Phấn đấu làm tốt sứ mệnh của lòng nhân ái
Trong suốt chiều dài phát triển, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai luôn quan tâm và có nhiều hoạt động ý nghĩa khẳng định vai trò, vị thế của hội đối với sự nghiệp nhân đạo.
Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2022)
Các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh luôn phát huy vai trò nòng cốt thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Các phong trào, cuộc vận động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh có bước phát triển vượt bậc, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội.
Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã trở thành hoạt động thường xuyên của tổ chức hội, giúp nhiều hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam có cái Tết đủ đầy hơn. Ngoài tiền và lương thực, thực phẩm, mỗi năm, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh còn trao tặng hàng chục nghìn quần áo rét, chăn ấm cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Nhiều mô hình, cách làm hay đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tham gia. Nhờ đó, số lượng quà tết vận động năm sau cao hơn năm trước.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được triển khai với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Thông qua hội chữ thập đỏ, các địa chỉ nhân đạo trong tỉnh đã kết nối được với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, giúp họ vươn lên trong cuộc sống và học tập.
Chương trình “Ngân hàng bò” và hỗ trợ sinh kế tiếp tục được duy trì, phát triển. Hầu hết các huyện 30a (Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai) và các xã biên giới được hưởng lợi từ chương trình. Chương trình đã góp phần cải thiện đời sống của người dân, nhiều hộ nghèo tại các xã vùng cao, biên giới đã thoát nghèo.
Tháng nhân đạo được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thực hiện thí điểm từ năm 2018. Hằng năm, các cấp hội trong tỉnh triển khai Tháng nhân đạo với nhiều hình thức như hỗ trợ xây “Nhà chữ thập đỏ”, tổ chức các phiên chợ nhân đạo (chợ 0 đồng); tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện; nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... với hơn 10.000 lượt người hưởng lợi, giá trị đạt 1 - 2 tỷ đồng/năm.
Hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, người khuyết tật, người cao tuổi được các cấp hội quan tâm, chăm lo, nhất là vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ngày Người khuyết tật Việt Nam (8/4) và “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” hằng năm (từ ngày 10/8 đến 10/9). Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với các ngành, các địa phương và Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tổ chức thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí và hỗ trợ xe lăn, viện phí, sửa chữa và làm nhà mới, hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân. Cùng với đó, hội chữ thập đỏ phối hợp với hội người cao tuổi các cấp tổ chức thăm, tặng quà người cao tuổi (từ 100 tuổi trở lên) vào dịp Tháng hành động vì người cao tuổi hằng năm.
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh cũng được các cấp hội tổ chức sâu rộng, hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát động, kêu gọi các cấp hội và cán bộ, hội viên, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương; tổ chức trao tặng nhu yếu phẩm thiết yếu, trang - thiết bị phòng, chống dịch, đồ dùng sinh hoạt cho các điểm cách ly tập trung, các chốt kiểm soát dịch bệnh, các trạm kiểm soát biên phòng và hỗ trợ người dân bị mất thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh với tổng giá trị hơn 3,2 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trong tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn kêu gọi, vận động ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh phía Nam 150 tấn rau, củ, lương thực, thực phẩm trị giá gần 2 tỷ đồng.
Với vai trò là thường trực công tác hiến máu nhân đạo, trong những năm qua, hội chữ thập đỏ đã tham mưu với ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện. Nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện được tổ chức thành công như Lễ hội xuân hồng, Những giọt máu hồng, Chủ nhật đỏ, Hành trình đỏ… Xây dựng được nhiều mô hình vận động hiến máu tình nguyện như Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ có người có nhóm máu hiếm, Gia đình hiến máu, Dòng họ hiến máu. Qua đó, nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của hiến máu tình nguyện có chuyển biến tích cực, máu vận động và tiếp nhận được ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong công tác an toàn truyền máu và cứu chữa cho hàng triệu người bệnh.
Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong hoạt động nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ huyện Bảo Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo để “đánh thức” lòng nhân ái cao cả trong cán bộ, hội viên và Nhân dân. Bà Ngô Chúc Sinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bảo Yên cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức hành trình kết nối yêu thương để mỗi tấm lòng đến gần với một hoàn cảnh, một số phận. Nhờ đó, nhiều hoàn cảnh éo le trên địa bàn huyện được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Để làm tốt sứ mệnh của lòng nhân ái, thời gian tới, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai các phong trào, cuộc vận động của hội một cách sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với mục tiêu quản lý, theo dõi trợ giúp thường xuyên 1.044 địa chỉ nhân đạo. Hằng năm triển khai “Tháng nhân đạo”, phong trào “Tết nhân ái”, chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, trong đó triển khai vận hành mô hình “Bếp sạch, cơm ngon” tại các điểm trường bán trú ở các xã đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, ban quân dân y và ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở tổ chức các đợt khám bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí; kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức rèn luyện, bảo vệ sức khỏe cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, người khuyết tật, đồng bào vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô, hiến tạng...
Ông Đỗ Thành Công, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh khẳng định: Trong cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng. “Người tốt, việc thiện - chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, đó là thông điệp mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh gửi đến các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong hành trình đánh thức sứ mệnh của lòng nhân ái.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362395-phan-dau-lam-tot-su-menh-cua-long-nhan-ai