Phản ứng nhanh trước thiên tai

Những ngày qua, nhiều cơn bão nối nhau dồn dập đổ vào miền Trung. Mưa lớn kéo theo sạt lở núi, cướp đi tính mạng của nhiều người. Giữa vòng xoáy quay cuồng của bão, mưa, lũ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP đã chung sức để giúp nhân dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.

Ca nô của Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình đi sâu vào tuyến nội địa để cứu dân. Ảnh: Văn Chương

Ca nô của Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình đi sâu vào tuyến nội địa để cứu dân. Ảnh: Văn Chương

Di dời dân, neo tàu

Ngày 27-10, tại xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi người dân khẩn trương di chuyển về nơi an toàn để tránh trú bão số 9. Tại địa phương, BĐBP và chính quyền đã thông báo cho bà con về việc cơ quan chức năng sẽ bố trí xe buýt sẽ đưa người dân đến các điểm sâu trong đất liền. Khi nhận được thông tin, hàng trăm người già và trẻ em lập tức được xe máy chở qua cầu để lên xe dời đi. Nhiều người nói về việc xã Nghĩa An giống như một cù lao cát nằm nhô ra biển, nếu sóng tấn công thì ngôi làng này nguy cấp.

Trong cuộc họp tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào chiều ngày 1-11 để rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do bão số 9, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo, nhấn mạnh về việc tổ chức di dời dân thành công của địa phương đã góp phần giảm bớt thiệt hại do cơn bão cực mạnh gây ra.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thì chia sẻ về việc địa phương chủ động di dời tàu thuyền, tránh trường hợp bị thiệt hại như trong đợt mưa bão năm 2017. Ông Dũng cho biết, trước khi bão vào thì địa phương bắt buộc tàu không được neo đậu ở khu vực ngoài cảng, phải sắp xếp đủ chỗ cho tàu hàng vào cảng. Sau khi báo cáo tình hình với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho địa phương này xây dựng cảng neo trú cho tàu thuyền, vì tỉnh Bình Định có hơn 7000 tàu cá, các điểm neo tàu hiện nay đã quá tải.

Phương án di dời tàu thuyền cũng là cách làm quen thuộc ở thành phố Đà Nẵng từ nhiều năm nay. Tại khu vực bãi biển nằm song song với tuyến đường Võ Nguyên Giáp, người dân chài thường neo tàu tại khu vực bãi ngang và bố trí sẵn trục, tời, dây, đòn bánh xe. Mỗi khi có mưa bão, người dân và Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP thành phố Đà Nẵng lập tức kéo thuyền lên bãi và đưa sâu vào trong đất liền. Tuy nhiên, phương pháp trên cũng chỉ áp dụng được với các loại tàu cá loại nhỏ, kích thước dưới 15 mét.

Vấn đề di dời dân miền núi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập tại cuộc họp: “Tìm nơi an toàn để xây dựng vùng định cư ổn định cho bà con nhân dân, vì nhiều người dân ở Quảng Nam vẫn nằm trong vùng nguy hiểm”. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại hiện trường thì có những địa phương không còn nơi nào có thể được gọi là an toàn tuyệt đối sau khi bão chồng bão, lũ chồng lũ. Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, khu dân cư nằm giữa các ngọn núi Xê Đôi có những đỉnh cao 1083, 475, 485 mét và nương rẫy nằm trên những dốc thoai thoải. Vụ sạt lở núi vào chiều ngày 28-10 ập xuống từ những sườn núi cao đó.

Sức cơ giới

Tại khu vực Trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều ngày 14-10, một bãi bùn lầy rộng khoảng 5.000m2 trở thành một vùng tìm kiếm gấp gáp và đau lòng nhất mà tôi từng chứng kiến. Những người lính ở Lữ đoàn công binh 414 (Quân khu 4) có mặt để tham gia tìm kiếm 13 quân nhân và cán bộ mất tích do sạt lở đất. Mọi người dù cố gắng, nhưng tốc độ tìm kiếm không thể tiến hành nhanh với những dụng cụ cá nhân. Bùn lầy lẫn với cây đổ là một thách thức không nhỏ cho việc đào bới. Và lúc đó, các phương tiện máy xúc, máy đào trở thành quyết định.

Ănten parapol kết nối trực tiếp từ núi rừng về Hà Nội. Trên màn hình hiển thị, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng QĐND, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chứng kiến trực tiếp tốc độ tìm kiếm tại hiện trường và đã chất vấn Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh: “Cần thêm xe cơ giới, hành quân thời gian bao lâu thì có mặt tại hiện trường?”. Tuy nhiên, phương tiện được huy động tốt nhất vào thời điểm đó và tham gia tìm kiếm, đó là xe xúc của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh.

Ở miền Trung, các dãy núi nằm ở vùng cao, bên cạnh số ít núi có nhiều đá non, đá vỉa thì phần nhiều là núi đất sét. Các vụ sạt lở núi xảy ra và bùn nhão lẫn với cây, đá nhỏ trở thành thứ chất lỏng bùng nhùng và chỉ có sự tham gia của phương tiện cơ giới thì mới có thể giải phóng nhanh vùng sạt lở. Và trên các tuyến đường lên huyện Tây Giang, huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, xe của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị mắc kẹt trên cung đường núi sạt. Nhưng sau đó, xe cơ giới nằm chốt ở những vị trí trên từng cung đường đã nhanh chóng xuất hiện để thông tuyến.

Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục có mặt tại miền Trung để chỉ đạo rốt ráo công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong vụ việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Thủy điện Sông Trăng 3, nội dung mà Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng báo cáo kỹ, đó là phương tiện tham gia tìm kiếm và được báo cáo huy động tại chỗ 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương, 1 xe cứu hộ đa năng, 1 xuồng cao tốc 4.500 CV, 10 máy phát điện có đèn pha, 10 máy cắt thủy lực, 20 cưa cầm tay...

Quen địa bàn “lạ”

Trong các đợt bão lũ, thiên tai, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của BĐBP không chỉ thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn Biên phòng, mà còn mở rộng vào địa bàn nội địa theo đề nghị của các địa phương. Trong những ngày xảy ra đỉnh lũ ở tỉnh Quảng Bình, Hải đội 2 BĐBP Quảng Bình được điều động đưa ca nô chở cán bộ, chiến sĩ đi vào vùng ngập sâu ở rốn lũ để cứu dân. Đó là những vùng khá nguy hiểm, vì ca nô dễ bị vướng vào dây điện. Những ngày đầu, do công việc khẩn cấp nên anh em tự mò đường đi. Còn những ngày tiếp theo, chính quyền “tìm” được cán bộ thôn và nhờ đi cùng ca nô để chỉ dẫn.

Việc đưa thúng, thuyền vào sâu trong các điểm tránh trú bão để cứu dân đã làm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân (ảnh chụp tại Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi). Ảnh: Văn Chương

Việc đưa thúng, thuyền vào sâu trong các điểm tránh trú bão để cứu dân đã làm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân (ảnh chụp tại Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi). Ảnh: Văn Chương

Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, sau hàng loạt vụ sạt lở kinh hoàng, phần lớn các vụ việc đều không nằm trong địa bàn tuyến biên giới. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cùng với trách nhiệm của người lính, BĐBP Quảng Nam đã đưa quân lên các điểm nóng ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn; xã Trà Leng, huyện Nam Trà My để tham gia tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển lương thực, thực phẩm, hỗ trợ đội chó nghiệp vụ BĐBP tìm thi thể các nạn nhân.

Tại các địa bàn không thuộc phạm vi phụ trách của BĐBP, nhưng trong tình huống nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua trao đổi với nhiều cán bộ tham gia và được biết, đó là nhờ BĐBP luôn chú trọng công tác huấn luyện, dự trù trước được các tình huống xảy ra, nhưng quan trọng nhất là luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong hoạt động phòng, chống lụt bão cho mọi cán bộ, chiến sĩ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chỉ huy. Ở những vùng khó khăn nhất, chỉ huy của đồn Biên phòng luôn trực tiếp có mặt. Ở rốn lũ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngư Thủy đã trực tiếp lên ca nô tham gia cứu nạn vào thời điểm nóng nhất, sau đó phân công các đồng chí phó đồn trưởng lần lượt tham gia.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phan-ung-nhanh-truoc-thien-tai-post435098.html