Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 5/8, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình MTQG chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các chương MTQG tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP.

Theo báo cáo tại hội nghị, mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Có ít nhất 50% huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Có từ 17 - 19 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 tiếp tục được thiết kế với 11 nội dung thành phần và 54 nội dung cụ thể. Trong đó bổ sung những điểm mới so với giai đoạn 2016 - 2020, như: Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM, gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số, hướng tới NTM thông minh; khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự.

Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Tổng nguồn vốn ngân sách T.Ư bố trí cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 hơn 39,6 nghìn tỷ đồng, gồm: 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và hơn 9,6 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp, được phân bổ cho các bộ, ngành T.Ư và địa phương.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành T.Ư và địa phương tập trung thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thiện, áp dụng cơ chế chính sách để thực hiện các công trình thực hiện theo nguồn vốn đầu tư công trong xây dựng NTM. Nhiều ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn dễ áp dụng cơ chế, chính sách mới trong thực hiện các tiêu chí NTM.

Đề nghị T.Ư sớm phân bổ nguồn vốn cho các tỉnh; sớm ban hành cơ chế đặc thù để các địa phương miền núi có căn cứ thực hiện các tiêu chí. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành liên quan sớm đưa ra các hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí NTM Chính phủ vừa ban hành.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan khẳng định: Đến thời điểm này các văn bản liên quan chương trình đã được hoàn thiện, đủ điều kiện để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Ngoài nguồn vốn T.Ư, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa.

Đồng chí Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo.

Đồng chí Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo.

Đồng chí nhấn mạnh, cần thay đổi cách tiếp cận chương trình với tư duy mới, không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng. Khi xây dựng hạ tầng cần chú ý bảo đảm hài hòa với môi trường thiên nhiên, không gian làng quê nông thôn. Cùng đó, chương trình NTM không thể “mặc đồng phục” ở tất cả các địa phương. Hình ảnh NTM cần đứng trên các giá trị truyền thống, đặc điểm vùng, miền, đặc thù mỗi địa phương. Từ đó, các địa phương cần đa dạng về ý tưởng quy hoạch kiến trúc cảnh quan nông thôn, không sao chép, dập khuôn lẫn nhau.

Tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn theo xu hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Đồng thời phát triển du lịch vùng nông thôn, thu hút người dân đô thị về với nông dân, nông thôn.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Chương trình NTM trải ra trên diện rất rộng, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp nên các địa phương không vì tiến độ mà để xảy ra sai phạm quy định về đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách; không để phát sinh nợ công như giai đoạn vừa qua.

Xây dựng NTM là chương trình tổng thể, từ kinh tế đến văn hóa - xã hội. Với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực đòi hỏi cần nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, tùy theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện để tham gia chương trình một cách sáng tạo, cụ thể.

Tin, ảnh: Hà Mi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/388660/phan-dau-den-nam-2025-ca-nuoc-co-it-nhat-80-so-xa-dat-chuan-nong-thon-moi.html