Phân hóa rõ nét tỷ lệ chi phí trên thu nhập giữa các ngân hàng thương mại

6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Ngân hàng tăng chi phí hoạt động 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không ít nhà băng vẫn tối ưu được chi phí hoạt động, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR).

Chỉ số CIR của ngân hàng, còn gọi là chỉ số chi phí trên thu nhập, thể hiện tổng chi phí hoạt động chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của ngân hàng đó, cho thấy mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng. CIR càng thấp thể hiện khả năng quản lý chi phí càng tốt và hiệu suất hoạt động của ngân hàng càng cao.

Bức tranh không đồng màu

Tổng hợp báo cáo tài chính bán niên 2023 của 29 ngân hàng thương mại cho thấy, chi phí hoạt động của các ngân hàng tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do chi phí đầu tư tài sản tăng mạnh. Trong đó, khoản mục chi phí lớn nhất là chi phí cho nhân viên được các ngân hàng kiếm soát ở mức vừa phải, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê, tổng thu nhập ngành Ngân hàng gần như đi ngang kể từ quý III/2022 đến nay do nền kinh tế suy yếu và khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Điều này khiến các ngân hàng phải thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Vì vậy, tỉ lệ CIR của các ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 chỉ tăng nhẹ 33,2% từ mức 31% ở quý I/2023, nhưng vẫn là mức tốt so với các ngân hàng trên thế giới.

Tỷ lệ CIR của các ngân hàng thương mại. Nguồn: BCTC, Tạp chí Tài chính tổng hợp

Tỷ lệ CIR của các ngân hàng thương mại. Nguồn: BCTC, Tạp chí Tài chính tổng hợp

Tuy nhiên, bức tranh này không đồng đều ở giữa các ngân hàng, mà phân hóa rõ rệt với 17/29 ngân hàng có chỉ số CIR tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm 10 ngân hàng giảm CIR tích cực bao gồm: Vietinbank (CTG), BIDV, VIB, MSB, ACB, OCB, HDBank, Bảo Việt Bank, NamAbank và Agribank. Có thể nhận thấy, hầu hết các ngân hàng có vốn nhà nước đều giảm CIR tích cực trong 6 tháng qua, chứng tỏ hiệu quả hoạt động tiếp tục được cải thiện.

Sỡ dĩ CIR của nhóm ngân hàng này giảm một phần nhờ cắt giảm nhân sự và gia tăng xu hướng số hóa. Thay vì tuyển dụng ồ ạt như trước đây, các ngân hàng có xu hướng thu hẹp quy mô và gia tăng đào tạo cũng như cải thiện cơ chế lương thưởng để giữ chân và nâng cao năng suất các nhân sự của mình.

Chỉ số CIR của Vietcombank và BIDV bật tăng lại trong các tháng gần đây do tiếp tục đầu tư hạ tầng cho thiết bị số hóa. Trong khi đó, CIR của Vietinbank vẫn tiếp tục xu hướng cải thiện là 26,03%, giảm khoảng 0,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sự cải thiện của CIR phần lớn do tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng (15,92%) nhanh hơn so với chi phí (11,9%).

Trong các ngân hàng thương mại tư nhân có BaoVietBank ghi nhận giảm CIR hơn 32,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước xuống còn 49% trong 6 tháng đầu năm 2023. Chi phí hoạt động của ngân hàng này trong nửa đầu năm là 339 tỷ đồng, tăng khoảng 11,7%, nhưng nhờ vào tổng thu nhập hoạt động tăng đến 84,83%, nên CIR đã được kéo giảm mạnh.

Chi phí hoạt động sẽ tiếp tục tăng

Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), chi phí hoạt động của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lên do xu hướng chuyển đổi số sẽ khiến các ngân hàng đẩy mạnh chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như thu hút nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu.

Chi phí để ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, vận hành không nhỏ nên nhiều ngân hàng nhỏ sẽ lựa chọn thực hiện điều này sau một chu kỳ tích lũy lợi nhuận nhất định. Chính vì thế, chỉ số CIR của nhóm ngân hàng tư nhân thường sẽ cao trong giai đoạn đầu tư phát triển hệ thống và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin.

CIR cao trong trường hợp này thường sẽ ảnh hưởng ngắn hạn khiến ngân hàng gia tăng chi phí, giảm bớt lợi nhuận. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, việc đầu tư này giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh, tăng độ phủ và kết quả kinh doanh sẽ tốt trong dài hạn.

Thời gian gần đây, sau một thời gian tích lũy được nguồn lực, nhiều ngân hàng quyết tâm gia tăng đầu tư cho chi phí hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới để mang lại lợi ích trong dài hạn. Điều này tác động khiến CIR tăng và kéo lùi lợi nhuận trong ngắn hạn.

Ví dụ như Bảo Việt Bank có sự thay đổi về quy mô và chuyển đổi số được đánh giá khá tích cực. Do đó, CIR của nhà băng này tăng 15 điểm phần trăm so với quý trước khi tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch đi kèm với cuộc đua chuyển đổi số để phục vụ cho việc phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, ACBS cũng kỳ vọng các ngân hang sẽ kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn trong năm 2023 để đối phó với môi trường vĩ mô xấu đi và bất ổn chính sách gia tăng.

“Cho cả năm 2023, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ CIR của các ngân hàng sẽ quanh mức 35%, cao hơn so với năm năm 2022 (là 32,8%) do tốc độ tăng trưởng thu nhập bị chậm lại.

Tuấn Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phan-hoa-ro-net-ty-le-chi-phi-tren-thu-nhap-giua-cac-ngan-hang-thuong-mai.html