Phấn đấu quý 4 tăng trưởng 7,6 - 8% để GDP cả năm đạt 7%

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý 4 khoảng 7,6 - 8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Sáng 7.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2024 trực tuyến với các địa phương.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng GDP quý 3 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo trước đó.

Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%; dịch vụ tăng 6,95%. Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)...

Ngoài ra, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)...

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Dũng cũng cho hay kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 1.7.2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Cũng theo ông Dũng, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tăng khá, tích cực hơn qua từng tháng, từng quý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 9, có khoảng 17.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính chung 9 tháng có khoảng 183.000 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163.800 doanh nghiệp).

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, khoảng 82,6% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh trong quý 4 sẽ ổn định hoặc tốt lên so với quý 3. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong năm 2024.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý 4 khoảng 7,6 - 8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người dân, các trang trại, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, nhất là trong khu vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, tranh thủ được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng; tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực đang bị tồn đọng trong các dự án, đất đai cho tăng trưởng và phát triển…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 9 và từ đầu năm, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; giá vàng, xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải quốc tế biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế lớn nhưng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài; trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đặc biệt, cơn bão số 3 gây hậu quả nặng nề tại các địa phương phía bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ cho tháng 10 và quý 4 còn rất nặng nề trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, phải bám sát, đánh giá chính xác tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ các thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực.

Thủ tướng yêu cầu cần nỗ lực và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, chia sẻ những ấn tượng, cảm xúc, những băn khoăn, trăn trở về kết quả, thành tựu và tồn tại, hạn chế trong 9 tháng đầu năm; phân tích nguyên nhân của kết quả, thành tựu và tồn tại, hạn chế, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phan-dau-quy-4-tang-truong-7-6-8-de-gdp-ca-nam-dat-7-224613.html