Phải khó tính hơn để nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) thành phố vào ngày 3-12. Với những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua cũng như đặt nhiệm vụ chuyên nghiệp hóa cho công tác quản lý ATTP, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban thêm 3 năm.

Ông Lê Trung Chinh: "Người tiêu dùng thực phẩm phải hiểu biết và khó tính hơn nữa, người mua không dễ dãi thì người bán khó gian dối".

Ông Lê Trung Chinh: "Người tiêu dùng thực phẩm phải hiểu biết và khó tính hơn nữa, người mua không dễ dãi thì người bán khó gian dối".

Mô hình đột phá về quản lý ATTP

BQLATTP thành phố Đà Nẵng được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2018 theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ quan trực thuộc UBND thành phố, có chức năng thực thi pháp luật, có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về ATTP trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng BQLATTP TP Đà Nẵng, dấu ấn đậm nét kể từ khi Ban thành lập và đi vào hoạt động là cải thiện chất lượng thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các chợ. Thành phố có 70 chợ, gồm có 66 chợ dân sinh và 2 chợ tạm, 2 chợ đầu mối nông sản, thủy sản. Đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện triển khai xây dựng các chợ đạt chuẩn về ATTP. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có 8 chợ đạt được các tiêu chí về chợ ATTP. Cạnh đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp thông tin đến người tiêu dùng những doanh nghiệp cam kết thực hiện tốt các quy định cũng như khuyến khích việc xây dựng thương hiệu thông qua việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn.

Đến nay, đã có 28 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia cam kết cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn, 36 sản phẩm rau, thịt, thủy sản và các loại thực phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. "Khi các doanh nghiệp đăng ký, cơ quan chức năng sẽ thẩm định và chứng nhận đồng thời có chế độ hậu kiểm thường xuyên. Danh sách được công bố rộng rãi để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn, sử dụng và đánh giá. Càng có nhiều đơn vị thực hiện việc này thì người dân càng yên tâm hơn khi biết các thông số, đặc biệt là xuất xứ, thời hạn sử dụng của thực phẩm. Khi cần thiết có thể truy xuất dễ dàng", ông Hải cho hay.

Trong 2 năm 2018 và 2019, Ban Quản lý ATTP đã kiểm tra cấp giấy chứng nhận cho 5.089/5.122 cơ sở, đạt tỷ lệ 99,35% cơ sở được phân cấp quản lý. Phần lớn thực phẩm tiêu thụ tại thành phố đều nhập từ các địa phương khác nên Ban đã tổ chức ký kết hợp tác giám sát, kiểm soát bảo đảm an toàn để nâng cao trách nhiệm của nhà cung cấp đối với người tiêu dùng.

Lực lượng chuyên môn của Ban Quản lý ATTP kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh thực phẩm tại các chợ.

Lực lượng chuyên môn của Ban Quản lý ATTP kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh thực phẩm tại các chợ.

Cơ quan quản lý phải khắt khe hơn, người dân cần khó tính hơn

Kể từ khi được thành lập, bên cạnh công tác tuyên truyền, BQLATTP TP Đà Nẵng đã đẩy mạnh việc thanh tra chuyên ngành tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nhu cầu thiết yếu của người dân như nước uống đóng chai, nước đá, phụ gia thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, thủy sản và các sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả...

Mặc dù vậy, trong thời gian thí điểm này, công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay luật, nghị định chưa quy định Ban Quản lý ATTP tham gia xử phạt vi phạm hành chính nên việc thực thi pháp luật bị hạn chế. Theo ông Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, mô hình tập trung đầu mối về quản lý ATTP mới triển khai ở cấp thành phố, đối với cấp quận/huyện vẫn thực hiện phân công quản lý ATTP theo 3 ngành với nguồn nhân lực mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm nên việc kết nối quản lý theo hệ thống từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã còn bất cập. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu đã được thành lập nhưng gần như chưa có hoạt động nào thiết thực theo chuyên môn được phân công.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đánh giá, việc áp dụng mô hình một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm quản lý ATTP đã tạo được sức mạnh tổng hợp, gia tăng hiệu lực giảm thiểu các rào cản trong công tác phối hợp và giảm chồng chéo về trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; bớt gây phiền hà cho các tổ chức và công dân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Thành phố đã có những kết quả bước đầu trong việc đảm bảo, chăm sóc sức khỏe của người dân từ mâm cơm gia đình đến quán ăn, nhà hàng, khách sạn.

Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho rằng, thỉnh thoảng thành phố xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, phát hiện những vụ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng cho thấy người dân sẽ vẫn còn mối lo lắng cho bữa ăn. Thực tế cho thấy vẫn còn hiện tượng chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh coi trọng lợi ích mà bán hàng kém chất lượng, một bộ phận người dân vẫn còn xuề xòa, dễ dãi trong sử dụng thực phẩm, cơ quan quản lý đôi lúc còn thiếu quyết liệt, phối hợp không đều tay. "Đã thành lập BQLATTP với việc có đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm thì phải làm sao để người kinh doanh không thể gian dối vì lợi nhuận, cơ quan chuyên môn phải tham mưu sâu sát, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm khắc. Đặc biệt, người tiêu dùng phải hiểu biết và khó tính hơn nữa, người mua không dễ dãi thì người bán khó gian dối. Cả 3 nhân tố thực hiện tốt việc của mình thì khi đó bữa ăn mới sạch, mới an toàn được", ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Công Khanh

Ông Lê Trung Chinh: "Người tiêu dùng thực phẩm phải hiểu biết và khó tính hơn nữa, người mua không dễ dãi thì người bán khó gian dối".

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_235487_phai-kho-tinh-hon-de-nang-cao-chat-luong-bua-an-cu.aspx