Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, vững mạnh

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá. Trong Di chúc, Người khẳng định 'Đảng ta là Đảng cầm quyền'. Theo Bác, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Tranh cổ động: PHAN VĂN GÁI

Tranh cổ động: PHAN VĂN GÁI

50 năm đã qua nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước lúc Người đi xa không chỉ là những lời căn dặn chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, mà đã trở thành một một tài sản vô cùng quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Di chúc là sự kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất" của Việt Nam, một vĩ nhân trọn đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân như Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Từ thực tiễn cách mạng hiện nay cho thấy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một cương lĩnh hành động của Đảng. Di chúc đã đặt ra những vấn đề lớn lao, những vấn đề chiến lược của cách mạng. Đồng thời đề cập những vấn đề thực tiễn được đúc kết có giá trị lý luận lớn. Trong nội dung cốt lõi của Di chúc, Bác dành nhiều tâm huyết để nói về Đảng cầm quyền. Di chúc của Người là sự chăm lo đối với sứ mệnh của Đảng.

Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của một chính Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do; hạnh phúc cho dân tộc, năm 1925, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc khi về Quảng Châu - Trung Quốc hoạt động đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội. Tờ báo có vai trò rất lớn trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, giáo dục ý thức giai cấp, lý tưởng cộng sản cho cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động. Trong những bài giảng cho lớp cán bộ đầu tiên của Đảng, Bác Hồ đã khẳng định: "Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy". Năm 1947, Bác Hồ tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Đảng, chăm lo việc giáo dục, rèn luyện đảng viên: "Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đó đã có kết quả vẻ vang. Nhưng nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các chi bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng ta mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công".

Quan tâm đến công tác chăm lo xây dựng Đảng như vậy, cho nên một tư tưởng lớn trong Di chúc là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Để đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Vì lẽ đó, theo Người: Ngay sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Bác nhấn mạnh ba vấn đề là những phẩm chất đặc biệt của một Đảng chân chính cách mạng: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình lý luận về xây dựng Đảng và củng cố Đảng cầm quyền. Suốt 50 năm qua, nhất là từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng không ngừng chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội XII của Đảng đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vượt lên nhiều gian khó và thách thức, Đảng ta đã đưa đất nước lên tầm cao mới, vị thế mới trên trường quốc tế. Trải qua chặng đường hơn ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây cũng là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Đảng ta khách quan nhìn nhận công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. Phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực: chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế, chính sách; kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.

Sau gần 3 năm quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW được triển khai rộng rãi. Những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo nền tảng thuận lợi để Đảng lãnh đạo thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần giải quyết nhiều vụ, việc nổi cộm, phức tạp ở nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề ra yêu cầu: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị”, “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân...”. Để tiếp tục chăm lo nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy và tổ chức Đảng và đảng viên cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Coi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một biện pháp cấp bách, trước mắt, vừa cơ bản, vừa lâu dài. Tăng cường nhận diện, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào các hội nghị sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên đề, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và tổ chức. Bên cạnh đó, phải tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng của đảng viên góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với Đảng.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng nhận thức sâu sắc việc xây dựng, giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh là quyết định sự tồn vong, tương lai của đất nước!

ĐAN THANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/201908/ky-niem-50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-phai-giu-gin-dang-ta-that-trong-sach-vung-manh-2960218/