PHÂN BỔ TIỀN PHẠT ĐỂ TĂNG NĂNG LỰC CHO LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG

Một trong những nội dung đáng lưu ý trong Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc cho ý kiến lần thứ nhất vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, đây là lĩnh vực khó do phạm vi và đối tượng điều chỉnh cũng như chủ thể có thẩm quyền xử phạt hành chính rất rộng, trải trên hầu khắp các lĩnh vực. Quy định như thế nào để Luật Xử lý vi phạm hành chính mang tính khả thi cao, có tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, kỷ cương trên các lĩnh vực quản lý nhà nước là điều không đơn giản.

Chúng tôi cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Luật Xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống, các hành vi vi phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, không phạt oan và không bỏ lọt hành vi vi phạm là phải đầu tư nhiều hơn để nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng có liên quan. Trong điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) còn khó khăn, việc tìm nguồn đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng chấp pháp trong xử lý vi phạm hành chính cũng không dễ. Vì thế, khả thi nhất là cần có cơ chế phân bổ lại một phần tiền thu từ xử phạt hành chính cho lực lượng chức năng hữu quan nâng cao năng lực quản lý, chấp pháp.

 Ảnh minh họa/ TTXVN.

Ảnh minh họa/ TTXVN.

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật NSNN hiện hành, tiền thu từ xử phạt hành chính phải nộp toàn bộ vào NSNN và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về NSNN. Thực tế, thời gian qua, mọi khoản tiền thu được từ xử phạt hành chính đều được nộp toàn bộ vào NSNN theo đúng quy định. Khi phân bổ ngân sách Trung ương theo thẩm quyền, Quốc hội đã phân bổ 70% số thu từ xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông cho ngân sách địa phương và 30% cho Bộ Công an để thực hiện mua sắm tập trung một số phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ phục vụ công tác của lực lượng cảnh sát giao thông, đồng thời điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Theo chúng tôi, đây là sự phân bổ rất hợp lý để tăng cường năng lực cho lực lượng chức năng và đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Từ thực tế đó, có lẽ, đã đến lúc, chúng ta cần có quy định thống nhất về mức phân bổ 30% số tiền thu được từ xử phạt hành chính để đầu tư nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng ở lĩnh vực đó. Khi năng lực được nâng lên, trang thiết bị phục vụ công tác được đầu tư tốt hơn, hiệu quả quản lý cũng theo đó được cải thiện hơn, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm dẫn tới hiện tượng "nhờn luật" như vẫn đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực hiện nay. Ngoài ra, làm như vậy cũng góp phần làm giảm tiêu cực trong xử phạt hành chính, nhất là sự móc ngoặc giữa chủ thể có quyền và đối tượng vi phạm.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phan-bo-tien-phat-de-tang-nang-luc-cho-luc-luong-chuc-nang-609788