Phân cấp, phân quyền để đầu tư công nhanh hơn
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành đề xuất sửa một số điều của Luật Đầu tư công, trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cơ chế giám sát công khai, minh bạch.
Ngày 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (ĐTC) cùng dự luật sửa một số luật thuộc lĩnh vực tài chính.
Đa số các đại biểu (ĐB) đều tán thành đề xuất sửa một số điều của Luật ĐTC mà Chính phủ trình, trong đó các ĐB tập trung vào vấn đề phân cấp, phân quyền trong ĐTC và cơ chế giám sát công khai, minh bạch.
Chuyển mạnh thẩm quyền
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đồng tình với đề xuất sửa một số điều của luật và cho rằng đây là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, mục tiêu, định hướng hoàn thiện thể chế, pháp luật về ĐTC, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
“Tôi thấy rằng việc ban hành Luật ĐTC (sửa đổi) là rất cần thiết, rất kịp thời. Tôi thống nhất với việc ban hành dự thảo luật” - ĐB Thông nói.
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) thì nói Luật ĐTC 2019 qua năm năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ cho phù hợp thực tiễn. Chẳng hạn việc một nội dung có nhiều cách hiểu, chuẩn bị đầu tư còn chậm, phê duyệt mang tính hình thức và bố trí kế hoạch ĐTC còn chậm và làm nhiều lần.
ĐB Khải đồng ý tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Bởi việc này sẽ tránh được việc giải phóng mặt bằng bừa bãi, không gắn với mục tiêu dự án, bồi thường, tái định cư chưa đúng.
Ông cũng đồng tình dự luật giao Thủ tướng chỉ định một người đứng đầu địa phương làm đại diện chủ đầu tư một dự án nếu dự án này thực hiện ở nhiều địa phương.
Ông Khải cho rằng sửa Luật ĐTC lần này theo các định hướng của Chính phủ trình và đã được thẩm tra thì sẽ đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục hiện hành, rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác; đồng thời huy động được năng lực quản lý và nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án ĐTC.
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng chỉ trong việc quyết định điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn thôi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền. Nhưng thực tiễn triển khai cho thấy thời gian mất 6-7 tháng, thực hiện 11 bước và ảnh hưởng đến tính kịp thời trong phân bổ và giải ngân vốn ĐTC.
Nếu thẩm quyền này chuyển về cho Thủ tướng thì theo ĐB Nghĩa, có thể giảm được năm bước thủ tục và ba tháng thực hiện.
“Điều này giúp sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn” - ĐB Nghĩa nói và nhất trí việc phân cấp này để còn tạo sự chủ động cho Thủ tướng.
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến ĐB Quốc hội không tán thành và muốn giữ thẩm quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là một điểm sửa đổi quan trọng trong Luật ĐTC lần này.
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nói định hướng phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do bộ, cơ quan Trung ương quản lý có tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỉ đồng từ Thủ tướng cho người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương; phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND… cần được đánh giá kỹ hơn.
Ông đề nghị nghiên cứu thêm cơ chế kiểm soát, xử lý để bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hoạt động ĐTC đối với các dự án này đạt hiệu quả.
Với các dự án ở địa phương thì cần cơ chế “kiểm soát quyền lực” để tránh việc lạm quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
ĐB Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cũng đồng tình việc Thủ tướng giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên phải có tiêu chí.
“Giao cho địa phương có nhiều kinh nghiệm hay giao cho địa phương nơi dự án đó đi qua nhiều? Nếu không khéo sẽ trở thành cơ chế xin - cho để tranh thủ” - ĐB Dương Ngọc Hải nói.
Cũng theo ĐB Dương Ngọc Hải, việc công khai tiến độ dự án là hết sức cần thiết. Một lần đi công tác ở nước ngoài, tôi thấy một biển ở ngoài đường nhảy liên tục. Hỏi ra mới biết đây là số thuế TP thu được từng giây, được công khai cho người dân biết.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng khi được phân cấp thì các địa phương phải thấy rõ trách nhiệm của mình. Các đơn vị như HĐND, ĐB Quốc hội, MTTQ, đoàn thể chính trị cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc thực thi.
“Tôi đồng tình trong phân cấp phải có điều chỉnh để bảo đảm việc phân cấp đi vào hiệu quả và kiểm soát được quyền lực. Thực tế chúng ta thấy khi giao việc phải tùy theo năng lực của các địa phương. Trước đây, tôi có kiến nghị thí điểm việc phân cấp cho chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, có thể thí điểm cho Thủ đô Hà Nội hay TP.HCM trước, lần này mở rộng cho tất cả địa phương thì cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát” - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Gắn với trách nhiệm giải trình
Từ thực tiễn TP.HCM, tôi thấy việc phân cấp dự án nhóm C, giao quyền tự chủ cho địa phương trong quản lý ĐTC đòi hỏi người đứng đầu ở các địa phương phải có trách nhiệm rõ ràng, minh bạch trong từng quyết định của mình.
Tôi kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình cũng như yêu cầu báo cáo định kỳ từ các địa phương lên Trung ương và cần một cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch. Điều này không chỉ bảo đảm việc sử dụng vốn ĐTC hiệu quả mà còn giúp cho việc xây dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Vấn đề công khai, minh bạch trong ĐTC, dự thảo luật đã đề cập đến những nội dung này nhưng tôi kiến nghị cần bổ sung việc công khai tiến độ thực hiện cũng như tình hình sử dụng vốn của từng dự án.
Việc công khai thông tin này không chỉ giúp cho người dân, các cơ quan chức năng có thể theo dõi, giám sát tiến độ mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng thất thoát, lãng phí. Việc công khai, minh bạch là cần thiết để bảo đảm niềm tin của người dân vào chính quyền.
ĐB NGUYỄN THỊ LỆ, Chủ tịch HĐND TP.HCM
*****
Tăng tính chủ động cho các địa phương
Về nâng vốn ĐTC của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỉ đồng, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tăng gấp đôi, ĐB Trần Văn Khải đồng ý và đề nghị cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động của các cấp, các ngành để phù hợp với tình hình hiện tại.
ĐB Khải cũng đồng ý phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỉ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỉ đồng đến dưới 30.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Về đề xuất của Chính phủ phân cấp triệt để cho các bộ, cơ quan Trung ương trong việc quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A, ĐB Trần Văn Khải đồng ý vì việc này “nhằm vừa thực hiện chính sách phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của bộ, cơ quan Trung ương, vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án nhóm A quy mô lớn, có ảnh hưởng đến địa bàn nhiều địa phương”.
Đặc biệt, ông Khải tán thành việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý. Còn dự án nhóm A thì vẫn thuộc thẩm quyền của HĐND các cấp.
“Sự phân cấp mạnh mẽ này sẽ tạo sự chủ động cho UBND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch ĐTC.
Ông cũng đồng tình với nhiều đề xuất trong dự luật khi dự kiến giao cho địa phương các thẩm quyền đối với kế hoạch sử dụng vốn ĐTC trung hạn nhằm tăng tính chủ động cho các địa phương.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phan-cap-phan-quyen-de-dau-tu-cong-nhanh-hon-post817345.html