'Pháo đài châu Âu không có cổng' với di dân Bắc Phi
Đối với người tị nạn, châu Âu đang ngày càng trở thành một 'pháo đài không có cổng'. Ngay cả những người cứu hộ tình nguyện cũng bị buộc tội hình sự. Các cảng đóng cửa với họ, tàu bị tịch thu, tình nguyện viên bị đưa ra xét xử.
Giấc mơ của những người nhập cư tới châu Âu qua biển Địa Trung Hải ngày càng bị bóp nghẹt. Các hoạt động cứu hộ trên biển tình nguyện đã ngừng hoạt động và tuyến đường biển này trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Bắt giữ thuyền trưởng vì hỗ trợ người di cư
Cảnh sát Italy hôm 29-6 đã bắt giữ thuyền trưởng người Đức của tàu cứu hộ Sea-Watch 3 sau khi tàu cập cảng Lampedusa. Trước đó 2 ngày, tàu Sea-Watch 3 đã vào cảng Lampedusa của Italy mà không được phép cập vào sau cuộc đối thoại kéo dài 2 tuần giữa thuyền trưởng và chính quyền Italy.
Theo đó, thuyền trưởng Carola Rackete đã bị bắt khi chiếc thuyền cập bến với 40 người di cư còn lại trên tàu. Italy đã từ chối cho tàu cứu hộ của Đức cập cảng kể từ khi họ đón 53 người di cư đang trôi nổi trên một chiếc bè phao ngoài khơi Libya vào ngày 12-6.
Cảnh quay trên truyền hình cho thấy lực lượng an ninh đã được triển khai rầm rộ tại cảng và cảnh sát hộ tống cô Rackete, 31 tuổi ra khỏi tàu. Việc bắt giữ cô Rackete được đưa ra sau khi 5 quốc gia châu Âu hôm 28-6 đã đồng ý tiếp nhận người di cư, báo hiệu cuộc đối thoại có thể kết thúc.
Đối với người tị nạn, châu Âu đang ngày càng trở thành một “pháo đài không có cổng”. Ngay cả những người cứu hộ tình nguyện cũng bị buộc tội hình sự. Các cảng đóng cửa với họ, tàu bị tịch thu, tình nguyện viên bị đưa ra xét xử. Thuyền trưởng tàu cứu hộ Claus-Peter Reisch vừa bị tòa án Malta tuyên án phạt 10.000 euro vì tàu không được đăng ký đúng cách. Văn phòng Công tố viên Italy đang buộc tội 10 tình nguyện viên từ tàu Iuventa nhập cư bất hợp pháp. Thủy thủ đoàn có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm.
Bộ Ngoại giao Italy cho biết Phần Lan, Pháp, Đức, Luxembourg và Bồ Đào Nha đã đồng ý đón 40 người di cư châu Phi còn lại trên tàu. Nói chuyện với các nhà báo hôm đó, thuyền trưởng Rackete cảnh báo rằng tình hình trên con tàu “vô cùng căng thẳng, ngày càng tồi tệ hơn”. Một số người rơi vào tình trạng khẩn cấp đã được phép rời khỏi tàu nhưng họ được cảnh báo là không được chào đón ở Italy.
Hôm 27-6, thuyền trưởng Rackete không có lựa chọn nào khác ngoài việc xâm nhập trái phép vùng biển Italy. Bộ trưởng Nội vụ nước này Matteo Salvini đáp trả bằng cách đe dọa sẽ chiếm giữ con tàu và phạt Rackete. Các công tố viên người Italy cũng đang điều tra cáo buộc cô Rackete về việc hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp.
Tàu cứu hộ trên biển bị “nhụt chí”
Fabian Heinz, một nhiếp ảnh gia 29 tuổi đến từ Wurzburg, Đức từng có một trải nghiệm khó quên. Hôm đó, tàu Alan Kurdi, một tàu thuộc Sea Eye, tổ chức cứu hộ trên biển của Đức vật lộn với sóng gió trên biển giữa đảo Lampedusa của Italy và Malta. Anh và những người cứu hộ khác đã cứu được hàng chục người tị nạn đang lênh đênh trên biển gần Libya. Họ ngủ ở tư thế tốt nhất có thể trên sàn tàu chật chội và ướt đẫm vì những đợt sóng. Tàu Alan Kurdi đã đi trên Địa Trung Hải suốt 2 ngày nhưng không có quốc gia nào muốn cho tàu cập cảng. Malta đã cấm thủy thủ đoàn lên bờ, còn Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini thì đề nghị thuyền tới Hamburg. Nguồn cung trên tàu cạn kiệt và không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
“Tôi đã chuẩn bị cho tất cả những điều đó, nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy vô cùng cô đơn. Có cảm giác không ai quan tâm liệu chúng tôi có trôi dạt bao lâu. Đây là điều không nên xảy ra ở châu Âu”, Fabian Heinz nói. Cuối cùng, khi lực lượng bảo vệ bờ biển của Malta tiếp nhận nhóm người nhập cư vài ngày sau đó, 2 phụ nữ đã quỵ xuống. Ngay cả khi không có người tị nạn, thủy thủ đoàn của Alan Kurdi vẫn không được phép vào đất liền. 13 ngày sau khi cứu 64 người, họ được phép lên bờ ở Tunis.
Với chính sách phong tỏa, người châu Âu đã tàn sát đội tàu của những người cứu hộ hàng hải tư nhân, có thời điểm lên tới 12 tàu. Hiện nay, trong nhiều ngày cũng không thấy bóng dáng một tàu cứu hộ nào tuần tra vùng biển giữa châu Âu và Bắc Phi. EU đã ngừng hoàn toàn công tác giải cứu hàng hải vào mùa thu năm ngoái.
Giờ họ chỉ đơn thuần giám sát biển từ trên không và hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, vốn đã mở rộng vùng tìm kiếm từ năm 2017. Các tàu Libya bắt những người tị nạn gần bờ biển của họ và đưa về các trại tập trung, nhiều người bị tra tấn, hãm hiếp hoặc bắt đi lính.
Một ví dụ khác, EU đã cam kết cấp cho Morocco 148 triệu euro để ngăn chặn người tị nạn, trong đó đã chuyển 30 triệu USD. Gần đây, quan chức Morocco tuyên bố nước này đã bắt và trả lại 30.000 người tị nạn.
Không còn chính sách “bảo vệ nhân đạo”
Hiến chương về các quyền cơ bản của EU đảm bảo những người chạy trốn chiến tranh hoặc đàn áp chính trị được bảo vệ nhưng các quốc gia thành viên EU, về mặt thực tế, đã loại bỏ nó. Họ đã đóng cửa biên giới, trục xuất những người giúp đỡ người tị nạn, trả tiền cho các nước khác để ngăn người di cư tiếp tục hành trình. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI), dựa theo số liệu của Bộ Nội vụ nước này cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2019, cứ 8 người tị nạn khởi hành từ Libya đến Italy thì 1 người thiệt mạng. Tổ chức Di cư Quốc tế thống kê rằng, tỷ lệ người di cư thiệt mạng trên tuyến đường này là 1/17, so với 1/43 người chết vào năm 2016.
Khi hàng trăm người tị nạn bị chết đuối trong một vụ đắm tàu gần Lampedusa vào năm 2013, làn sóng phẫn nộ nổi lên khiến EU phải đầu tư vào các chương trình cứu hộ. Nhưng bây giờ các quốc gia thành viên EU sẵn sàng chấp nhận để áp dụng chính sách tị nạn cứng rắn. Có thể nói, “pháo đài châu Âu” hiện nay có nhiều “kiến trúc sư”, bao gồm Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, Thủ tướng Hy Lạp Alex Tsipras và cựu Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, tất cả đều thực hiện các chính sách nhằm ngăn chặn người di cư.
Nhưng trong số này, không ai theo đuổi họ một cách quyết đoán như Matteo Salvini. Bộ trưởng Nội vụ dân túy cánh hữu của Italy cương quyết dừng giải cứu hàng hải. Ông cũng chê bai những người giúp đỡ người tị nạn, tuyên bố họ đang hợp tác với những kẻ buôn người và gây mất trật tự khiến nhà chức trách phải vào cuộc điều tra cho đến khi nhiều người bỏ cuộc và rút lui. Cuối cùng, ông đã ra lệnh không cho tàu cứu hộ cập cảng và bất cứ ai tìm cách giải cứu người tị nạn trước tiên phải tìm một quốc gia sẵn sàng tiếp nhận họ.
Ông Salvini gần đây đã loại bỏ chính sách “bảo vệ nhân đạo” vốn cho phép nhiều người xin tị nạn làm việc hợp pháp, ít nhất là tạm thời. Điều đó có nghĩa là hàng nghìn người bị đẩy ra đường. Mamadou Kondé, một người chăn cừu 26 tuổi đến từ Sénégal, đã phải ngủ trên ghế đá công viên ở Rome kể từ tháng 2-2019. Anh sống bằng nguồn thực phẩm mà các tình nguyện viên phát chẩn. Kondé - phải giấu tên thật cho biết: “Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Kondé từng được lưu giữ tại một trung tâm tiếp nhận giai đoạn đầu tiên ở Rome cho đến mùa thu vừa qua. Nghị định của Bộ trưởng Salvini dẫn đến việc anh bị trục xuất khỏi trung tâm. Không nơi ở, không có việc làm, giờ có muốn về nước anh cũng không đủ tiền và hộ chiếu thì đã bị đánh cắp.