Phải nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh thẳng thắn chỉ rõ là do một số thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký có trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa chịu khó nghiên cứu, cập nhật pháp luật kịp thời nên chất lượng và hiệu quả xử án chưa cao.

Phải nâng cao chất lượng giải qu

 Một phiên xét xử tại TAND huyện Hàm Thuận Bắc.

Một phiên xét xử tại TAND huyện Hàm Thuận Bắc.

Thời gian qua, TAND hai cấp trong tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án, qua đó, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế mà TAND hai cấp trong tỉnh cần khắc phục trong thời gian tới. Nhất là số án bị hủy, bị sửa do nguyên nhân chủ quan còn xảy ra nhiều.

6 tháng đầu năm 2020, TAND hai cấp trong tỉnh đã giải quyết 3.738/6.424 vụ, việc đã thụ lý các loại, đạt tỷ lệ 58,2%, tăng 620 vụ, việc, tăng so với cùng kỳ 2019. Trong đó, án hình sự đã giải quyết 494 vụ/663 vụ; về án dân sự đã giải quyết 3.217/5.588 vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 57,7%. Theo TAND tỉnh, mặc dù số án được thụ lý trong 6 tháng đầu năm nay tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (tăng hơn 1.000 vụ), nhưng TAND hai cấp trong tỉnh đã nỗ lực giải quyết (bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 6,7 vụ/tháng), nhờ vậy số án được giải quyết cũng tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, đến nay không có trường hợp án tuyên không rõ ràng dẫn đến khó thi hành án; chưa phát hiện có án oan sai. TAND 2 cấp trong tỉnh cũng đã tổ chức 28 phiên tòa rút kinh nghiệm; công khai 1.028 bản án thuộc diện phải công bố trên cổng thông tin điện tử của TAND…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong công tác xét xử tại TAND hai cấp trong tỉnh. Theo đánh giá, 6 tháng qua, tỷ lệ giải quyết các loại vụ, việc dân sự, hành chính nhìn chung còn thấp, chỉ đạt tỷ lệ 57,7%. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc giải quyết án của tòa án các cấp. Trong khi đó, tình trạng án quá hạn luật định chưa được khắc phục. Theo TAND tỉnh, do nhiều vụ án có tính chất phức tạp, khó khăn trong thu thập tài liệu, chứng cứ; người bị kiện được tòa án triệu tập nhiều lần để tham gia tố tụng nhưng đều vắng mặt dẫn đến thời gian tố tụng kéo dài. Do vậy, trong 6 tháng tại TAND hai cấp tỉnh còn để 14 vụ án quá hạn luật định, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, một trong những hạn chế khác cần khắc phục trong công tác xét xử tại tỉnh thời gian tới là tình trạng án bị hủy, bị sửa do nguyên nhân chủ quan còn khá nhiều, vượt quá tỷ lệ khống chế của TAND tối cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này cũng được TAND tỉnh thẳng thắn chỉ rõ là do một số thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký có trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa chịu khó nghiên cứu, cập nhật pháp luật kịp thời nên chất lượng và hiệu quả xử án chưa cao.

Do đó, để khắc phục điều này trong thời gian tới, TAND tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện cuộc vận động “nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử. Bám sát nghị quyết của Ban Cán sự Đảng TAND tối cao, chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm để triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và công khai bản án…

6 tháng đầu năm, tổng số án bị hủy là 25,5 vụ, chiếm tỷ lệ 0,68%; tổng số án bị sửa là 49 vụ, chiếm tỷ lệ 1,31%. Trong đó, án bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 21,5 vụ; chiếm tỷ lệ 0,58%. Án bị sửa do nguyên nhân chủ quan là 22 vụ. So với cùng kỳ năm 2019, án bị hủy tăng 8,5 vụ; án bị sửa tăng 10 vụ.

Đình Nhượng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/phai-nang-cao-chat-luong-giai-quyet-xet-xu-cac-vu-an-128301.html