Phân biệt chủng tộc dưới góc nhìn của một giáo sư người Việt ở Mỹ
Vụ công dân Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết đã và đang thổi bùng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.
Mấy ngày nay cả nước Mỹ đang chìm trong biểu tình và hỗn loạn vì một sự kiện liên quan đến phân biệt chủng tộc. Sự việc bắt đầu từ một người đàn ông da đen nghi dùng tiền giả mua đồ và bị cảnh sát bắt giữ. Một viên cảnh sát da trắng sau đó đã dùng vũ lực quá mức, đè đầu gối lên cổ người da đen cho tới khi anh này tắc thở và chết.
Vấn đề phân biệt đối xử nói chung và mối quan hệ giữa người da trắng đối với người da đen nói riêng vốn có nguồn gốc lịch sử lâu dài, đã và đang được xóa bỏ mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, nhưng sự việc trên lại thổi bùng lên vấn đề nhức nhối này. Phân biệt đối xử giữa con người với nhau liệu có thể xóa bỏ được tận gốc hay không, và nếu có thì làm thế nào để đạt được điều này?
Phân biệt đối xử nói chung xảy ra khi có sự so sánh, phân chia cao – thấp, thắng – thua, và người ở vị trí thấp kém sẽ nhận được ít sự ưu đãi và nhiều sự thua thiệt so với người ở vị trí cao hơn. Phân biệt đối xử là bình thường trong mọi xã hội nếu dựa trên những khía cạnh có thể thay đổi được như khả năng, kinh nghiệm, hay sự cố gắng, nỗ lực. Ví dụ, người có khả năng và nỗ lực cao hơn thì sẽ nhận được kết quả và phần thưởng tốt hơn người kém khả năng và ít nỗ lực. Tuy nhiên, phân biệt đối xử sẽ trở thành vấn đề vi phạm nhân quyền nếu dựa trên một số đặc điểm cố định sẵn có từ khi một người được sinh ra như chủng tộc, nguồn gốc, giới tính, hay tuổi tác.
Lịch sử phân biệt chủng tộc trên đất nước Mỹ bắt đầu từ thời mua bán nô lệ da đen cách đây khoảng 400 năm. Người da đen đã bị đối xử vô cùng tồi tệ trong suốt thời gian dài cho tới tận năm 1964 khi Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act) được thông qua. Đạo luật này nghiêm cấm tất cả mọi sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính, hay tuổi tác. Kể từ khi có đạo luật này, Mỹ đã có một sự tiến bộ vượt bậc về vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử.
Mọi người về cơ bản có cơ hội bình đẳng như nhau trong cuộc sống, công việc, và học hành. Barack Obama, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, là một minh chứng điển hình cho sự tiến bộ này. Nếu một tổ chức mà phân biệt đối xử với người lao động dựa trên những đặc điểm được bảo vệ bởi pháp luật thì sẽ bị trừng phạt rất nặng, có thể lên tới nhiều triệu đô-la.
Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử trong xã hội vẫn diễn ra, có thể ẩn ngầm và không nhìn rõ được, bởi con người vẫn thường hay so sánh giữa những nhóm người với nhau. Người da đen với lịch sử khó khăn của mình vẫn là nhóm người yếu thế trong con mắt của nhiều người khác. Tỷ lệ thất học, đói nghèo và tội phạm trong cộng đồng người da đen luôn cao hơn so với các nhóm người khác. Vòng luẩn quẩn của thất học – đói nghèo – tội phạm và do đó bị phân biệt đối xử vẫn đeo bám với rất nhiều người da đen.
Do có những định kiến trong xã hội đối với mình, người da đen thường bị nhắm vào nhiều hơn trong các vụ bắt giữ của cảnh sát và cũng thường bị kết án nặng hơn so với các nhóm người khác. Người da đen cũng thường bị từ chối hơn trong quá trình tuyển dụng xin việc. Vì phân biệt đối xử nhiều khi không rõ ràng, không có bằng chứng cụ thể nên pháp luật cũng không thể thực thi và bảo vệ được họ trong những trường hợp này. Thậm chí, đôi khi người thực thi pháp luật cũng lại chính là người phân biệt đối xử.
Với cá nhân là một người châu Á thiểu số sống ở nước Mỹ, tôi cũng đã có một vài lần thấy bị phân biệt đối xử bởi vì mình là người gốc nước ngoài. Ví dụ có một số người coi thường vì mình có giọng nói tiếng Anh không rõ ràng và trôi chảy như người bản xứ. Ở Việt Nam, một người nước ngoài nói được một chút tiếng Việt thì được mọi người trầm trồ thán phục. Nhưng một người nước ngoài ở Mỹ nếu có giọng nói tiếng Anh không được chuẩn như người bản xứ thì có thể sẽ bị xem thường. Sự coi thường này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của một số người Mỹ, khi họ đòi hỏi người đang dùng ngôn ngữ thứ hai cũng phải nói hay như người đang dùng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Người nhập cư vào Mỹ với ngôn ngữ tiếng Anh không tốt cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. Nếu không học tập thêm để lấy bằng cấp và cải tiến tiếng Anh thì thường phải làm những công việc chân tay với lương tương đối thấp. Sự hòa nhập với văn hóa và xã hội cũng không được tốt, do đó cảm thấy mình chỉ là công dân hạng hai. Với cộng đồng người châu Á vì có truyền thống chăm chỉ và ham học hỏi, nên thông thường vượt qua được những thách thức và khó khăn này. Về tổng thu nhập bình quân hàng năm tính theo hộ gia đình, cộng đồng người châu Á luôn đứng đầu nước Mỹ so với tất cả các nhóm người khác.
Ngoài trải nghiệm qua một vài lần bị phân biệt đối xử của mình, xã hội Mỹ nhìn chung với tôi là văn minh, hiểu biết, bình đẳng và công bằng. Tôi đã sống nhiều năm ở một bang miền nam, nơi có rất nhiều người Mỹ da đen. Đa số họ đều là những người hiền hậu và tốt bụng. Tôi cũng từng sống nhiều năm ở một bang miền bắc, nơi số đông là người Mỹ da trắng. Họ về cơ bản là những người thẳng thắn, lịch sự, và quan tâm giúp đỡ mọi người. Và ở đâu tôi cũng có nhiều bạn bè là người Việt Nam và châu Á. Đa số đều là những người chịu thương, chịu khó, yêu cuộc sống bình yên, ổn định, nhẹ nhàng.
Mỗi người được sinh ra với những đặc điểm cố định và riêng biệt, không ai giống ai. Mỗi người đều có một giá trị vô giá như nhau, không ai cao hơn mình về giá trị cả. Mỗi người đều có quyền bình đẳng và tự do cá nhân giống nhau. Nhận thức này là nền tảng của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chỉ khi bản thân mình nhìn ra và thấu hiểu được những điều này thì mình mới tôn trọng được tất cả và thoát ra khỏi được sự so sánh dựa trên những đặc tính vốn có ngay từ lúc sinh ra của mỗi người. Và chỉ khi không còn so sánh nữa thì sự phân biệt đối xử mới biến mất.
Bản thân tôi không thấy có vấn đề gì về phân biệt đối xử, bởi trong lòng mình không phân biệt đối xử với bất kỳ ai. Người da trắng hay người da đen, người gốc nước ngoài hay người bản xứ, trẻ em hay người già, đàn bà hay đàn ông, đều cần được tôn trọng ở mức cao nhất vì tất cả chúng ta đều là những cá nhân có giá trị và quyền bình đẳng như nhau. Người nào mà đang phân biệt đối xử với một ai đó là người cần phải ý thức được điều này để từ đó thay đổi nhận thức và hành động của chính mình.
Khi mình không còn so sánh với ai thì sẽ chẳng ai so sánh lại với mình, và khi mình không còn kỳ thị ai thì chẳng ai kỳ thị lại mình. Khi từng cá nhân trong xã hội thấu hiểu và làm được điều này thì xã hội sẽ không còn phân biệt đối xử. Nó dường như là một điều rất đỗi giản đơn, nhưng lại vô cùng quan trọng để giúp cho mỗi người chúng ta thoát ra khỏi sự phân biệt đối xử với nhau.
GS.TS Nguyễn Quang Vịnh(Đại học Coe College, bang Iowa)