội phạm thuộc về cơ quan điều tra Công an cấp huyện trở lên. Công an xã không có thẩm quyền xác minh tin báo. Quy định như vậy dẫn đến việc quá tải của các cơ quan điều tra trong việc xác minh tin báo, giải quyết tố giác tội phạm”.

Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường.

Thêm vào đó, theo Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, lực lượng công an xã đã được kiện toàn, được bố trí lực lượng chính quy, tinh nhuệ, có trình độ, bản lĩnh, có kinh nghiệm trong việc điều tra phá án. Bởi vậy, việc tăng thẩm quyền xác minh tin báo cho công an xã là phù hợp, để giảm tải công việc cho công an cấp huyện, cấp tỉnh. Với lực lượng như hiện nay, những vụ việc đơn giản thì công an xã hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện để xác minh tin báo, làm rõ các thông tin bước đầu, làm cơ sở để khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo khách quan, công bằng

Để việc thực thi quy định có hiệu quả, luật sư Cường cũng nhìn nhận thêm: Khi đưa vào tổ chức thực hiện quy định này thì cần phải kiểm tra, kiểm soát đối với từng cơ sở, địa phương. Phân công các vụ việc cụ thể, phù hợp với năng lực trình độ, điều kiện vật chất kĩ thuật và phù hợp với lực lượng của công an xã đối với từng địa phương. Cần phải cân đối khối lượng công việc, số lượng nhân lực, trình độ nghiệp vụ vào việc bố trí phương tiện vật chất kĩ thuật cho phù hợp để đảm bảo công an xã hoàn thành nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với công an huyện trong việc xác minh tin báo giải quyết đơn thư tố giác tội phạm.

“Cùng với việc tăng thẩm quyền cho công an xã thì cũng cần tính toán bổ sung nhân lực, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ nghiệp vụ, trang bị phương tiện vật chất kĩ thuật phải có sự phối hợp giám sát, để lực lượng công an xã hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh phòng và chống tội phạm ở giai đoạn đầu, là giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm”, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường nói.

Ảnh minh họa.

Vị Tiến sĩ luật nhấn mạnh: Cũng cần lưu ý là xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm là làm rõ các vấn đề có dấu hiệu tội phạm, làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Công an xã không có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự. Bởi vậy, khi vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì công an xã có trách nhiệm phải chuyển hồ sơ đến công an huyện để xem xét khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các hồ sơ xác minh tin báo mà không khởi tố vụ án hình sự thì cũng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện để tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.

“Lực lượng công an xã rất gần dân, có nhiều mối quan hệ trong nhân dân. Bởi vậy, việc giải quyết tin báo cần phải có cơ chế để đảm bảo tính khách quan, đảm bảo công bằng, tránh việc vì nể nang họ hàng, làng xóm mà bỏ lọt tội phạm hoặc vì tư thù mà lợi dụng chức vụ quyền hạn để trù dập người khác. Việc xác minh giải quyết tin báo tố giác tội phạm đòi hỏi tính khách quan, trình độ nghiệp vụ và đạo đức của người thi hành công vụ. Để đảm bảo các yêu tố này thì cần phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và đạo đức của cán bộ thì mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, vị chuyên gia pháp lý nhấn mạnh.

Về vấn đề này, một cán bộ công tác tại Bộ Công an cũng cho biết, mới đây, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu thủ trưởng công an các địa phương cần khẩn trương có kế hoạch để tiếp tục lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của công an cấp xã.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương cần phải tổ chức tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ để lực lượng công an cấp xã nắm vững và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn công tác. Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra hoạt động tiếp nhận, xử lý ban đầu tin báo, tố giác tội phạm của công an cấp xã…

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-co-co-che-de-dam-bao-tinh-khach-quan-khi-cong-an-xa-xac-minh-tin-bao-toi-pham-post169796.html