Phân cấp, phân quyền chưa mạnh, tạo cơ chế xin-cho
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cho rằng: 'Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh'. Điều này đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đồng thời tạo cơ chế 'xin-cho'.
Chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều Nghị quyết nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp Đổi mới nói riêng đã lập nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu.
Tuy nhiên, trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Điều này đã cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, đồng thời tạo cơ chế "xin-cho".
Đất nước đang đứng trước kỷ nguyên mới, với những thách thức mới, yêu cầu mới để thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 thì vấn đề đặt ra là cần phân cấp, phân quyền như thế nào, để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh, thành phố, nhân tố để quyết định sự ổn định phát triển kinh tế xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, PV VOV trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long để làm rõ hơn.
PV: Thưa Thứ trưởng Trương Hải Long, từ năm 2016 đến nay, thể chế về phân cấp, phân quyền được quan tâm hoàn thiện nhiều hơn với các đạo luật quan trọng như Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 cùng các Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực này. Từ thực tế thời gian vừa qua, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện đổi mới này?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Phân cấp, phân quyền là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nó được triển khai gắn liền với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đặc biệt, được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện cùng với quá trình cải cách hành chính và tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Thể chế về phân cấp, phân quyền cũng từng bước được hoàn thiện. Hiến pháp năm 2013 đã tạo dấu ấn quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương về phân cấp, phân quyền. Theo đó, đã hiến định được những tinh thần cơ bản nhất về phân cấp, phân quyền. Ví như, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nhà nước thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. Các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và được sửa đổi 2019. Hoặc Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và cũng được sửa đổi, bổ sung 2019 đã quy định những nội dung cơ bản về phân cấp, phân quyền.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng đã quy định những nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Có thể nói rằng, thời gian vừa qua, chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được các cơ quan quán triệt sâu sắc. Điều này đã được thể hiện thông qua số lượng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân cấp, phân quyền ngày càng nhiều. Và nội dung về phân cấp, phân quyền được xem xét, đánh giá trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.
PV: Thực tế phân cấp, phân quyền đã mang lại những lợi ích rất là rõ ràng cho địa phương. Thế nhưng, không phải là địa phương nào cũng chủ động và kịp thời có những quyết sách và hành động quyết liệt tạo nên những chuyển biến trong diện mạo phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đã từng có địa phương 1 năm có tới gần 600 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực tế này nói lên điều gì thưa ông?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Phải khẳng định là có những địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong việc triển khai các nhiệm vụ đã được phân cấp, phân quyền. Nhiều địa phương còn e ngại, né tránh trách nhiệm và chờ văn bản xin ý kiến cấp trên trước khi quyết định.
Việc này kéo dài thời gian giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, cũng phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện, việc xin ý kiến của cơ quan cấp trên trước khi triển khai thực hiện phải tính đến những vướng mắc, phát sinh không tránh khỏi trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật đặt ra mà địa phương phải hỏi. Bởi lẽ, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn đang trong quá trình từng bước được hoàn thiện. Trong khi, thực tiễn diễn ra rất đa dạng, phát sinh nhiều vấn đề chưa dự liệu trước được trong pháp luật hiện nay.
Có văn bản pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ về xử lý cùng vấn đề. Trong trường hợp này, đúng là rất khó. Việc địa phương phải làm văn bản cần hướng dẫn của Trung ương để thống nhất trong triển khai là có. Do vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi, chính quyền địa phương cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, chủ động, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Không né tránh, đùn đẩy công việc. Nhiều khi lấy lý do văn bản, hoặc cấp trên để kéo dài thời gian giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong khâu tổ chức thực hiện.
PV: Có ý kiến cho rằng, nút thắt của việc phân cấp phân quyền chưa hiệu quả. Đó là do hệ thống các văn bản pháp lý về phân cấp, phân quyền trong quản lý hành chính nhà nước chưa đồng bộ. Hầu hết mới dừng lại quy định chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, cơ chế trách nhiệm cũng chưa rõ ràng. Vì thế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm thường trực và cũng khá phổ biến trong thời gian vừa qua. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, một trong những nút thắt của việc phân cấp phân quyền chưa hiệu quả, đó là hệ thống pháp luật về phân cấp phân quyền chưa đồng bộ. Nhưng theo tôi, nếu chỉ nêu lý do về hệ thống pháp luật là chưa đủ, ở đây còn có cả trách nhiệm, cũng như cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền.
Do đó, để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, cần chú trọng trong công tác tổ chức thực hiện. Mà ở đây là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan được phân cấp, phân quyền.
PV: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát huy tính tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, thực hiện, Quốc hội đã cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, và một số địa phương khác. Ông có bình luận như thế nào về thực tế hiện nay?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Ở đây chúng ta sẽ làm cần phải làm rõ hai vấn đề.
Thứ nhất, về hình thức phân cấp, phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước phân cấp. Trong đó, phải xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phân cấp và cơ quan Nhà nước được phân cấp. Những chủ thể này phải được quy định rõ ràng.
Thứ hai, về phân cấp tiếp. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, các cơ quan Nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương, hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà Nước cấp trên phân cấp. Nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước đã phân cấp. Như vậy, ở đây chính quyền địa phương hoàn toàn có thể xác định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoặc Bộ trưởng. Ở đây là các thông tư của các Bộ chuyên ngành.
Đối với việc phân cấp tiếp, cần có sự đồng ý của cơ quan Nhà nước đã phân cấp theo đúng quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Lý do của việc này, cơ quan phân cấp chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã phân cấp, nên cần có cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện phân cấp.
Do đó, khi đã nắm bắt được các quy định về phân cấp, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động và không gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện việc phân cấp.
PV: Một vấn đề nữa mà các địa phương đang gặp phải đó là việc phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương còn nặng về chuyển giao nhiệm vụ từ cấp trên xuống, mà chưa chuyển giao tương xứng về thẩm quyền. Đặc biệt là nguồn lực cần thiết như tổ chức bộ máy, nhân lực tài chính cho việc tổ chức thực hiện phân cấp. Do vậy, chính quyền địa phương vẫn chưa đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương có khả năng giải quyết được. Ông có bình luận như thế nào về vấn đề này và cần phải có giải pháp như thế nào cho vấn đề này?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Đúng là nhiệm vụ, quyền hạn phải luôn gắn với nguồn lực thực hiện. Chính vì vậy, tại Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện nay cũng đã quy định, cơ quan Nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới phải đảm bảo điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã phân cấp.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định, cơ quan phân cấp vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc xác định nội dung phân cấp cũng như hướng dẫn, kiểm tra và bảo đảm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ mà mình phân cấp.
Tuy nhiên, thực tế xảy ra tình trạng, hiện nay các cơ quan cấp trên chỉ tập trung phân cấp nhiệm vụ mà chưa quan tâm đến chuyển giao quyền hạn, hoặc nguồn lực tương ứng. Nguyên nhân của tình trạng này có cả chủ quan là từ phía cơ quan phân cấp chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Và khách quan là từ các quy định pháp luật chưa có sự thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành với việc chuyển giao nguồn lực trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tài sản công, ngân sách nhà nước. Do đó, trong thời gian tới cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về phân cấp, Bộ Nội vụ cũng thấy rằng, cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật về tài sản công, tài chính, ngân sách, các vấn đề khác có liên quan đến việc chuyển giao nguồn lực để tạo sự đồng bộ trong việc trong chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn
PV: Thưa ông, Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Nhà nước cũng đều nhấn mạnh phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền với phương châm là địa phương quyết địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Vậy hành lang pháp lý cần phải hoàn thiện như thế nào để đẩy mạnh công cuộc này?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Để hoàn thiện hành lang pháp lý trong thời gian tới, cần phải tập trung triển khai một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật về phân cấp, phân quyền. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ được trình Quốc hội sửa đổi vào năm 2025.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang được giao chủ trì tổng kết việc thực hiện và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của hai luật này. Trong đó, đặc biệt là tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền cũng như ủy quyền. Ví như, về chủ thể hình thức, về phạm vi.
Thứ hai, chúng tôi đang tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, phải bám sát quan điểm, các cơ quan Trung ương sẽ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Các cơ quan, địa phương tăng cường hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện thi hành.
Trước mắt thực hiện Nghị quyết 04/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Về việc này, các bộ, ngành đã và đang tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh phân quyền trong 11 ngành và lĩnh vực. Trong đó, bao gồm kế hoạch đầu tư, tài chính, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động, thương binh, xã hội, văn hóa, xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, thanh tra…
Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý nhà nước đối với 6 ngành, lĩnh vực. Đó là, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, văn hóa, đối ngoại, tư pháp và thanh tra.
Thứ ba, cần quán triệt nguyên tắc xác định phân cấp, phân quyền là nội dung quan trọng không thể thiếu trong công tác xây dựng pháp luật.
Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định trong các luật theo hướng quy định cụ thể quyền hạn của từng cấp chính quyền. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền địa phương chủ động hơn trong việc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong các luật, sẽ không quy định các nhiệm vụ của các cơ quan thuộc cơ cấu tổ chức bộ máy của các Bộ, hay các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp.
Vấn đề về phân cấp do Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước địa phương chủ động ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phân cấp một cách linh hoạt.
Và quy định về phân cấp, phân quyền phải được xây dựng trên nguyên tắc toàn diện, đồng bộ. Trong đó, phân cấp, phân quyền triệt để để khắc phục tình trạng phân cấp, phân quyền nhưng vẫn phải xin ý kiến chấp thuận của cơ quan cấp trên. Gắn việc phân cấp phân quyền với việc bố trí nguồn lực để thực hiện.
PV: Có một vấn đề trong thực tế có thể sẽ cản trở trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật. Đó là, hiện nay một số bộ, ngành vẫn còn tâm lý nể nang, né tránh, e ngại vì lợi ích cục bộ. Ngại phân cấp xuống địa phương, có thể e ngại địa phương chưa thực hiện được. Địa phương cũng chùng chình chưa dám quyết một số vấn đề. Vậy, cần phải rõ các cơ chế như thế nào để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Đây là những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân một phần do quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa cao. Và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.
Phần khác, do hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa đủ rõ, chưa thống nhất, vẫn còn tình trạng mang tính xin - cho
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật chuyên ngành thể hiện rõ tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực.
Để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, về phía Bộ Nội vụ, hiện nay chúng tôi đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, có định hướng chính sách xác định nguyên tắc chung về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành và giữa Chính phủ, Bộ, ngành với chính quyền địa phương làm cơ sở để các bộ, ngành rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các luật chuyên ngành cho thống nhất. Qua đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại và hiệu quả.
PV: Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng. Đó là làm thế nào để các địa phương gánh được trọng trách là địa phương quyết địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm thưa ông?
Thứ trưởng Trương Hải Long: Để đảm bảo cho địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đã được phân cấp, phân quyền cần phải phân cấp phân quyền đồng bộ về quản lý, sử dụng các nguồn lực. Ví dụ như tài chính và con người.
Đối với nguồn lực về tài chính, ngân sách, hiện nay một số địa phương khi có yêu cầu đặc thù về phát triển kinh tế, xã hội.Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua các Nghị quyết áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, có chính sách về tài chính, ngân sách bảo đảm cho địa phương chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn lực.
Đối với nguồn nhân lực, Bộ Nội vụ đã phân cấp phân quyền gần như tương đối toàn diện cho địa phương trong việc quản lý nguồn nhân lực.
Theo đó, địa phương được chủ động trong bố trí, sử dụng nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trung ương cũng có quy định mở đối với các địa phương khi được giao bổ sung nhiệm vụ mới sẽ được chủ động đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế và nguồn nhân lực cho phù hợp.
Trong quá trình phát triển, các địa phương cũng cần nhận diện đầy đủ các cơ hội, cũng như thách thức, cần phân tích làm rõ các lợi thế so sánh.
Qua đó, chủ động đề xuất các nội dung cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho địa phương, hoặc trong từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, kèm theo các quy định để địa phương có thể tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sẽ được phân cấp.
Trên cơ sở đó, các cơ quan Trung ương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời rà soát, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách để tạo ra động lực giúp địa phương có đủ nguồn lực và được chủ động trong việc sử dụng nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm địa phương trong thực hiện chuyển giao như chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phan-cap-phan-quyen-chua-manh-tao-co-che-xin-cho-post1132035.vov