Phân tích, đánh giá và nghiên cứu chiến lược quản lý hiệu quả vốn lưu động của các doanh nghiệp

TS. LÃNH THỊ HÒA ( Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh) - THS. VŨ THỊ DUYÊN (Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh NCS. Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia (MISiS), Mátxcơva, Nga)

TÓM TẮT:

Quản lý vốn lưu động chủ yếu là chiến lược quản lý với trọng tâm duy trì giữa tài sản và nợ hiện tại của công ty. Một hệ thống quản lý vốn hiệu quả cho phép các doanh nghiệp không chỉ kiểm soát được các nghĩa vụ tài chính mà còn là cách giúp các công ty tăng thu nhập. Quản lý vốn lưu động là quản lý tất cả các tài sản ngắn hạn hay tài sản hiện lưu động - tiền, chứng khoán khả mại, hàng tồn kho và khoản phải thu của khách hàng. Quản trị và sử dụng hợp lý các loại tài sản lưu động có ảnh hưởng rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chung của doanh nghiệp. Mặc dù hầu hết các vụ phá sản trong kinh doanh là hệ quả của nhiều yếu tố chứ không phải chỉ do quản trị vốn lưu động tồi. Song sự bất lực của một số công ty trong việc hoạch định và kiểm soát một cách thích đáng các loại tài sản lưu động và các khoản nợ ngắn hạn hầu như chắc chắn là một nguyên nhân dẫn đến thất bại cuối cùng. Vì vậy, quản lý vốn lưu động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả trình bày nội dung nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu đánh giá quản lý hiệu quả sử dụng vốn lưu động; phân tích, đề xuất phương pháp đánh giá mới và nghiên cứu chiến lược quản lý nguồn vốn này cho các công ty, các tập đoàn kinh tế.

Từ khóa: Doanh nghiệp, tài sản lưu động, vốn lưu động, nợ ngắn hạn, quản lý vốn lưu động, tỷ lệ vốn lưu động, chi phí vốn lưu động, chiến lược quản lý, hiệu quả vốn lưu động.

1. Vốn lưu động và vai trò của vốn lưu động trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp

Vốn lưu động (working capital) đôi khi còn gọi là tổng vốn lưu động đề cập đến những tài sản lưu động dùng cho hoạt động của doanh nghiệp. Vốn lưu động ròng (net working capital) là sự chênh lệch giữa tổng tài sản lưu động với tổng các khoản nợ ngắn hạn của công ty. Vốn lưu động là một thước đo tài chính thể hiện tính thanh khoản, hiệu quả hoạt động và “sức khỏe tài chính” ngắn hạn của một doanh nghiệp, tổ chức hoặc thực thể kinh doanh khác, bao gồm cả các tổ chức chính phủ. Cùng với vốn cố định (máy móc, thiết bị, nhà xưởng,...), vốn lưu động được coi là một bộ phận của vốn kinh doanh. Việc tính toán vốn lưu động của doanh nghiệp được thực hiện qua công thức sau đây [1,2]:

Tài sản lưu động (current assets) là một thuật ngữ kế toán dùng để chỉ các tài sản có thể dễ dàng chuyển thành tiền mặt, bao gồm cả tiền mặt, tài khoản séc, tài khoản tiền gửi, cổ phiếu, trái phiếu, các khoản phải thu, hàng tồn kho, nguyên liệu, thành phẩm,... Nợ ngắn hạn (current liabilities) là một thuật ngữ kế toán để chỉ tất cả các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp sẽ được thanh toán bằng tiền mặt trong năm tài chính hoặc chu kỳ hoạt động nhất định.

Vốn lưu động của công ty phản ánh hiệu quả hoạt động và quản lý ngân sách của công ty. Nếu một công ty có nhiều nợ ngắn hạn hơn tài sản lưu động, thì vốn lưu động mang giá trị âm và ngược lại. Khi một công ty không có đủ vốn lưu động để trang trải các nghĩa vụ tài chính của mình (mất khả năng thanh toán tài chính) có thể dẫn đến các rắc rối pháp lý, thanh lý tài sản và có khả năng bị phá sản. Ngược lại, một công ty có vốn lưu động cao, thì công ty đó có nguồn lực tài chính dồi dào để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn của mình. Vì vậy, một điều rất quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp là phải quản lý đầy đủ nguồn vốn lưu động. Vốn lưu động cao cho thấy rằng, công ty được quản lý thông minh, hiệu quả và nó có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Mỗi doanh nghiệp nhất định có yêu cầu mức vốn lưu động khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Quy mô của doanh nghiệp (nhỏ, vừa, lớn,...), lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh, chu kỳ hoạt động và mục tiêu tăng trưởng trong tương lai của chủ doanh nghiệp,... Cụ thể, các doanh nghiệp hoặc tập đoàn kinh tế khổng lồ với sự nhận diện thương hiệu và sức bán mạnh mẽ, trong từng giai đoạn có thể có vốn lưu động âm, do khả năng huy động vốn nhanh, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ nên duy trì số vốn lưu động dương. Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ thì vốn lưu động chiếm tỷ trọng cao hơn, tốc độ chu chuyển của vốn lưu động cũng nhanh hơn so với các ngành nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng (khai thác khoáng sản, luyện kim, chế tạo máy,...); Những doanh nghiệp sản xuất ra những loại sản phẩm có chu kì sản xuất ngắn thì nhu cầu vốn lưu động giữa các thời kì trong năm thường không có biến động lớn, doanh nghiệp cũng thường xuyên thu được tiền bán hàng, nhờ đó có thể dễ dàng bảo đảm cân đối giữa thu và chi bằng tiền, cũng như đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu kinh doanh.

Lý tưởng nhất là một doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng doanh thu bán hàng. Tuy nhiên, độ dài chu kỳ hoạt động của một công ty có thể khiến điều này trở nên bất khả thi. Các công ty mất nhiều thời gian để tạo ra và bán một sản phẩm, do vậy họ cần nhiều vốn lưu động hơn để đảm bảo có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong giữa kỳ.

2. Phương pháp đánh giá tác động của hiệu quả quản lý vốn lưu động đến lợi nhuận của doanh nghiệp

Có thể khẳng định rằng, lợi nhuận mà công ty thu được là kết quả từ việc đầu tư vào cả tài sản dài hạn và tài sản lưu động (trong đó bao gồm cả vốn lưu động). Tuy nhiên, các thước đo khả năng sinh lời phổ biến hiện nay như: Lợi tức trên tài sản (ROA - return on asset), hoàn vốn đầu tư (ROIC - return on invested capital), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE - return on equity), tổng thu nhập hoạt động (GOI - operating income), thu nhập hoạt động ròng (NOI - net operating income) đều không thể đánh giá tách biệt lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được trên tài sản dài hạn và vốn lưu động [1,2,10]. Sơ đồ đánh giá tác động gián tiếp của hiệu quả sử dụng vốn lưu động đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp thông quá các tài liệu hiện có, được minh họa trong Hình 1.

Để giúp cho nhà quản lý (doanh nghiệp) nhanh chóng ra quyết định lựa chọn cơ hội đầu tư phù hợp, mang lại mức lợi nhuận cho công ty, cũng như cho các cổ đông, hạn chế rủi ro thanh khoản, ít phụ thuộc hơn vào nguồn tài chính bên ngoài... thì cần phải tìm ra một thước đo hiệu quả hoạt động (kết quả) để phản ánh rõ ràng và trực tiếp tác động của hiệu quả sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp (hình 2). Qua đó, đánh giá được mối quan hệ giữa hiệu quả sử dụng vốn lưu động và khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Thông qua nghiên cứu lý thuyết cơ bản về lĩnh vực quản lý nguồn vốn, cụ thể là quản lý vốn lưu động, và kết quả các công trình nghiên cứu mới nhất của các nhà kinh tế học nổi tiếng đã được công bố trên các tạp chí kinh tế uy tín, trong phần này, nhóm tác giả đề xuất một phương pháp mới, trực tiếp để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động có bản chất là cấp số nhân. Phương pháp này được gọi tên là “hệ số nhân hiệu quả sử dụng vốn lưu động” - WCEM (working capital efficiency multiplier) và được diễn giải thông qua công thức sau [10]:

Giá trị của chỉ số WCEM càng thấp, thì hiệu quả sử dụng vốn lưu động của công ty càng cao và ngược lại. WCEM có thể được sử dụng như một chỉ báo để nhà đầu tư lựa chọn cơ hội đầu tư phù hợp. Giúp cho các doanh nghiệp trong việc quản lý vốn lưu động có hiệu quả cao nên ít chịu rủi ro thanh khoản hơn.

3. Nghiên cứu chiến lược quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp

Chiến lược quản lý vốn lưu động là chiến lược chủ yếu trong chiến lược tài chính tổng thể của doanh nghiệp. Quản lý vốn lưu động trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng đối với đại diện lãnh đạo cao nhất của các doanh nghiệp. Họ hiểu rằng, họ cần phát triển lĩnh vực hoạt động tài chính chuyên nghiệp này để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việc nghiên cứu chiến lược quản lý vốn lưu động bắt đầu bằng việc xác định lượng tồn kho cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp, cũng như lượng tiền mặt và các khoản phải thu tối thiểu và tối đa cho phép [12].

Đánh giá quá cao mức tồn kho dẫn đến tăng chi phí lưu kho, đánh giá thấp - dẫn đến sự gián đoạn trong quá trình sản xuất và tăng thêm chi phí cho việc mua gấp. Tương tự như vậy, việc đánh giá quá thấp và quá mức các quỹ, các khoản phải thu có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của quá trình sản xuất hoặc dẫn đến những chi phí không cần thiết.

Các chính sách hình thành vốn lưu động trong thời kỳ khủng hoảng, có thể phân chia thành ba chính sách chính [1]:

1. "Chính sách kiềm chế" - lượng vốn lưu động là tối thiểu (loại rủi ro nhất, mang lại lợi nhuận tối đa).

2. “ Chính sách bình tĩnh” - đặc trưng bởi một lượng lớn tiền mặt, các khoản phải thu và hàng tồn kho (rủi ro tối thiểu và mức lợi nhuận thấp).

3. “ Chính sách trung bình” - là phiên bản trung hòa của hai chính sách đầu tiên. Việc nghiên cứu chiến lược quản lý vốn lưu động không chỉ dựa trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu hiệu quả quản lý mà còn phải phân tích nguồn hình thành (nguồn tài trợ) vốn lưu động, đồng thời phải tính đến đặc điểm ngành nghề của công ty. Việc lựa chọn chiến lược quản lý vốn lưu động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức độ rủi ro, khả năng sinh lời, tính thanh khoản... cuối cùng là ảnh hưởng đến khả năng phát triển hay phải thanh lý một phần tài sản, thậm chí là phá sản của một doanh nghiệp [11].

Về nguyên tắc có 3 chiến lược quản lý vốn lưu động là (Hình 3): “Thận trọng”, “Tự bảo hiểm” và “Tích cực”. Tuy nhiên, trên thực tế không thể thực hiện chiến lược “bảo hiểm rủi ro” theo đúng nghĩa của nó, vì thái độ quản lý đối với rủi ro và các yếu tố khác sẽ khiến cho nó trở thành một trong hai chiến lược còn lại [1,8]. Vì vậy, nhóm tác giả chỉ phân chia thành 2 chiến lược quản lý vốn lưu động, làm cơ sở cho các doanh nghiệp nghiên cứu và lựa chọn áp dụng phù hợp với doanh nghiệp của mình (Bảng 1).

Qua phân tích đặc điểm của hai chiến lược thấy rằng, chiến lược “thận trọng” đặc trưng bởi lượng vốn lưu động nhỏ, nhưng đi kèm theo đó là mức độ rủi ro mất thanh khoản cao, có liên quan đến việc không đồng bộ các khoản thanh toán và khoản thu. Nó phù hợp khi mức bán hàng, hàng tồn kho và các khoản thanh toán có thể dự đoán được. Chiến lược “tích cực” được đặc trưng bởi việc duy trì lượng vốn lưu động cao, mức độ rủi ro lớn những tính thanh khoản lại cao hơn.

Quản lý vốn lưu động hợp lý là điều cần thiết cho “sức khỏe tài chính” cơ bản của công ty và thành công trong hoạt động kinh doanh. Dấu hiệu của quản lý kinh doanh tốt là khả năng sử dụng quản lý vốn lưu động để duy trì sự cân bằng vững chắc giữa tăng trưởng, lợi nhuận và thanh khoản.

4. Kết luận

Trong bài viết, nhóm tác giả đã trình bày nghiên cứu khái quát về: Vốn lưu động, vai trò của nó trong các doanh nghiệp như một chỉ số phản ánh “sức khỏe tài chính” ngắn hạn, hiệu quả hoạt động và quản lý ngân sách của các công ty; Vai trò quan trọng của việc quản lý hiệu quả nguồn vốn lưu động đối với các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế. Đề xuất các chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng vốn lưu động giúp cho doanh nghiệp tính toán, lựa chọn và điều chỉnh mức vốn lưu động phù hợp với quy mô, ngành nghề,... của doanh nghiệp.

Giới thiệu một phương pháp mới (WCEM) với mục tiêu trực tiếp đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Thông qua chỉ số WCEM giúp các doanh nghiệp dễ dàng tính toán và đo lường được tác động của vốn lưu động đến hiệu quả tài chính. Từ đó, kịp thời ra quyết định cho các phương án đầu tư, hạn chế các rủi ro thanh khoản, giúp cho công ty giảm phụ thuộc vào nguồn vốn tài trợ bên ngoài, đánh giá khả năng thương lượng của công ty và vị thế cạnh tranh của công ty trên thị trường...

Nghiên cứu, phân tích và so sánh đặc điểm cơ bản của hai chiến lược quản lý hiệu quả nguồn vốn lưu động, giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn chiến lược quản lý phù hợp với mục tiêu, kế hoạch kinh doanh và ngành nghề cho doanh nghiệp mình.

Nghiên cứu có thể sử dụng như một tài liệu tham khảo cho những nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu hoặc sinh viên kinh tế chuyên ngành tài chính, quản trị doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Eugene F. Brigham, Joel F. Houston, P. (2013). Fundamentals of financial management. Concise Eighth Edition. USA: Cengage Learning, University of Florida.
B. Muralikrishna. (2012). Working Capital Management. New Delhi: Lovely Professional University Phagwara.
Angelique Nadia Sweetman McInnes. (2000). Working capital management - theory and evidence from New Zealand listed limited liability companies. USA: Lincoln University.
Theodore Farris, M. and Hutchison, P.D. (2002). Cash-to-cash: The new supply chain management metric. International Journal of Physical Distribution and Logistics Management, 32(4), 288-298.
Ding, S., Guariglia, A. and Knight, J. (2013). Investment and financing constraints in China: does working capital management make a difference? Journal of Banking and Finance, 37(5), 1490-1507.
Shin, H.H. and Soenen, L. (1998). Efficiency of working capital management and corporate profitability. Financial Practice and Education, 8(2), 37-45.
Soenen, L.A. (1993). Cash conversion cycle and corporate profitability. Journal of Cash Management, 13(5), 53-57.
Akoto, R.K., Awunyo-Vitor, D. and Angmor, P.L. (2013). Working capital management and profitability: evidence from Ghanaian listed manufacturing firms. Journal of Economics and International Finance, 5(9), 373-379.
Banos-Caballero, S., García-Teruel, P.J. and Martinez-Solano, P. (2012). How does working capital management affect the profitability of Spanish SMEs. Small Business Economics, 39(2), 517-529.
Prasad, P., Sivasankaran, N., Paul, S. and Kannadhasan, P. (2019). Measuring impact of working capital efficiency on financial performance of a firm: An alternative approach. Journal of Indian Business Research, 11(1), 75-94.
Falope, O.I. and Ajilore, O.T. (2009). Working capital management and corporate profitability: evidence from panel data analysis of selected quoted companies in Nigeria. Research Journal of Business Management, 3(3), 73-84.

12- Radionov P.A., Radionov A.R (2013). Quản lý hàng tồn kho bán hàng và vốn lưu động của doanh nghiệp, 204 tr. (Tiếng Nga).

Analyzing, assessing and studying strategies of working capital management of firms

Ph.D Lanh Thi Hoa

Lecturer, Faculty of Economics, Quang Ninh University of Industry

Master. Vu Thi Duyen

Lecturer, Faculty of Economics, Quang Ninh University of Industry

Postgraduate student, National University of Science and Technology

(Moscow, Russia)

ABSTRACT:

The working capital management focuses on the use of current assets and liabilities. An effective capital management system allows firms not only to control their financial obligations, but also to increase their revenues. The working capital management is the monitor of all short-term assets or working assets including cash, tradable securities, inventories and accounts receivables. The proper management and use of working assets play an important role in the business performance of firms. Although most business bankruptcies are the result of many factors, not just of poor working capital management, the improperly management of working assets and short-term liabilities is a cause of their eventual failure. Therefore, the working capital management directly affects the profit and inventory value of firms. This paper presents criteria to assess the efficiency of working capital use, and proposes new assessment methods of working capital management for firms and business groups.

Keywords: Enterprise, working assets, working capital, short term debt, working capital management, working capital ratio, working capital cost, management strategy, working capital turnover.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-tich-danh-gia-va-nghien-cuu-chien-luoc-quan-ly-hieu-qua-von-luu-dong-cua-cac-doanh-nghiep-75937.htm