Phân bổ hơn 16.332 lít hóa chất sát trùng thực hiện 'Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm'

Theo Kế hoạch số 185/KH-UBND, ngày 30/8/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa, 'Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm' trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2024 diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024. Cùng với đó, thời điểm này do ảnh hưởng của mưa, bão nên môi trường chăn nuôi bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm một số mầm bệnh nguy hiểm gây bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dại, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng...

Huyện Hoằng Hóa tổ chức tiêu độc, khử trùng tại khu vực chợ Bút Sơn.

Huyện Hoằng Hóa tổ chức tiêu độc, khử trùng tại khu vực chợ Bút Sơn.

Để ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm, các địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã phân bổ và cấp phát 16.332 lít hóa chất sát trùng, 2.790 chiếc khẩu trang, 2.790 đôi găng tay cao su, 2.790 bộ quần áo bảo hộ và 2.790 đôi ủng cao su cao cổ cho các địa phương để tiến hành vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các chợ buôn bán, giết mổ, tập kết, thu gom gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu vực biên giới ít nhất 1 lần/tuần.

Đồng thời, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị bắt giữ. Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực nhốt, giữ động vật ngay sau mỗi đợt tiêu hủy; phân, rác thải phải được xử lý chôn hoặc đốt.

Cùng với đó, các địa phương cần phân bổ hóa chất, hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm; tổ chức các đội thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, bãi chăn thả, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật, khu vực nguy cơ cao dịch bệnh... 1 lần/tuần; việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như: quét dọn, cọ, rửa sạch.

Lê Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phan-bo-hon-16-332-lit-hoa-chat-sat-trung-thuc-hien-thang-tong-ve-sinh-khu-trung-tieu-doc-moi-truong-phong-chong-dich-benh-gia-suc-gia-cam-226433.htm